Chuyện ghi được tại Trại giam Cái Tàu

Thứ Tư, 02/09/2009, 20:08
Tập thể Ban giám thị và cán bộ, chiến sĩ Trại giam Cái Tàu tự hào rằng trong nhiều năm qua đã không còn xảy ra tình trạng phạm nhân trốn trại. Và trong đợt đặc xá lần này, 100% phạm nhân mà Trại đề nghị đã được Hội đồng xét duyệt Trung ương đồng ý. Điều này cũng có nghĩa rằng 180 phạm nhân sẽ được trở lại sống hòa nhập với cộng đồng...

Được hỏi thăm công tác chuẩn bị cho lễ đặc xá nhân kỷ niệm Quốc khánh 2-9 năm nay, Thượng tá Lê Quốc Phấn - Giám thị Trại giam Cái Tàu (đặt tại xã Khánh An, huyện U Minh, Cà Mau) bộc bạch: "Đây được xem là Trại giam xa xôi nhất của cả nước, đời sống của cán bộ, chiến sĩ còn lắm khó khăn nhưng công tác giáo dục, cảm hóa phạm nhân, giúp họ sớm có điều kiện trở lại hòa nhập với cộng đồng luôn được anh em chúng tôi đặt lên hàng đầu".

Và anh cũng cho tôi thông tin vui rằng, trong đợt đặc xá lần này, 100% phạm nhân mà Trại đề nghị đã được Hội đồng xét duyệt Trung ương đồng ý. Điều này cũng có nghĩa rằng 180 phạm nhân sẽ được trở lại sống hòa nhập với cộng đồng...

Để có được con số phạm nhân sắp trở về với cộng đồng như thế thực ra là một cố gắng lớn của tập thể Ban Giám thị và cán bộ, chiến sĩ của Trại Cái Tàu. Trung tá Dương Xuân Thắng - Đội trưởng Đội hồ sơ, quản giáo cho biết, hiện Trại Cái Tàu đang quản lý, cải tạo khoảng 3.000 phạm nhân. Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ của Trại luôn nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình và tự xem mình giống như là người thầy, người bạn tin cậy của phạm nhân.

Tại Trại Cái Tàu có rất nhiều phạm nhân có trình độ học vấn thấp, thậm chí không biết chữ, phạm tội mang tính nhất thời. Nắm được đặc điểm này, Trại luôn cố gắng để họ nhận thức được lỗi lầm trong quá khứ mà nghĩ đến ngày được Nhà nước tiếp tục cho hưởng chính sách khoan hồng, được về đoàn tụ với gia đình, là công dân có ích trong quãng đời còn lại.

Và việc làm quan trọng trước tiên để phạm nhân thuận lợi đạt được niềm khát vọng "muốn làm lại cuộc đời" của mình mà Trại thực hiện là mở lớp học chữ. Khi phạm nhân biết chữ rồi, cán bộ, chiến sĩ Trại thay phiên nhau dạy các bài giảng như chính sách của Nhà nước đối với phạm nhân, quyền, nghĩa vụ của phạm nhân; nội quy của Trại; quyết tâm thực hiện tốt 4 tiêu chuẩn thi đua chấp hành hình phạt tù…

Tập thể Ban giám thị và cán bộ, chiến sĩ Trại giam Cái Tàu tự hào rằng trong nhiều năm qua đã không còn xảy ra tình trạng phạm nhân trốn trại. Đây chính là thước đo thể hiện hiệu quả giáo dục, cảm hóa phạm nhân. Một cán bộ bộc bạch: "Mình đã hết lòng, hết tình người thì phạm nhân sẽ luôn phục thiện".

Chúng tôi được Ban Giám thị trại cho tiếp xúc, thăm hỏi những phạm nhân có tên trong danh sách được xem xét đặc xá lần này. Ai cũng phấn khởi chờ ngày trở về và gần như ai cũng thuộc lòng 15 điều nội quy và 4 điều thi đua của Trại.

"Thế là đã 7 năm rồi…" - Trần Văn Cường, 27 tuổi, ĐKTT ấp Tân Thuận, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước (Cà Mau) nhớ lại ngày Cường bị bắt. Hôm đó, Cường tới nhà của người bà con chơi thì bỗng có đối tượng tới chửi người bà con em một cách thậm tệ. Đang có rượu trong người, Cường chạy vào nhà lấy dao… Nạn nhân ngã xuống chết tại chỗ sau vết đâm chí tử của Cường. Còn Cường thì như chết đứng. "Em tưởng mình phải chịu hình phạt mạng đổi mạng. Chẳng ngờ, chính sách khoan dung của pháp luật, em bị tuyên án 12 năm tù giam…".

Nghe chúng tôi hỏi thêm về thái độ ăn năn, hối cải trong thời gian cải tạo, Cường cho biết, ngay từ ngày đầu thụ án tại Trại giam, Cường đã được cán bộ Trại nói về điều này. "Có lần được cán bộ nói rằng, nếu không vi phạm pháp luật, có khi giờ này em đã ngồi ở giảng đường đại học cùng với bao nhiêu bạn bè trang lứa, em đã khóc bởi trước khi phạm tội, em đã học xong 12".

Cường kể, lúc nào nhớ đến những người thân quen của mình Cường cũng rớt nước mắt. "Và cũng chính vì vậy, em luôn lao động, cải tạo tốt để mong có được ngày sum họp". Cường kể, khi nghe cán bộ thông báo trong danh sách đề nghị đặc xá lần này có tên mình, Cường dự tính nhiều lắm: "Ít ra thì cũng phải tìm cho được một cái nghề để làm lại cuộc đời, cho cha mẹ vui" - Cường nói.

Chúng tôi gặp phạm nhân Lê Thị Út Em, quê quán ở TP.Rạch Giá (Kiên Giang). Người phụ nữ này phấn khởi nói, nghe tin mình có tên trong danh sách được xem xét đặc xá, gần cả tuần qua chị không ngủ được. Sau khi có chồng, từ đồng vốn dành dụm được, chị mở tiệm buôn bán tạp hóa trong con hẻm nhỏ; rồi lần lượt sinh 2 đứa con. Việc buôn bán, mở rộng kinh doanh của chị chẳng bao lâu lại vướng phải chuyện lỗ lãi, nợ nần đến mức chị không còn khả năng chi trả. Chồng chị chẳng may bị bệnh, qua đời.

Và để đối phó với hoàn cảnh khó khăn chất chồng, nhất là khoản nợ vay ban đầu này, chị đã làm tất cả những gì có thể và chẳng ngờ rằng mình đã vi phạm pháp luật. Đến năm 2006, chị bị bắt vì tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và sau đó đã phải trả giá bằng bản án nghiêm khắc.

"Ngày đầu tôi được đưa tới vùng U Minh lạ huắc này, tôi tuyệt vọng lắm và có lúc quẫn trí, định tự tử cho xong. Nhưng rồi chẳng ngờ gặp được nhiều cán bộ rất tốt. Họ luôn gần gũi, động viên, giúp tôi hiểu được trách nhiệm của người mẹ đối với con mình đang ngóng trông từng giờ, từng ngày ở bên ngoài". Chị kể trong nước mắt rằng, các con chị rất hiếu thảo.

Ngày chị đi tù, bọn chúng là những đứa trẻ mồ côi; căn nhà phải bán đi để trả nợ. Sau đó thì 2 con gái lần lượt có chồng. Ngày con mình xuất giá, chẳng có cha, có mẹ… Thằng con trai út, khi chị đi tù nó mới học lớp 11, nay đã 27 tuổi đầu rồi. Hoàn cảnh lúc đó khó khăn quá, nó phải nghỉ học và chạy xe honda ôm, dành dụm tiền cùng với 2 chị, đến Trại Cái Tàu thăm chị. "Tôi vừa được con tôi báo là tôi đã lên chức… bà ngoại. Tôi nôn được về nhà quá cán bộ ơi…"

Thái Bình - Đằng Giao
.
.
.