Chợ Hà Nội ngày càng... mất vệ sinh

Thứ Hai, 30/03/2009, 16:37
Chợ Hàng Bè, quận Hoàn Kiếm những ngày tiết trời Hà Nội âm u, thỉnh thoảng lại lất phất mưa cũng trong tình trạng mất vệ sinh ở mức báo động. Hầu hết những người đi chợ đều rón rén bước để bùn đất không vẩy lên quần. Rồi mùi thức ăn sống, chín hoà lẫn cùng mùi nước thải...

Chợ, nơi giao thương và cung cấp đa dạng các chủng loại hàng tiêu dùng thiết yếu của cuộc sống. Vậy mà nếu phải đi chợ, nhất là trong những ngày thời tiết Hà Nội có mưa phùn, ai cũng ái ngại về tình trạng mất vệ sinh. Ghi nhận của phóng viên tại một số chợ trên địa bàn.

Ngày nắng cũng như ngày mưa - nước thải chảy thẳng ra đường

Đó là phản ánh của người dân sống trong khu vực chợ Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội đến đường dây nóng của Báo CAND.

Phản ánh này đã được phóng viên kiểm chứng nhiều lần và thấy đúng sự thật. Một đồng nghiệp khi đi cùng tôi đến giao dịch tại Bảo hiểm xã hội quận Thanh Xuân (cạnh chợ Thanh Xuân Bắc) hồi tháng 10/2008 đã giơ máy ảnh ghi lại hình ảnh nước thải từ trong chợ chảy lênh láng ra đường để làm tư liệu.

Quan sát xung quanh, chị phát hiện phía đối diện chợ là khu tập thể 5 tầng, chếch bên góc chợ là UBND phường Thanh Xuân Bắc, nằm bên hông chợ là Bảo hiểm xã hội quận. Quanh chợ là nơi tập trung đông dân cư, cơ quan hành chính của phường, quận, thế mà lại để xảy ra tình trạng nước thải chảy tràn ra cả đường.

Đường vào khu hành chính này lúc nào cũng có nước lép nhép, bùn đen phủ đầy mặt đường. Không chỉ vậy, dân cư và cán bộ công chức ở đây còn chịu cái mùi chẳng mấy dễ chịu bốc lên từ dòng nước thải.

Ngày 24/3, chúng tôi đến chợ Thanh Xuân Bắc để kiểm chứng tình trạng mất vệ sinh theo thông tin của bạn đọc. Đi từ đường Nguyễn Quý Đức, vòng vào khu E, tập thể Thanh Xuân Bắc, nước lép nhép dưới chân. Càng đến gần chợ, các chủng loại hàng hoá từ cá tôm, thịt, rau củ quả càng được bày bán nhiều. Tỷ lệ thuận với nó là độ ẩm ướt và nhiều bùn đất của con đường.

Vào trong chợ, đi dọc dãy ki ốt bán thịt, hàng khô cũng trong tình trạng bước trên bùn đất, mặc dù nơi này có mái che. Chúng tôi ngỡ ngàng khi dừng chân ở dãy kiốt bán hàng ăn uống, không gian chật hẹp, ẩm ướt đã đành, rãnh nước thải lộ thiên ngay bên cạnh. Cuối chợ là dãy ki ốt bán gia cầm đã giết mổ, gia cầm sống.

Khi chúng tôi hỏi về việc kiểm dịch, người bán hàng bảo "gà ta, không lo bị dịch". Gia cầm sống đã vậy, gia cầm đã giết mổ cũng chẳng thấy mấy chủ hàng chỉ cho ra được cái dấu kiểm dịch.

Ngay cạnh khu bán gia cầm là hàng thuỷ sản. Nước chảy lênh láng. Nước từ chỗ giết mổ gia cầm, giết mổ cá và nước chống cá, tôm đổ thẳng ra sàn. Nước chảy ri rỉ, tạo thành dòng đổ ra rãnh nước lộ thiên rồi chạy thẳng ra đường.

Đến lúc này thì chúng tôi hiểu "đường đi" của dòng nước thải chảy thẳng ra đoạn đường vừa nhắc ở trên.

Tại sao một khu chợ bề thế mới được xây dựng lại để tình trạng nước thải bừa bãi như vậy? Tiếc rằng khi đến gặp Ban quản lý chợ, chúng tôi đã không gặp được vì lãnh đạo đi vắng.

Lần khác, chúng tôi liên lạc số điện thoại bàn thì được nhân viên trả lời là lãnh đạo lại đi vắng. Thế nên, câu trả lời bao giờ khắc phục tình trạng này từ người chịu trách nhiệm quản lý chợ đành để ngỏ.

Mùi chợ, mùi ô nhiễm

Chợ Hàng Bè, quận Hoàn Kiếm những ngày tiết trời Hà Nội âm u, thỉnh thoảng lại lất phất mưa cũng trong tình trạng mất vệ sinh ở mức báo động. Đây là khu chợ tạm, nằm trong khu vực phố cổ nên mật độ kiôt dày đặc, hàng hoá cũng đa dạng hơn.

Hầu hết những người đi chợ đều rón rén bước để bùn đất không vẩy lên quần. Rồi mùi thức ăn sống, chín hoà lẫn cùng mùi nước thải tạo một thứ đặc trưng - Mùi chợ. Thứ mùi mà chúng tôi cũng ngửi thấy khi đến chợ Thanh Xuân Bắc, chợ Phùng Khoang, chợ Hà Đông…

Lại nói đến chợ Hà Đông, đây là khu chợ được xây dựng mới rất bề thế, là chợ đầu mối của tỉnh Hà Tây cũ. Ngoài khu trung tâm, chợ còn có các dãy nhà vệ tinh chuyên doanh các ngành hàng phục vụ nhu cầu ăn uống.

Đó là khu bán gia vị, thịt, cá, thức ăn chín. Mặt bằng rộng, phần nào đã khắc phục được tình trạng chật chội song nhiều nơi vẫn chưa đảm bảo vệ sinh. Điển hình phải kể đến là khu vực bán hàng tươi sống. Nước thải vẫn được người bán ngang nhiên đổ ra sàn. Ý thức kém của người bán hàng cộng với sự thiếu kiểm soát của người quản lý là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Chợ Hà Đông có một điểm nổi bật không hẳn chợ nào trên địa bàn Hà Nội cũng có được, đó là khu bán hàng ăn uống riêng biệt.

Chúng tôi đến đúng giờ ăn trưa nên có rất đông thực khách. Một nhóm học sinh cấp III mặc nguyên đồng phục quây xung quanh hàng cơm bụi. Người bán hàng tất bật xới cơm, gắp thức ăn. Nhìn lượng khách vây quanh đủ biết nhu cầu ăn uống ở chợ rất lớn.

Tuy nhiên, thức ăn chín được bày trên mặt bàn mà không có sự che đậy. Các hàng chè, bún cũng trong tình trạng như vậy. Tham quan khu phụ của một hàng bún chả (thực chất là cửa chính của dãy hàng thức ăn sống), chúng tôi thấy thức ăn thừa, bát đĩa, rác thải để bừa bãi. 

Những thông tin về sức khoẻ liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và dịch bệnh luôn được các cơ quan chức năng phát đi. Dịch tả, dịch cúm gia cầm, tồn dư thuốc bảo quản thực phẩm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật… luôn là vấn đề mọi người trong xã hội quan tâm. Thế nhưng khi đến một số chợ trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi dễ dàng nhận thấy sự thờ ơ của người bán, người mua và người quản lý.

Để hàng hoá, thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng, trước hết vấn đề vệ sinh ở chợ phải được đảm bảo. Thế nhưng, thực tế vấn đề này ở nhiều chợ trên địa bàn thành phố lại chưa được duy trì

Nhóm PVPL
.
.
.