Chuyện về một liệt sĩ là nhà sư

Thứ Bảy, 17/05/2008, 15:47
Khi Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc - Vesak 2008 chính thức diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 13 đến 17/5 với chủ đề "Phật giáo và xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", chúng tôi đã tìm đến Hồ Sơn Cổ Tự - một ngôi chùa có bề dày lịch sử trên 300 năm tọa lạc ở khu phố Ninh Tịnh 2, phường 9, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Nơi ấy cách đây gần nửa thế kỷ có một nhà sư yêu nước tu hành rồi thoát ly đi làm cách mạng và đã hy sinh.

Biết có khách đến, Thượng tọa Thích Nguyên Đức, nhà sư đang trụ trì ngôi chùa này bước ra chào. Ông kể: “Theo sách Kiến trúc Phật giáo Việt Nam của Nguyễn Bá Lăng do Viện Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn - 1972, thì Hồ Sơn Cổ Tự đã hình thành hơn 300 năm. Tính đến nay đã có 17 lượt nhà sư nối tiếp nhau trụ trì ngôi chùa này".

Đưa tôi vào gian phòng tiếp đón khách, Thượng tọa Thích Nguyên Đức dừng lại trước một bức di ảnh đen trắng treo trên tường, ông giới thiệu bằng niềm tự hào: "Đây là Đại đức Thích Giác Lượng, một nhà sư tiền bối và cũng là liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ông có tục danh là Ngô Sáu, quê quán ở thôn Phú Nhiêu, xã Hòa Mỹ Đông, huyện Tuy Hòa - nay là huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên".

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết sau cách mạng tháng 8-1945, người thanh niên dân quê Ngô Sáu theo học tại Trường Trung học Lương Văn Chánh, nhưng sau đó phải rời trường trở về quê nhà do cuộc sống người dân ở vựa lúa Tuy Hòa rơi vào tình cảnh khó khăn vì công trình thủy lợi Đồng Cam bị giặc Pháp phá hoại, không có nước tưới để sản xuất lúa và hoa màu. Cơ duyên đã đưa ông Ngô Sáu đến với cửa Phật khi vị Hòa thượng Thích Hưng Từ, trụ trì chùa Phổ Độ đưa về nuôi. Ở đó, ông tiếp tục được học văn hóa và giáo lý nhà Phật.

Sau khi Hiệp định Giơnevơ ký kết, mặc dù chính quyền Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ đã mở nhiều cuộc đàn áp Phật giáo, nhưng với sự giúp đỡ của các nhà sư, ông Ngô Sáu bước vào Trường Đại học Vạn Hạnh - Sài Gòn.

Sinh viên Ngô Sáu không chỉ được truyền đạt kiến thức về giáo lý Phật pháp, mà còn được các bậc thiền sư, nhân sĩ trí thức và phật tử lúc đó giáo dục lòng yêu nước, thương dân, căm thù giặc ngoại xâm và tay sai bán nước. Chính vì vậy ông Ngô Sáu là một trong những sinh viên miền Nam tham gia xuống đường đấu tranh chống chế độ áp bức của Mỹ Diệm.

Khi trở về Phú Yên, ông Ngô Sáu tu hành ở Hồ Sơn Cổ Tự với pháp danh Thích Giác Lượng. Sau một thời gian dài được đạo hữu tin yêu quý mến, ông được công nhận là Đại đức. Theo sự động viên của một số phật tử trong những gia đình giàu truyền thống cách mạng, Đại đức Thích Giác Lượng ra xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định phát nguyện lập chùa An Hòa. Chính quyền xã và đám Cảnh sát quốc gia thấy đông đảo đồng bào ngưỡng mộ nhà sư, tìm đến chùa đọc kinh cầu nguyện và nghe Đại đức lấy việc đời để hướng đạo cho phật tử nhận diện đâu là chánh, đâu là tà từ những hành động ngang ngược của chính quyền và những kẻ ác ôn, nợ máu cách mạng và nhân dân. Chính vì vậy địch đã đặt chùa An Hòa vào tầm ngắm, nhưng đạo hữu vẫn tìm đến ngày càng đông.

Năm 1964, Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng khu Trung Trung Bộ mời Đại đức Thích Giác Lượng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cũng từ thời điểm này, Đại đức rời chùa An Hòa thoát ly lên chiến khu, lần lượt được tín nhiệm bầu chọn làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên giải phóng, rồi Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng khu Trung Trung Bộ.

Khi có người hỏi về chuyện Đại đức thoát ly, ông nói rằng: "Tôi đi làm cách mạng là vì đời, mà cũng là vì đạo. Khi cách mạng thắng lợi, đất nước độc lập thống nhất, tôi sẽ trở về với đạo mà không có gì phải hổ thẹn".

Trong những chuyến đi thuyết pháp tại nhiều vùng quê ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đại đức Thích Giác Lượng đã tranh thủ vận động chính sách đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc, tuyên truyền chủ trương của mặt trận giải phóng, kêu gọi con em binh lính chế độ Sài Gòn làm điều lành, tránh điều ác. Trong suốt thời gian hơn ba năm ở chiến khu, Đại đức đã giảng giải cho hàng ngàn người dân ủng hộ mặt trận giải phóng, những người từng nghe Đại đức thuyết pháp đều kính trọng, quý mến ông.

Khi chiến dịch Tổng tiến công nổi dậy mùa xuân Mậu Thân - 1968 đang trong giai đoạn chuẩn bị, chiến trường khu Trung Trung Bộ diễn ra ác liệt, nên Khu ủy Khu 5 điều động các vị nhân sĩ, cán bộ đang tiếp cận vùng đồng bằng về lại căn cứ ở rừng Trường Sơn. Thực hiện mệnh lệnh đó, Đại đức Thích Giác Lượng từ huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi theo đường rừng sang căn cứ T4 ở miền Tây huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Vừa đến trạm liên lạc căn cứ vào đêm 15/11/1967 thì bị máy bay địch ném bom, khiến cho Đại đức Thích Giác Lượng hy sinh khi mới 35 tuổi. Thi hài ông được chôn cất ở miền núi Trà My, mãi đến giữa năm 1997, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Yên mới tổ chức đưa hài cốt của liệt sĩ Ngô Sáu, tức Đại đức Thích Giác Lượng về quê nhà và cải táng ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Phú Yên ở phường Phú Thạnh, TP Tuy Hòa. Hai người anh trai của Đại đức từng thoát ly tham gia hai cuộc kháng chiến và đã hy sinh.

Với ba người con là liệt sĩ, người mẹ của Đại đức Thích Giác Lượng dù đã đi xa, nhưng vẫn được Chủ tịch nước truy phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Tấm gương yêu nước, một lòng phụng sự Tổ quốc và nhân dân, tận tâm, tận lực vì đạo và đời của Đại đức Thích Giác Lượng thật đáng trân trọng

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.