Chuyển đổi xe ba gác máy, xe tự chế ở Bình Dương: Còn nhiều vướng mắc

Thứ Tư, 17/12/2008, 10:13
Để giúp các chủ phương tiện xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3 - 4 bánh có điều kiện chuyển đổi ngành nghề, bảo đảm cuộc sống, ngày 4/2/2008, UBND tỉnh Bình Dương đã có Quyết định số 383/QĐ-UBND về hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi. Tuy vậy, đã hơn 10 tháng kể từ khi Quyết định 383 ban hành đến nay, vẫn chưa có chủ phương tiện nào được vay vốn, việc chỉ đạo thực hiện vẫn còn nhiều lúng túng.

Theo báo cáo của Sở GTVT tỉnh Bình Dương, đến nay toàn tỉnh hiện có 5.283 phương tiện xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3 - 4 bánh đang hoạt động. Trong đó, xe máy cày, máy kéo, xe ba gác máy chiếm nhiều nhất, gần 4.000 chiếc. Riêng xe công nông, về mặt pháp lý, đã không còn được phép hoạt động song hiện nay, ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Bình Dương, xe công nông vẫn còn hoạt động.

Làm việc với chúng tôi, ông Trần Thanh Liêm - Giám đốc Sở GTVT Bình Dương cho biết: "Qua các đợt xuống địa phương khảo sát, chúng tôi thấy phần lớn các chủ phương tiện xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3 - 4 bánh đều là nhân dân lao động nghèo, trình độ dân trí thấp, tuổi tác đã cao nhưng lại là những lao động chính trong gia đình.

Đa số các chủ phương tiện này sử dụng phương tiện vào mục đích kiếm sống từng ngày và sản xuất vận chuyển hàng hóa nông nghiệp. ở Bình Dương, hiện tại chưa có loại phương tiện nào dùng để thay thế xe công nông ở vùng nông thôn và ở các vùng đô thị, cũng chưa có loại phương tiện nào phù hợp thay thế xe ba gác máy để có thể chở hàng vào các ngỏ hẽm nhỏ…".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay chỉ còn một thời gian rất ngắn nữa là đến thời điểm các loại xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3 - 4 bánh phải ngưng hoạt động (31-12-2008) nhưng thực tế ở Bình Dương, các loại phương tiện trên vẫn đang hoạt động bình thường, ngoài những khó khăn mà Sở GTVT đã nêu, còn nguyên nhân khác nữa là chủ phương tiện chưa tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ ưu đãi theo Quyết định số 383 của UBND tỉnh.

Mặc dù Quyết định 383 đã ban hành hơn 10 tháng song đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Dương vẫn chưa triển khai cho chủ phương tiện vay vốn vì các sở, ngành có liên quan chưa có sự phối kết hợp đồng bộ, chặt chẽ. Chưa xác định được trách nhiệm cụ thể của từng ngành trong việc triển khai thực hiện quyết định của UBND tỉnh.

Cũng theo ông Trần Thanh Liêm cho biết: "Sở GTVT đã thống kê các loại phương tiện bị cấm lưu thông sau ngày 31/12/2008 và đã báo cáo với UBND tỉnh phương án xử lý. Tuy vậy, đến nay Sở GTVT vẫn chưa nhận được chỉ đạo của UBND tỉnh...".

Làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội Bình Dương, chúng tôi được biết, đến nay lãnh đạo ngân hàng chưa nhận được danh sách những chủ phương tiện trong diện cần được hỗ trợ vay vốn ưu đãi để chuyển đổi ngành nghề. Cho đến lúc này, Ngân hàng vẫn chưa biết có bao nhiêu chủ phương tiện cần vay vốn? Số vốn cần vay và nguồn vốn vay lấy ở đâu?

Như vậy, chủ trương chuyển đổi ngành nghề của các chủ phương tiện xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3 - 4 bánh đã có, song việc tiến hành thiếu đồng bộ đã nảy sinh những lúng túng trong quá trình phối hợp giải quyết.

Thời gian chuyển đổi đã quá cận kề, để việc chuyển đổi đạt kết quả tốt, UBND tỉnh Bình Dương cần giao trách nhiệm cho một đơn vị cụ thể tổ chức thực hiện. Có như vậy, việc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ mới đạt kết quả, chủ phương tiện mới không gặp khó khăn khi phải ngưng hoạt động

Ngọc Ánh
.
.
.