Cheo leo đường đến trường

Thứ Hai, 21/04/2014, 09:56
Ở vùng núi phía Bắc còn nhiều khó khăn, vất vả nên sự nghiệp gieo chữ, trồng người cũng hết sức gian nan. Chúng tôi lên xã Giàng Chu Phìn, huyện Mèo Vạc (Hà Giang), tận mắt chứng kiến những vất vả của thầy trò vùng cao mới hiểu và cảm phục sự dấn thân của các thầy cô và nỗ lực của các em học sinh nơi rừng thẳm núi cao thật cao cả…

Trường học Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn có 1 điểm trường chính và 17 điểm trường phụ trên 12 thôn bản, với tổng số 565 học sinh. Trong số 17 điểm trường, chỉ có vài ba điểm là đã được xây dựng kiên cố, còn lại phần lớn là các lớp học tạm tại trụ sở thôn mang tên “nhà học tập cộng đồng”. Đặc biệt khó khăn là ba điểm trường: Đề Cảng 2, Gì Chảu Phàng và Hấu Chua 1; đều đã xuống cấp nghiêm trọng. Cách xa điểm trường chính gần 20 cây số, để có thể đến lớp học tại ba điểm trường nói trên, cô giáo và các em học sinh phải mất hàng giờ đi bộ, cheo leo trên những núi đá dốc ngược.

Đồng hành cùng chúng tôi đi đến điểm trường Hấu Chua 1, thầy Hoàng Ánh Dương, Phó Hiệu trưởng trường PTDT bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn cho biết: “Đường lên điểm trường này là khó đi nhất, ở trên độ cao gần 2000m, ai đứng ở điểm xuất phát cũng đều nghĩ đến chuyện quay về nhưng với cô giáo và các em học sinh thì ngày nào cũng phải vượt qua để lên với lớp học”. Chúng tôi đến vào một ngày nắng ráo, điều kiện lý tưởng cho việc đi lại, cố gắng vượt núi cheo leo, luồn lách qua những khe đá hẹp dựng đứng nhưng đi mãi vẫn thấy đường ở trên đầu. Vào những ngày mưa, con đường đến trường trở nên vô cùng nguy hiểm với bất cứ ai qua đây. Không ít lần các cô giáo sưng u đầu vì va vào đá hay thót tim thấy học sinh trượt chân ngã. Lo lắng hơn cả vẫn là sự an toàn của học sinh, cô giáo Hà Thị Hương, phụ trách lớp mẫu giáo tại điểm trường Hấu Chua 1 chia sẻ: “Cứ hôm nào lên lớp mà trời mưa hay sương mù dày đặc là tôi phải đi sớm hơn bình thường cả tiếng đồng hồ, đứng sẵn dưới chân núi đợi các em học sinh lên cùng. Núi cao, đường lại trơn trượt, chẳng thể yên tâm để các em tự đi”.

Để đến điểm trường Hấu Chua 1, cô và trò phải cố gắng vượt qua những khe đá hẹp dựng đứng.

Con đường đến với lớp học cheo leo còn lớp học thì nằm chênh vênh giữa những vạt núi lộng gió. Hơn một giờ đồng hồ để lên đến điểm trường, hiện ra trước mắt chúng tôi là lớp học siêu vẹo được dựng lên bằng cây rừng, che chắn bởi những tấm phên tre nứa, vá víu bởi những tờ lịch, tờ báo. Nhằm tạo điều kiện cho con em mình theo học, các hộ gia đình đã chung tay góp sức lên rừng lấy gỗ làm nhà, lấy tre đan phên, vượt núi gùi tấm lợp prô xi măng để dựng lớp. Tuy nhiên, đã gần chục năm nay, sương gió miền sơn cước làm cho điểm trường bị xuống cấp trầm trọng. Vào những ngày gió bão càng trở nên mong manh với những tấm phên thưa thớt, trống huếch trống hoác. Mùa đông gió lùa qua tấm phên mỏng, còn cái lạnh thì cứa vào da thịt, mùa hè thì nắng như thiêu như đốt.

Điểm trường Hấu Chua 1 có tất cả 20 em học sinh, chia làm hai lớp, 8 học sinh tiểu học và 12 học sinh mầm non. Để thuận tiện cho việc học, căn nhà phải chia làm đôi, ngăn cách bằng một tấm phên. Lớp tiểu học trống trải với vài ba bộ bàn ghế, các em học mầm non cũng chẳng có gì ngoài một số đồ chơi cũ, bảng chữ rách nát và những chiếc ghế gỗ trên nền đất lồi lõm. Những ngày mưa, ngồi trong lớp học mà như ngồi ngoài trời, nỗi lo gió thốc mái nhà, cây đổ nhà sập, các cô giáo lại phải sơ tán học sinh xuống nhà dân trú nhờ. Giữa nơi thiếu thốn trăm bề, đường lên cheo leo, khó khăn gian khổ là thế, cô giáo và học sinh nơi đây vẫn kiên trì bám trường, bám lớp. Cô Phạm Thị Huệ đã gắn bó với điểm trường trên ngọn núi này 5 năm nay, cho biết: “Dân bản rất ủng hộ việc con em họ đến trường, các em lại rất ngoan, nghe lời cô và chăm chỉ học. Đó là động lực lớn nhất để chúng tôi sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ”. Ở nơi khó khăn chồng chất như vậy nhưng các cô giáo vẫn luôn lạc quan vượt núi, băng rừng để mang đến từng “con chữ” cho học sinh nghèo.

Ông Giàng Mí Dia, Trưởng thôn Hấu Chua 1 cho biết: “Quanh năm suốt tháng các hộ dân chỉ biết trông mong vào ruộng ngô ít ỏi, đủ ăn đã là tốt lắm rồi. Đất sản xuất thì không có, đường đi hiểm trở, có con bò nuôi lớn cũng chả biết mang đi bán kiểu gì. Do còn nhiều hộ nghèo nên để tạo điều kiện cho con em được học hành tốt hơn cũng khó khăn lắm”.

Ước mơ có một điểm trường kiên cố, giúp các em học sinh yên tâm học tập là khát khao bấy lâu nay của thầy cô cũng như người dân ở thôn Hấu Chua 1. Chung một mong muốn được chuyển điểm trường xuống thấp để việc theo học “con chữ” của con em vơi bớt những gian nan, cô Phạm Thanh Thúy, Hiệu trưởng trường PTDT bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn chia sẻ: “Điểm trường Hấu Chua 1 đang là trăn trở rất lớn từ phía nhà trường, rất mong nhận được sự quan tâm của các cá nhân, tập thể, các đoàn thiện nguyện để có thể chung tay giúp đỡ nhà trường trong việc xây dựng điểm trường mới, cùng nâng giấc mơ “con chữ” của các em nhỏ nơi đây”

Đỗ Hà
.
.
.