Chuyện về người gánh thuê nước giếng cổ ở Hội An

Thứ Sáu, 05/07/2013, 14:51
Đã ở tuổi 82, ông vẫn ngày ngày gánh đôi thùng tôn đổ đầy nước giếng Bá Lễ cho nhiều gia đình ở Hội An chế biến các món đặc sản của khu phố cổ: cao lầu, mì Quảng, chè xí v.v… Gần 40 năm mưu sinh bằng nghề gánh nước thuê, ông không nghĩ rằng, mình chính là một trong những người góp phần kéo dài nét văn hóa truyền thống có từ nghìn năm qua ở thành phố Hội An - một Di sản Văn hóa của nhân loại.

Đặt chân đến phố Hội, chúng tôi tìm đến thăm gia đình ông Nguyễn Đường, người đã được nhiều du khách coi như một phần di sản của vùng đất cổ này, bởi ông vẫn lưu giữ một nghề từng thịnh hành ở đây, nhưng nay gần như mai một: gánh nước giếng cổ Bá Lễ.

Ngôi nhà nhỏ nằm cuối con ngõ nhỏ thanh bình, nằm bên đường Trần Hưng Đạo, thuộc tổ 8, phường Minh An. Gia đình 3 người, gồm ông, vợ ông-bà Nguyễn Thị Mỹ, 80 tuổi, bị bệnh và anh con trai Nguyễn Văn Quốc đã ở tuổi 53, bị thần kinh, đang ngồi trên chiếc chiếu giữa nhà, cũng là “phòng ngủ” của gia đình, sau bữa cơm tối đạm bạc. Dưới gầm chiếc giường nhỏ duy nhất trong nhà, là 2 chiếc hòm sắt đựng “tài sản” và đôi thùng tôn được lau bóng loáng. Cuộc sống không dư dả hiện rõ trên từng đồ vật trong nhà, trên cả đôi vai gầy chai cứng lại, sần đen vì gánh nặng cuộc đời dai dẳng của ông lão.

Giếng cổ Bá Lễ ở Hội An.

Sau lúc làm quen, ông Đường chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về sự gắn bó với nghề gánh nước giếng Bá Lễ thuê gần 4 thập kỷ qua. Năm 1975, sau cơn biến động của cuộc đời, vợ chồng ông dắt díu nhau về Hội An sinh sống. Không nghề nghiệp, không tiền bạc, lại thấy người dân Hội An rất thích dùng nước giếng Bá Lễ nằm ngay gần nhà ông, ông bà liền sắm đôi thùng, cùng một số người làm công việc gánh nước thuê cho các gia đình có nhu cầu.

Ngày nào cũng thế, dù nắng hay mưa, nóng bức hay se lạnh, ông bà đều phải dậy từ 4h sáng, khi đường còn chưa có bóng người, quẩy đôi thùng ra giếng múc nước rồi gánh đến đổ cho từng nhà. Nhưng dần dần, cuộc sống của người dân khấm khá lên, nước máy tới mọi nhà, vì thế, nghề gánh nước thuê không còn nhiều người làm nữa. Mặc dù vậy, nhưng những người bán đồ ăn uống đặc sản Hội An vẫn không thể bỏ nước giếng Bá Lễ, bởi, nếu thiếu nước giếng Bá Lễ, các đặc sản ở đây không còn giữ được vị thơm ngon như khi được chế biến từ nước giếng cổ này. Bởi thế, ông bà vẫn tiếp tục gìn giữ nghề này, cho đến khi, chỉ còn mình ông đảm đương nổi.

Theo ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH,TT&DL Quảng Nam, giếng Bá Lễ đã có cả ngàn năm tuổi, do người Chăm xây dựng, từ trước thế kỷ thứ X. Cũng như thánh địa Mỹ Sơn, giếng Bá Lễ được xây bằng loại gạch cổ và được kết dính bằng một chất liệu huyền bí, mà không phải vôi vữa. Hơn nữa, giếng Bá Lễ cũng ẩn chứa trong lòng nó những điều kỳ diệu. Trải qua hơn chục thế kỷ, nhưng đến nay, giếng cổ này vẫn cho mạch nguồn nước trong vắt và ngọt lành, dồi dào quanh năm. Bởi thế, chiếc giếng cổ cũng mang một giá trị văn hoá của cộng đồng người Chămpa ở Hội An từ hơn 10 thế kỷ, tạo nên một nét riêng, độc đáo cho vùng đất cổ này.

Điều đặc biệt là, chỉ khi được nấu từ nước giếng Bá Lễ, thì các món mang hồn cốt Hội An như cao lầu, mì Quảng, bún, hủ tiếu, chè xí, cà phê v.v… mới có được vị thơm, ngon đặc trưng vốn níu chân du khách: sợi cao lầu sẽ dẻo, dai, mềm mại. thơm ngon với hương vị đậm đà đặc trưng. 2 loại bánh nổi tiếng của Hội An là bánh bao và bánh vạc chỉ đạt được vị thanh dịu, thơm ngon khi dùng nước giếng cổ Bá Lễ để trộn bột. Món chè xí cũng không thể thiếu nước giếng Ba Lễ để làm nên vị ngon ngọt, dịu mát đặc trưng phố Hội. Bởi thế, người dân Hội An không dùng nước giếng Bá Lễ cho các sinh hoạt hằng ngày, mà chỉ để nấu nước uống và pha chế nấu các món ăn ngon. Xưa kia, nước giếng Bá Lễ còn từng là một loại hàng hóa đặc biệt để bán cho các thuyền buôn Ba Tư, Ả Rập về đây cất hàng. 

Ông Nguyễn Đường với gánh nước từ giếng cổ Bá Lễ.

Dì Tư Hương, chủ quán chè nhỏ trên đường Trần Phú (khu phố cổ Hội An) cho biết: Hơn nửa thế kỷ nay, dì chỉ nấu chè, pha cà phê bằng nước giếng Bá Lễ. Nếu chẳng may hôm nào lỡ chưa kịp có nước giếng, thì dì cũng không dám nấu bằng nước máy, vì sợ mất khách. Dì cười: Những người đã quen xài món chè xí, chè bắp, cao lầu, cà phê bằng nước giếng Bá Lễ, thì không muốn xài nếu những đồ trên không chế biến từ nước giếng cổ này.

Tuổi đã cao, nhưng ngày ngày ông lão Nguyễn Đường vẫn cặm cụi gánh nước, phục vụ những quán ăn khắp Hội An mỗi khi được gọi. Giá một gánh nước từ giếng mang về tận nhà cũng chỉ có 5.000 đồng. Gần đây, do giá cả tăng vọt, mỗi gánh nước được trả lên 10.000 đồng. Mỗi ngày, nếu có người nhờ, ông Đường cũng gánh được 6-7 gánh nước, nhưng có hôm chả được ai thuê. Cả nhà ông trông chờ vào nguồn thu này cùng với 600.000 đồng mà ông và anh con trai bệnh tật được Nhà nước trợ cấp. Ông lão không hề than phiền về sự vất vả, mà chỉ coi đây là một công việc mưu sinh bình thường.

Ông cũng không biết rằng, công việc giản dị của mình lại là sự nối dài di sản văn hóa truyền thống vốn có ở Hội An từ nhiều đời nay. Những người trân trọng quá khứ lại nhìn ra điều đó. Những bức ảnh, clip về ông được nhiều hãng thông tấn trong nước và quốc tế ghi lại treo trên tường nhà ông. Nhiều vị khách nước ngoài khi đến Hội An đều tìm bằng được căn nhà nhỏ của ông, để được tận mắt chứng kiến cảnh ông đi gánh nước, được chụp với ông một tấm ảnh, để về nước tự hào đã gặp một ông lão vẫn còn tiếp nối một nghề rất độc đáo ở Hội An, khi gắn liền với nguồn nước mát của giếng cổ Bá Lễ.

Câu chuyện giản dị về một ông lão ngoại 80, một mình gánh nước nuôi thân, nuôi người vợ già ốm đau và con trai bệnh tật đủ làm xúc động mọi người. Nhưng việc làm của ông góp phần làm nên những đặc sắc của văn hóa Hội An, qua những món ăn đã trở thành thương hiệu của người Hội An, càng khiến mọi người trân trọng quí

Thanh Hằng
.
.
.