Ngăn chặn đuối nước mùa hè cho trẻ em:

Cấp thiết đào tạo kỹ năng bơi lội và cứu đuối cho trẻ em

Thứ Hai, 20/05/2013, 08:47
Trung bình mỗi năm, cả nước có khoảng 3.500 trẻ em chết đuối. Đồng bằng sông Hồng là nơi có tỷ lệ trẻ đuối nước nhiều nhất, trong đó đứng đầu là các địa phương: Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa. Nhiều người không khỏi giật mình trước con số khủng khiếp như vậy xảy ra mỗi năm. Và, vừa mới vào đầu hè năm nay, bắt đầu lại có những vụ tai nạn đuối nước nghiêm trọng với nhiều cái chết thương tâm.

Tử nạn do thiếu kỹ năng bơi lội và cứu đuối

Ngay từ những ngày đầu tháng 5, người dân cả nước đã vô cùng xót xa và cảm phục trước cái chết dũng cảm của em Nguyễn Văn Nam, học sinh lớp 12 T7, Trường THPT Đô Lương 1, huyện Đô Lương, Nghệ An. Nam đã xả thân cứu 5 em nhỏ thoát khỏi chết đuối, nhưng sau đó chính Nam lại bị kiệt sức, chìm dưới nước.

Trong khi đang đi bên bờ sông Lam gần nhà, thuộc địa phận xóm 3, xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, thì Nam nghe tiếng kêu cứu. Nhìn thấy tốp em nhỏ đang chới với giữa dòng nước xiết, không ngần ngại, Nam đã lao xuống dòng nước. Đợt đầu trong khoảng thời gian gần 20 phút vật lộn với dòng nước chảy khá mạnh, Nam đã cứu được 4 em nhỏ và đưa lên bờ, gồm các em: Nguyễn Công Linh, Nguyễn Công Lương, Nguyễn Công Mạnh, Trần Quốc Mạnh.

Sau khi đưa được 4 em lên bờ, nhưng vẫn còn em Nguyễn Hữu Đô, đang chới với chìm dần giữ dòng nước; lúc này Nam đã đuối sức, nhưng em vẫn cố bơi ra để cứu em Đô, khi dìu được em Đô đến gần bờ cũng là lúc Nam đã kiệt sức; không cưỡng lại được dòng nước và bị nước nhấn chìm. Hành động dũng cảm cứu người của Nam đã được Chủ tịch nước truy tặng Huân chương dũng cảm, nhưng với gia đình, sự ra đi của Nam là mất mát không gì bù đắp được.

Trẻ em cần được đào tạo kỹ năng bơi lội và cứu đuối để tránh bị đuối nước.

Vào khoảng 10h30 ngày 14/5, tại khu vực hồ thủy điện Serepok 4, địa phận thôn Ea Juốt, xã Ea Vel, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục xảy ra vụ chết đuối thương tâm. Nạn nhân là Nguyễn Thị Ngọc Ánh, Ngô Thế Hiệp, Lê Thị Ngọc Huyền và Nguyễn Thị Minh Hiền, là học sinh lớp 6A, Trường THCS Hồ Tùng Mậu, xã Ea Vel. 3 học sinh nữa cũng bị cuốn trôi nhưng may mắn được cứu sống. Hôm xảy ra vụ việc là lúc các em học sinh đến trường xem điểm. Xem điểm xong, nhiều em không về nhà mà rủ nhau xuống hồ đập thủy điện chơi. Không may một học sinh trong nhóm bị trượt chân, kéo nhau chìm xuống nước. Một số người dân ở gần đó đã ra cứu được 3 em, 4 em đã tử vong.

Tiếp theo, trong ngày 15/5, hai bé gái 6 tuổi và 7 tuổi vào chơi trong khu sinh thái ở xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội bị rơi xuống hồ và chết đuối… Cùng ngày 15/5, 2 em học sinh trung học ở TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cũng bị nước cuốn đi khi tắm tại cửa biển Nhật Lệ. Trước đó, ngày 12/5, hai em nhỏ ở xã Sơn Trạch, huyện Bố Trạch ra sông Son tắm, cũng đã bị đuối nước, thiệt mạng…

Trao đổi với chúng tôi, bác sỹ Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đưa ra các con số đáng lo ngại về đuối nước và tai nạn thương tích ở trẻ em. Những năm trước, trung bình mỗi năm có tới 3.500 trẻ em bị đuối nước trên tổng số khoảng 7.000 trẻ tử vong do tai nạn thương tích. Năm 2012, con số trẻ đuối nước có giảm đi nhưng vẫn ở mức cao.

Đào tạo kỹ năng, mở rộng điểm vui chơi an toàn

Nói về nguyên nhân sâu xa dẫn đến tỷ lệ trẻ em đuối nước cao trong mùa hè, bác sỹ An nhận xét: “Trẻ em đang thiếu trầm trọng chỗ vui chơi, giải trí an toàn. Bởi vậy, trẻ tìm đến những điểm chơi thiếu an toàn như hồ nước, công trường… Nhất là thời gian này, khi trẻ đã thi xong, nhà trường cho trẻ đi học về sớm, trời nóng nực, gia đình không quản lý được nên dẫn đến những hậu quả đau lòng. Bởi vậy, khi xảy ra đuối nước, trách nhiệm chính là bố mẹ rồi mới đến nhà trường, các thầy cô giáo, sau cùng mới là các doanh nghiệp, công trường nơi có hố nước, hào sâu. Cuối cùng mới đến trách nhiệm của chính quyền khi không có hướng dẫn, cảnh báo nguy hiểm”.

Ngành giáo dục từng có chủ trương đưa môn bơi lội vào trong trường học nhưng không thực hiện được vì các trường không đủ cơ sở vật chất. Hiện nay, chỉ có một số trường học tư nhân, liên kết quốc tế có đưa môn bơi lội trở thành môn học chính khóa, nhưng số này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do vậy, qua thống kê các vụ đuối nước ở Việt Nam thì có tới 90% là trẻ không biết bơi. Nhiều ý kiến cho rằng, bắt buộc phải dạy trẻ biết bơi.

Nhưng theo ông Nguyễn Trọng An thì trẻ biết bơi thôi chưa đủ, bởi trên thực tế, có trẻ biết bơi vẫn bị đuối nước như trường hợp em học sinh ở Nghệ An cứu 5 em nhỏ. Do đó, phải dạy trẻ kỹ năng cứu đuối. Khi gặp trường hợp đuối nước, các em phải làm gì? Có thể hô hoán nhờ người trợ giúp, hoặc khi nhảy xuống nước cứu người bị nạn, phải làm như thế nào để đảm bảo tính mạng cho cả mình và người được cứu… Tất cả những kỹ năng này hoàn toàn có thể đưa vào lồng ghép trong môn giáo dục thể chất ở trường học. Đáng tiếc là ngành giáo dục của chúng ta còn chậm chạp trong việc đưa kỹ năng cứu đuối vào trong chương trình học.

Theo khảo sát của chúng tôi tại Hà Nội, nhiều bậc phụ huynh đã quan tâm đến sự an toàn của con, cho con đi học bơi. Các lớp học bơi mở ra ồ ạt, tuyển sinh quá tải nhưng ngoài dạy bơi thì các nơi này không quan tâm đến dạy kỹ năng giúp trẻ an toàn khi bơi, kỹ năng cứu đuối. Bởi vậy, ngành giáo dục cần phải xây dựng lộ trình để đưa bộ môn bơi lội vào trường học cho trẻ từ 6-15 tuổi, vừa để rèn luyện thân thể, bảo vệ bản thân và cứu giúp người khác.

Đuối nước đã trở thành vấn đề nóng của toàn xã hội. Chúng ta từng phát động rất nhiều các cuộc thi, nhưng cuộc thiết thực nhất như thi về an toàn sông nước, thi bơi lội giỏi cho trẻ em hầu như vắng bóng. 3.500 trẻ bị thiệt mạng do đuối nước mỗi năm ở Việt Nam (cao gấp 10 lần so với các nước đang phát triển) là nỗi đau không gì có thể xoa dịu và bù đắp được sự thiệt hại nặng nề đó. Trẻ em như búp trên cành, đã đến lúc chúng ta phải phát động chương trình phòng chống đuối nước trong toàn xã hội để mỗi gia đình, mỗi nhà trường và mỗi người dân cùng chung tay trách nhiệm bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe cho các em

Trần Hằng - Việt Hà
.
.
.