Chợ trầu cau ở TP HCM: Ai bán, ai mua...

Thứ Hai, 09/04/2012, 11:35
Ở TP HCM, nếu muốn mua trầu cau cúng tổ tiên, cưới hỏi hay đơn giản chỉ là thèm vị vôi nồng, lá trầu cay người ta thường tìm đến khu chợ nhỏ trên đường Lê Quang Sung, quận 6. Hơn nửa thế kỷ, chợ trầu cau hiếm hoi của Sài thành mang trong mình bao câu chuyện cùng những kiếp người gắn liền với miếng trầu - nét văn hóa truyền thống đã ít nhiều phôi pha.

“Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Quả vậy, đến khu chợ này, trước khi tiếp chuyện khách lạ, các bà, các dì phải bỏm bẻm miếng trầu mới vui cái miệng được. Bà Sáu Lên (77 tuổi) răng đã rụng gần hết, lưỡi nổi hột nhưng cũng tỉ mẩn chẻ từng miếng cau cho thật nhỏ để nhấm nháp.

Nói là chợ nhưng đó là một khu vực nhỏ nằm gọn trên vỉa hè đối diện với Bến xe Chợ Lớn. Không ai biết cụ thể chợ có từ khi nào, chỉ biết lâu lắm, từ trước giải phóng. Các cụ bà nhớ rằng mình đội cau lên đây hồi còn là thiếu nữ mười bảy, mười tám tuổi. Khu chợ nhỏ đượm hương cau này đã trở thành nơi tụ họp của những người con Mười tám thôn Vườn trầu, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn. Gắn liền với mẹt trầu cau chủ yếu là các cụ bà, các chị trung niên. 4h sáng, chợ họp, chồng con chở họ từ Bà Điểm lên quận 6, 5h chiều lại dọn hàng chở về.

Một quầy bán trầu cau trên đường Lê Quang Sung, quận 6.

Trầu cau ở chợ được lấy từ nhiều nơi như: Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bến Tre… nhưng chủ yếu là ở Bà Điểm. Bà Đào Kim Phụng (thường gọi bà Huê), 62 tuổi, vừa dán chữ hỉ vào buồng cau đám cưới 60 quả, vừa cho biết: ngày cuối tuần, chợ mới nhộn nhịp, đông khách. Thời gian trầu cau bán chạy nhất là những tháng cuối năm và đầu năm vì đây là dịp người ta tổ chức cưới hỏi, lễ chạp nhiều nhất. Nhưng độ tháng 4 đến tháng 10, cau ế, người mua lác đác bởi giờ còn mấy ai ăn trầu. Thu nhập của nghề bán cau theo đó cũng bấp bênh.

Gắn bó lâu năm nhất khu chợ này là bà Sáu Lên. Thời con gái, trầu cau cùng giấy tờ mật của quân giải phóng đã theo bà bôn ba trên đường làng, vào Sài Gòn qua mắt bọn Mỹ ngụy. Sáu Lên nổi tiếng là cô giao liên gan dạ, ngoan cường. Tác phong nhanh nhẹn, dịu dàng, lại khéo ăn nói nên cô thiếu nữ Mười tám thôn Vườn trầu ngày ấy dễ dàng qua mặt địch. Nước nhà thống nhất, Sáu Lên trở về vườn trầu của mình. Ngày ngày, bà bắt xe buýt số 23 từ Bà Điểm lên thành phố, vẫn một thúng cau, một mẹt trầu ngồi bán.

Bà Sáu Lên bán trầu cau cho một người bạn già.

Không chồng, không con, cả cuộc đời gắn liền với trầu cau ở khu chợ, bà Sáu Lên đã chứng kiến biết bao đổi thay và câu chuyện buồn vui nơi đây. Một dạo, có mấy bà cụ cứ mỗi lần đi ngang qua chợ lại liếc mắt nhìn mấy trái cau rồi chóp chép trong miệng. Hỏi ra mới biết các cụ thèm trầu mà nghèo quá không có tiền mua. Vậy nên mỗi lần các cụ đến, bà Sáu Lên lại biếu cho người bạn già dăm miếng trầu ăn cho đỏ miệng.

Chị Tô Thị Thùy Sinh, 36 tuổi, được xem là người trẻ nhất chợ. 13 tuổi, chị đã theo mẹ lên đây tập tành buôn bán, học cách trang trí buồng cau đám cưới, têm trầu cánh phượng. Cứ thế, bao thế hệ đã gắn bó với khu chợ này.

Một điều đặc biệt ở khu chợ gắn với tục ăn trầu lâu đời của dân tộc là người mua đa số là các cụ già. Không xô bồ như chợ bình thường, chợ trầu cau dân dã, mộc mạc như phiên chợ quê. Kẻ bán người mua như người thân quen. Họ bỏm bẻm nhai trầu, hỏi thăm, động viên nhau. Mua bán ít đắn đo, mặc cả. 

Nhưng tục ăn trầu ngày càng mai một. Người mua ngày càng thưa thớt, người bán theo đó cũng dần vắng bóng. Những người bạn trầu cùng thời bà Sáu Lên giờ không còn ai. Tuổi cao sức yếu, họ bỏ dở mẹt trầu, sọt cau về nơi chín suối. Bây giờ, chợ trầu cau chỉ còn lác đác vài quầy, chưa đến chục người bán. “Ngày xưa ở đây có gần cả trăm quầy lận. Dân Bà Điểm có, tứ xứ có. Tụi tui xếp thành hàng dài, ngồi dưới mái tranh, chái hiên mà bán. Dịp đầu năm, người mua kẻ bán chật cứng, đông vui như Tết, đâu buồn thiu như bây giờ” – tay run run têm lá trầu cánh phượng, bà Sáu Lên chép miệng.

Những năm trước, trung bình mỗi ngày các bà bán được 1 thiên cau (1.000 quả) giá 100 – 150 ngàn đồng, mười mấy ký trầu giá 25 ngàn đồng/ký. Bây giờ số lượng ấy giảm còn một nửa. Mùa cau bán chạy, lời lãi chỉ đủ đắp đổi qua ngày huống hồ cau ế. Do vậy mà những cô gái trẻ không thiết tha với mẹt trầu, sọt cau như mẹ, như bà của họ. Những cụ bà đã hơn 40 năm gắn bó với chợ như bà Sáu Lên, bà Huê, bà Hoa… đều ở tuổi gần đất xa trời. “Mấy bà già như tui coi cái chợ trầu cau như máu thịt. Có bả bịnh cũng ráng đội cau lên chợ. Thiếu một bả, chợ buồn lắm, trầu cau thưa thớt. Như tui hổm rày đau nhức quá trời, nhưng nằm nhà thì nhớ chợ chịu hổng nổi”. Ngưng một lúc chợt bà Huê buông miếng trầu, bần thần hỏi: “Mai mốt tụi tui chết, hổng biết cái chợ này có còn hay không?”

Quỳnh Nga
.
.
.