Chợ tạm rất dễ cháy

Thứ Hai, 24/11/2008, 23:23
Một điều dễ nhận ra là không ít các vụ hoả hoạn xảy ra tại các chợ là vào sáng sớm và bắt nguồn từ chính nguyên nhân chập điện. Bởi, không ít hộ kinh doanh trong chợ vô ý quên không tắt các thiết bị điện.
>> Hộ buôn trong chợ xe Dịch Vọng được hỗ trợ đến 5 triệu đồng

Mặc dù nguyên nhân gây cháy chợ xe Dịch Vọng vẫn đang được làm rõ nhưng hậu quả gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng đối với các hộ kinh doanh trong chợ đã rõ. Cháy chợ xe Dịch Vọng một lần nữa lại trở thành bài học trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại các chợ hiện nay đặc biệt là vào mùa hanh khô cuối năm, người mua hàng đông và hàng hoá nhiều.

Theo cán bộ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PC23), Công an TP Hà Nội, nguy cơ cháy nổ cao thuộc về các chợ bán kiên cố, chợ tạm mà loại hình chợ này lại chiếm tỷ lệ khá cao.

Tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn

Trên địa bàn Hà Nội, chợ được xây dựng kiên cố cấp thành phố quản lý còn chiếm tỉ lệ khá nhỏ, phần lớn là các chợ được xây dựng bán kiên cố, hoạt động trong tình trạng cơi nới, chắp vá tạm bợ. Dạo quanh một vòng các chợ trên địa bàn Hà Nội mới thấy công tác PCCC còn khá lỏng lẻo.

Từ khi mở rộng đường đến nay, diện tích chợ Ngã Tư Sở bị thu hẹp nhưng số lượng các tiểu thương tham gia chợ vẫn không hề giảm đi. Dây điện treo mắc tạm bợ từ quầy hàng này nối tiếp quầy hàng kia. Tấm xốp, bìa các - tông dễ cháy được các chủ kinh doanh sử dụng làm trần quầy.

Điều rất lỏng lẻo trong công tác PCCC tại chợ Ngã Tư Sở chính là việc một mặt chợ tiếp giáp trực tiếp với các hộ dân xung quanh mà không có tường rào.

Đây trở thành nguy cơ tiềm ẩn dẫn đến cháy chợ bởi chỉ cần một chút sơ suất của các hộ dân trong quá trình đun nấu, sử dụng điện… cũng có thể dẫn đến hoả hoạn. Chợ Nghĩa Tân cũng là một chợ có số lượng người mua bán lớn ở khu vực quận Cầu Giấy. Ngoài khu nhà chính kinh doanh vải, quần áo, giầy dép… các khu bán thực phẩm  được các hộ kinh doanh tự chắp vá bằng nhiều loại mái vẩy, mái che... 

Theo cán bộ Phòng PC23, Công an TP Hà Nội, các chợ có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao thuộc về các chợ bán kiên cố, chợ tạm do cấp quận, huyện quản lý như chợ Trương Định, chợ Ngã Tư Sở, chợ Nghĩa Tân, chợ Ninh Hiệp…

Bởi, tại các chợ này, vẫn còn tồn tại tình trạng cơi nới để bán hàng quán, sử dụng mái vẩy, mái xốp chống nóng. Kinh phí lại eo hẹp nên các thiết bị PCCC tại chợ  thường được trang bị một lần nhưng việc bảo trì, bảo dưỡng sau đó lại không được quan tâm. Ý thức PCCC của các hộ kinh doanh trong chợ còn thấp…

Tại chợ Ngô Sỹ Liên, chợ Long Biên… mặc dù các thiết bị PCCC được trang bị nhưng do để quá lâu, lực lượng bảo vệ lại không được tập huấn thường xuyên nên nguy cơ hoả hoạn vẫn hiện hữu. 

Nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến cháy chợ

Một điều dễ nhận ra là không ít các vụ hoả hoạn xảy ra tại các chợ là vào sáng sớm và bắt nguồn từ chính nguyên nhân chập điện. Bởi, thông thường, các chợ tắt hệ thống điện lúc 21h30' hàng ngày. Không ít hộ kinh doanh trong chợ vô ý để quên các thiết bị điện.

Sáng hôm sau, khi hệ thống điện hoạt động trở lại sẽ dễ dẫn đến việc chập điện, cháy nổ. Ngoài ra, việc sử dụng bếp than, bếp dầu… cùng với việc sử dụng các loại mái che, mái vẩy, trần xốp… tại các chợ cũng là những nguyên nhân dễ gây hỏa hoạn.

Theo cán bộ Phòng PC23, sau vụ cháy tại chợ Đồng Xuân, chợ Ngã Tư Sở và gần đây nhất là vụ hỏa hoạn tại chợ xe Dịch Vọng xảy ra ngày 14/11, công tác PCCC tại các chợ được đặc biệt quan tâm hơn nữa.

Vụ cháy chợ xe Dịch Vọng tuy chưa xác định được nguyên nhân nhưng việc các chủ kinh doanh trong chợ sử dụng các chất liệu lót trần nhà như xốp, bàn thờ cúng trong chợ… khiến cho ngọn lửa cháy có điều kiện lan nhanh và cháy mạnh hơn.

Hiện nay, một số chợ được xây dựng kiên cố và quan tâm tốt đến công tác PCCC là chợ Đồng Xuân, chợ Hôm Đức Viên. Chợ Đồng Xuân đã tổ chức một đội PCCC bán chuyên trách kết hợp chặt chẽ với Phòng PC23.

Vào những thời kỳ cao điểm như giáp Tết Nguyên đán, ngày lễ hội, khi lượng người đi lại đông, hàng hoá tập kết nhiều, đội PCCC bán chuyên trách của chợ Đồng Xuân lên đến 200 người, ngày thường là khoảng 30 người vừa làm công tác bảo vệ vừa đảm nhận công tác PCCC. Đội ngũ này được tập huấn công tác PCCC 6 tháng một lần. Phòng PC23 cũng tổ chức kiểm tra 4 lần/năm.

Để đảm bảo an toàn PCCC cho các chợ đặc biệt là dịp cuối năm, ban quản lý các chợ cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức PCCC cho các hộ kinh doanh và khách ra vào chợ, tổ chức cho các hộ kinh doanh ở sát nơi để phương tiện chữa cháy biết cách sử dụng các phương tiện chữa cháy đồng thời rà soát, củng cố và kiểm tra lại các phương tiện PCCC. Việc bố trí các bãi đỗ xe ôtô và xe máy tại các chợ cũng cần phải dễ sơ tán và không gây cản trở cho công tác cứu hỏa.

Bên cạnh đó, ban quản lý các chợ cần quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng được tốt, kiên cố, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ yên tâm kinh doanh

Nguyễn Hương
.
.
.