“Chảy máu” cây cổ thụ ở Hà Tĩnh

Thứ Sáu, 21/01/2005, 15:33

Đi dọc quốc lộ 1A, đoạn qua thị trấn Can Lộc (Hà Tĩnh), không khỏi bùi ngùi tiếc như vừa đánh mất một cái gì đấy khi thấy hàng trăm gốc cổ thụ Lộc vừng, si, đa... được tập kết tại đây để chờ những lái buôn từ Hà Tây, Nam Định, Nghệ An... về chở đi.

Ở đây, hàng ngày có nhiều tốp người, nhiều chuyến xe đi về tận các vùng quê để lùng mua cổ thụ. Do lợi nhuận cao, nên nhiều người bỏ cả ruộng vườn để đi "săn hàng".

Tại thị trấn Can Lộc, người có nghề buôn bán cổ thụ lâu năm nhất phải nhắc đến ông Nguyễn Văn N., ở xóm 11. Dân làng ở đây cho biết, trong khoảng 2 năm lại đây, ông N. kiếm lời cả trăm triệu đồng qua việc mua bán cổ thụ.

 

Do nhiều người đổ đi săn lùng cổ thụ nên hiện nay tại một số vùng quê đang mất dần đi những loại cây quý này. Anh Hoàng Văn Th. ở xóm 10 cho biết: "Sau khi được tập kết ở đây, những thân cổ thụ này sẽ được các lái buôn ở Hà Tây, Nam Định, Nghệ An mua chở về làm vườn sinh thái hoặc tỉa tót làm cây cảnh để bán". Anh Đ., người ở xóm 11, thị trấn Nghèn, người mới làm nghề này, tâm sự: "Bọn em mới làm theo được mấy tháng nay, lời lãi không đáng là bao". Vừa nói anh ta vừa chỉ vào một cây si to khoảng hai người ôm và cho biết: "Cây si này bọn em mua với giá 3 triệu đồng, chưa có công vận chuyển. Nếu bán sẽ được khoảng 4 triệu đồng".

 

Anh chỉ sang nhà bên và nói: "Nhà ông N làm nghề này được hai năm nay. Thời kỳ đầu ông ta “ăn đủ”, mua rẻ, lại bán đắt. Về sau người dân có những cây cổ thụ này biết giá nên khó mua được rẻ". Tôi đếm cả trong vườn và ngoài bờ ruộng sát vườn nhà ông N có khoảng 100 gốc cây lớn nhỏ (trong đó có nhiều cây hàng trăm năm tuổi). Hiện nay, đoạn quốc lộ 1A qua thị trấn Can Lộc có khoảng 5 hộ kinh doanh loại hàng này.

Đành rằng, những gốc cây cổ thụ này ở trong vườn của mỗi người dân, song, các cấp chính quyền nên đưa việc cấm đào phá cổ thụ vào một trong những tiêu chuẩn để công nhận đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa. Các thôn xóm, dòng họ nên đưa việc cấm đào phá cổ thụ vào hương ước hoặc nội quy cụ thể. Thực tế đã có một số địa phương làm được điều này như ở xã Thuận Lộc - thị xã Hồng Lĩnh. Hội đồng nhân dân xã đã ra nghị quyết cấm đào bán các loại cổ thụ trong địa phương. Mong rằng các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng cần có các biện pháp cụ thể để sớm ngăn chặn tình trạng trên

Lê Hữu Phúc
.
.
.