Chung cư cũ sau mưa ngập
Nhà đã lún càng thêm lún
Cả 3 khu nhà I1, I2 và I3 đều có hiện tượng bị lún ngay sau khi hoàn thành và đưa người dân đến ở. Đặc biệt là khu nhà I2, khi người dân còn chưa đến ở đã bị lún hết bậc tam cấp vào nhà tầng 1. Khi chúng tôi đến, bác Phạm Đình Lục, phòng 103 nhà I2 vẫn đang phơi tài liệu, giấy tờ bị ngập trong trận mưa lịch sử vừa qua.
Bác Lục cho biết, đợt mưa đã làm toàn bộ các hộ dân tầng 1 phải sơ tán 5 ngày vì bị nước ngập đến ngang ngực. Khu nhà này, toàn bộ tầng 1 đã lún sâu khoảng 1m. Vì thế, khi bị ngập đến ngang ngực, cũng có nghĩa nước chỉ cách trần nhà nhỉnh hơn 50cm. Toàn bộ các tường đều bị giằng, nứt. Kết cấu của khu nhà cũng bị xô lệch, vữa trần lở từng mảng lớn. Ngay cả cầu thang cũng bị "biến mất" vài bậc.
Khi còn đang xây dựng, nhà I2 đã bị lún nên dù trong thiết kế, đây là khu nhà 5 tầng, nhưng chỉ xây đến tầng thứ 4 thì dừng lại. Do nhà xuống cấp, nên từ năm 1998, những người dân ở 3 khu nhà này không phải trả tiền thuê nhà.
Theo các chuyên gia xây dựng, các khu đô thị mới được xây dựng cũng đều nằm trong vùng đất có tốc độ lún nhanh như Ngọc Khánh, Giảng Võ, Thành Công, Thanh Nhàn, Việt Hưng, Mễ Trì, Mỹ Đình, bán đảo Linh Đàm...
Rà soát lại toàn bộ chất lượng các nhà chung cư, tập thể cũ
Năm 2007, Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội đã công bố kết quả nghiên cứu biến dạng lún bề mặt đất TP Hà Nội, do thay đổi mực nước ngầm.
Theo kết quả quan trắc lún bề mặt đất do thay đổi mực nước ngầm tại 10 trạm đo lún bề mặt đất đặt tại các nhà máy nước và trạm tăng áp thuộc Công ty Kinh doanh nước sạch số 2 Hà Nội (ở các khu vực có tồn tại lớp đất yếu là Thành Công, Pháp Vân, Tương Mai…) trong những năm qua đã phản ánh rõ nét hơn cả. Những khu vực có nền đất yếu, tốc độ lún bề mặt khá nhanh là Thành Công 41,02mm/năm, Ngô Sỹ Liên 27,14mm/năm, Pháp Vân 22,02mm/năm.
Các phương pháp quan trắc thực nghiệm mà Viện Khoa học công nghệ và Kinh tế xây dựng Hà Nội tiến hành nghiên cứu đã khẳng định rằng sự thay đổi mực nước ngầm là một trong những nguyên nhân gây nên sụt lún bề mặt đất TP Hà Nội.
Những vết nứt xuất hiện sau đợt mưa ngập. |
Với nền địa chất yếu, sau trận mưa ngập dài ngày vừa qua, ông Đỗ Quốc Khánh, chuyên gia trong lĩnh vực di dời và xử lý lún, sụt, nghiêng các công trình xây dựng, người được đặt biệt danh "thần đèn xứ Bắc" cho biết, bình thường ở trong đất luôn có khoảng rỗng, kẽ hở. Khi bị ngập lâu ngày, theo dòng chảy của nước, các hạt đất được sắp xếp lại theo chiều hướng nén chặt lại, đặc biệt là ở các khu vực có tải trọng như đô thị, nơi có nhiều nhà cửa, nhà cao tầng, đường giao thông...
Hiện tượng sụt lún chủ yếu xảy ra với các trường hợp nhà cấp 4, nhà dưới 4 - 5 tầng, biệt thự và hệ thống đường giao thông, kênh mương… do khi xây dựng, các công trình này không xử lý nền móng hoặc phần móng không được làm kỹ bằng các tòa cao ốc.
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó phòng Quản lý kỹ thuật và Chất lượng công trình, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, ngay sau khi đợt mưa lịch sử chấm dứt, TP Hà Nội đã giao cho Sở Xây dựng cùng các cơ quan chức năng khác tăng cường tổ chức kiểm tra, khắc phục hậu quả do mưa kéo dài làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình xây dựng.
UBND TP Hà Nội cũng đã có Công điện khẩn số 14 CĐ/UBND yêu cầu chính quyền các cấp tổ chức kiểm tra các khu nhà ở, các khu chung cư trên địa bàn, xem xét cụ thể hiện trạng các khu chung cư cũ đã xuống cấp.
TP chỉ đạo, đối với các khu chung cư xuống cấp nghiêm trọng do bị ảnh hưởng của mưa lũ trong thời gian qua, không đảm bảo an toàn về tài sản và tính mạng của nhân dân, thành phố chỉ đạo phải kịp thời di chuyển nhân dân và tài sản ra khỏi khu vực nhà ở nguy hiểm và chủ động bố trí nhà ở cho các hộ dân di chuyển.
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có 77 nhà chung cư, tập thể cũ xuống cấp cần cải tạo, xây dựng lại. Sau trận mưa ngập vừa qua, những ngôi nhà này đều có nguy cơ sụt lún, xuống cấp nghiêm trọng hơn. Sở Xây dựng Hà Nội cũng khuyến cáo các chủ đầu tư, Ban Quản lý nhà và các hộ dân cảnh giác trước những dấu hiệu bất thường như sân võng xuống, xuất hiện các vết nứt lạ… và báo ngay với cơ quan chức năng.
Di dời các hộ dân khỏi nhà nguy hiểm I1, I2, I3 Thành Công UBND TP Hà Nội vừa có quyết định di dời các hộ dân khỏi nhà chung cư nguy hiểm I1, I2, I3 Thành Công, phường Láng Hạ, quận Đống Đa. Đây là những công trình bị lún, nứt trong thời gian dài, vừa bị ngập nặng trong đợt mưa lớn cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua. UBND TP giao UBND quận Đống Đa chủ trì, phối hợp với Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố, các Sở Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch - Đầu tư, Tổng Công ty Sông Hồng, tổ chức di dời các cửa hàng, hộ gia đình đang sinh sống trong các nhà chung cư trên. Sở Xây dựng có trách nhiệm sắp xếp, bố trí 40 căn hộ nhà NO6 Khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai) để làm quỹ nhà tạm cư phục vụ di dời. Tổng Công ty Sông Hồng phối hợp tổ chức di dời bảo đảm an toàn tuyệt đối; làm rào chắn và có biện pháp bảo đảm an toàn cho công trình lân cận; lập phương án phá dỡ trình Sở Xây dựng thẩm định trong tháng 12/2008. |