Chuyện lạ ở Hải Phòng: Phượng vỹ cũng bị khai tăng tuổi?

Thứ Năm, 12/06/2014, 10:35
Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh (CVCX, thuộc Sở Xây dựng Hải Phòng) cho biết, để giữ danh tiếng "Thành phố hoa phượng đỏ", đơn vị có chức năng chăm sóc cây đô thị này đã đề xuất đề án bảo tồn những cây phượng cổ thụ. Những cây phượng lâu năm trên các đường phố được gắn biển "sơ yếu lý lịch" gồm các thông tin cơ bản như: Tên cây, tên khoa học, địa chỉ cây đang sống, tên đơn vị quản lý và chăm sóc.

Theo yêu cầu này, toàn thành phố có đến 15.000 cây phượng đường phố nhưng chỉ 1.039 cây đủ tiêu chuẩn gắn biển bảo tồn. Xét về ý nghĩa thì đây là việc cần thiết, người dân khi nhìn những tấm biển lý lịch treo trên cây, chắc chắn sẽ thêm yêu mến loài cây biểu tượng của thành phố, từ đó nêu cao ý thức bảo vệ, chống lại các hành vi xâm hại.

Thế nhưng có một việc khiến nhiều người không khỏi thắc mắc, hoài nghi về việc này khi họ cho rằng có sự khai man lý lịch cho cây.

Theo ghi nhận của PV, nhiều người dân sinh sống hai bên đường dẫn lên cầu Bính thuộc phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng khẳng định khu vực này vốn là bãi rác Thượng Lý, chỉ khi cầu Bính được xây dựng đưa vào sử dụng thì mới trở thành đường đô thị từ năm 2005. Cũng từ đó hàng phượng vỹ hai bên đường mới được trồng. Điều đó có nghĩa đến nay chúng mới chỉ 10 năm tuổi. Thế nhưng tất cả các cây này đều được Công ty CVCX khai tăng thành trên 30 tuổi trên tấm biển "lý lịch". Người dân cũng không hiểu Công ty CVCX làm như thế nhằm mục đích gì?

Ông Nguyễn Khắc Hà - Tổng Giám đốc Công ty CVCX - giải thích, những cây gắn biển là loại cây nằm trong diện bảo tồn. Thực hiện theo Nghị định 64 của Chính phủ, cây bảo tồn phải được gắn biển, xác minh lý lịch của cây. Tại Hải Phòng, phượng là cây đặc biệt, gắn liền với tên tuổi thành phố cho nên phải nằm trong diện được gắn biển bảo tồn. Chi phí cho việc này cũng rất tốn kém, nhưng công ty mới chỉ nhận được 100 triệu đồng do thành phố cấp. Về việc khai tăng tuổi cây phượng đường cầu Bính, ông Hà cho rằng, trước khi gắn biển đã dự đoán có thể có sai sót nên đã chỉ đạo ghi "ước trên 30 năm" chứ không ghi chính xác. Trong khi đó, tại các tuyến phố trung tâm, có khá nhiều cây phượng cổ thụ nhưng biển cũng chỉ ghi "ước 50-60 năm".

Vấn đề ở đây là, tuổi đời của cây phượng tối đa chỉ 70 năm, trên thực tế đã có nhiều cây gãy đổ dù chưa đến tuổi thất thập. Bởi phượng có một đặc điểm càng già càng rỗng ruột, vậy có nhất thiết phải bảo tồn khi mà cái chết tất yếu của chúng đã nằm sẵn ngay đó. Việc nữa là kinh phí bảo tồn cho từng cây, từng loại, từng tuổi được tính như thế nào, mỗi năm bao nhiêu thì chúng tôi chưa nhận được câu trả lời từ Công ty CVCX cũng như từ Sở Xây dựng chủ quản!

 

Minh Lê
.
.
.