Chúa Nguyễn Phúc Chu và sự nghiệp mở mang bờ cõi
Nhân dịp này, triển lãm "Di sản văn hóa Phật giáo Đàng Trong thời chúa Nguyễn" giới thiệu hàng ngàn hiện vật cũng chính thức được khai mạc.
Có sự tham gia của hàng trăm nhà nghiên cứu, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, các chư tôn giáo phẩm, đại đức, hòa thượng trên cả nước, hội thảo tập trung vào 3 chủ đề chính: Vấn đề sử học thời Nguyễn, sự nghiệp Chúa - Bồ Tát Minh vương Nguyễn Phúc Chu, sự nghiệp phát triển văn hóa và xiển dương đạo Phật dưới thời Chúa - Bồ Tát Nguyễn Phúc Chu.
Được biết, Chúa Nguyễn Phúc Chu (1675 - 1725), được tôn xưng là Quốc chúa lúc sinh thời, thuộc hệ 7 của Nguyễn Phước tộc, có Pháp danh là Hưng Long, hiệu là Thiên Túng Đạo Nhân. Ông là người văn võ song toàn, có đóng góp to lớn trong việc mở mang bờ cõi, phát triển đất nước ở khu vực phía Nam vào thế kỷ XVII - XVIII.
Tại hội thảo, các tham luận của các đại biểu đề cập nhiều vấn đề lịch sử, văn hóa thời các chúa Nguyễn trong dòng lịch sử, văn hóa Việt Nam từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX, đồng thời tiếp tục nêu ra và đánh giá các đóng góp của Chúa Nguyễn Phúc Chu với vai trò Chúa - Bồ Tát, trong chiến lược mở rộng bờ cõi, xây dựng đất nước.
Tham luận của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu khẳng định, Chúa Nguyễn Phúc Chu là nhân vật lịch sử đặc biệt, người góp phần đặt nền tảng cho công cuộc hình thành, bước đầu ổn định phát triển vùng đất cực Nam Trung Bộ, Nam Bộ, Tây Nguyên, có công lao lớn đã được lưu truyền vào sử sách trong việc khẳng định, bảo vệ chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…