Cần xem lại năng lực dự báo thời tiết

Thứ Ba, 11/11/2008, 16:14

Trong bản tin đêm thứ 5 ngày 30/10, khu vực Hà Nội vẫn được Trung tâm DBKTTVTƯ dự báo: ít mây, có mưa rào nhẹ và dông nhiều nơi… Để rồi, từ mưa rào nhẹ đã trở thành trận mưa lịch sử gần 40 năm (khu vực Hà Nội cũ) với tổng lượng mưa tính đến chiều 1-11 ở khu vực Hà Nội phổ biến từ 350 - 550mm.

Những hậu quả của trận mưa lịch sử đã khiến Thủ đô Hà Nội thiệt hại hơn 3.000 tỷ đồng (chỉ tính riêng thiệt hại về giao thông và nông nghiệp). Giờ đây, khi nước đã rút, dư luận đang đặt câu hỏi: tại sao một trận mưa lớn bất ngờ lại không được dự báo trước.

Nếu sớm có thông tin về lượng mưa, phải chăng tất cả chính quyền, các ngành chức năng và người dân đã không bị động và mức độ thiệt hại đã được giảm thiểu.

Dự báo mưa ngược thực tế

Không thể nói rằng, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương (DBKTTVTƯ) vô can trong việc làm nặng thêm hậu quả của đợt mưa ngập vừa qua tại Thủ đô Hà Nội. Trong bản tin đêm thứ 5 ngày 30/10, khu vực Hà Nội vẫn được Trung tâm DBKTTVTƯ dự báo: ít mây, có mưa rào nhẹ và dông nhiều nơi… Để rồi, từ mưa rào nhẹ đã trở thành trận mưa lịch sử gần 40 năm (khu vực Hà Nội cũ) với tổng lượng mưa tính đến chiều 1/11 ở khu vực Hà Nội phổ biến từ 350 - 550mm, một số điểm lớn hơn, như huyện Ứng Hòa: 603 mm, TP Hà Đông: 707mm, huyện Thanh Oai: 914mm.

Nếu biết trước sẽ có trận mưa cường độ lớn như vậy, chắc hẳn cả chính quyền và người dân Hà Nội đã không bị động, lúng túng trong việc chống ngập.

Tối 4/11, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, bắt đầu từ chiều tối 7/11, tại miền Bắc, đặc biệt vùng Bắc bộ (trong đó có Hà Nội) sẽ tiếp tục có mưa lớn từ 200-300mm… Nhưng trên thực tế, ngày 8/11, thời tiết tại Hà Nội nắng đẹp, mát mẻ… Cả TP dốc sức người, sức của để chuẩn bị đối phó với một trận mưa không xảy ra.

Theo một chuyên gia về PCLB, trong nhiều năm nay, bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV TƯ không hề thay đổi, dự báo rất chung chung, thậm chí đến học thuộc lòng, dự báo thời tiết cho 7 vùng khu vực trong cả nước thì chỉ chung chung, đại loại như: Khu vực phía Tây Bắc bộ ít mây, ngày nắng, đêm không mưa...

Trước chất vấn của báo chí, ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm DBKTTVTƯ trả lời: "Để dự báo được những trận mưa có cường độ kỷ lục lên tới vài ba trăm milimet trong 1-2 ngày thì thế giới cũng chưa thể dự báo được". Chính thông tin Bắc bộ sẽ có mưa to, khiến cuộc họp Ban Chỉ đạo PCLBTƯ tối 4/11 trở nên căng thẳng. Ban Chỉ đạo đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục cho xả 2 cửa đáy tại hồ Hòa Bình trong suốt từ ngày 5 đến ngày 7/11 trong khi đáng nhẽ, lượng nước này được tích lại để dự trữ trong mùa khô.

Không theo kịp diễn biến, đường đi của bão

Đến thời điểm này, bài học đau lòng của việc dự báo bão không chính xác, khiến gần 300 ngư dân bị thiệt mạng trong cơn bão số 1 (bão Chanchu) năm 2006 vẫn được nhắc đến trong mỗi cuộc họp giao ban Chỉ đạo Quốc gia PCLBTƯ. Khi cơn bão xuất hiện, tâm bão Chanchu còn ở Philippines, Đài Khí tượng Hong Kong đã dự báo đường đi của bão Chanchu là không đổ bộ vào Việt Nam. Nhưng Trung tâm DBKTTVTƯ lại dự báo bão đi thẳng vào Việt Nam.

Tiếp đó, khi cơn bão hướng lên phía Bắc, vào vùng biển giữa đảo Hải Nam và Đài Loan, Trung tâm DBKTTVTƯ vẫn tiếp tục khẳng định tâm bão cách bờ biển Quảng Ngãi - Phú Yên 690km về phía đông... Sau đó, đột ngột, khi cơn bão đã di chuyển theo đúng hướng dự báo của Đài Khí tượng Hồng Kông 4 ngày, Trung tâm DBKTTVTƯ mới phát đi bản tin muộn mằn vào 9h30' ngày 15/5/2006, khẳng định bão quặt hướng đột ngột...

Dường như, chất lượng dự báo của chúng ta vẫn chưa được cải thiện. Bằng chứng là đến cơn bão số 7 cuối tháng 9 vừa qua, bão đã cập bờ sớm hơn 10 giờ đồng hồ so với dự báo của Trung tâm DBKTTV TƯ.

Ngay chính ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm DBKTTVTƯ cũng đã thừa nhận, bão "đi nhanh hơn dự kiến của chúng tôi". Theo ông Tăng, ngày 28/9, Trung tâm DBKTTVTƯ dự báo bão đổ bộ vào sáng 1/10. Nhưng đến chiều ngày 29-9, tốc độ di chuyển của bão đột ngột tăng nhanh lên tới 20 - 25km/h trong khi vài tiếng trước đó bão chỉ di chuyển ở khoảng 10 - 15 km/h.

"Việc bão đột ngột di chuyển nhanh hơn dự báo là do nội lực của cơn bão. Về mặt kỹ thuật, từ trưa ngày 29/9, chúng tôi đã phán đoán bão có thể di chuyển nhanh hơn dự kiến. Tuy nhiên việc bão di chuyển nhanh hơn 10km/h so với bản tin dự báo chúng tôi chưa lường được", ông Tăng cho biết.

Theo một chuyên gia, tuy Trung tâm DBKTTVTƯ đã được trang bị công nghệ dự báo đến 72 giờ, nhưng điều quan trọng nhất hiện nay là không có người đọc được công nghệ này, nên có công nghệ cũng không nâng cao được năng lực dự báo.

Ngay cả cơn bão số 9 vừa suy yếu thành ATNĐ rạng sáng 10/11, Trung tâm DBKTTVTƯ cũng có cách dự báo khiến các địa phương không biết xoay xở thế nào. Theo Trung tâm DBKTTVTƯ, bão số 9 có tới 3 hướng di chuyển có thể xảy ra: Dọc các tỉnh từ miền Trung đến Cà Mau, quay ngược ra biển Đông và tấn công miền Trung. Trong khi đó, đài Khí tượng Hồng Kông đã đưa ra chỉ một hướng dự báo và thực tế, bão số 9 đã chúc xuống vịnh Thái Lan, hầu như không có ảnh hưởng gì tới Việt Nam.

Trong cuộc họp Ban Chỉ đạo PCLBTƯ chiều 7/11, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã nhận xét, dự báo của Trung tâm DBKTTVTƯ vẫn còn chung chung, khó hiểu, chưa rõ ràng.

Một thực tế là từ lâu, rất nhiều người dân đã không còn tin tưởng vào bản tin dự báo thời tiết do Trung tâm DBKTTVTƯ phát ra nữa. Nên chăng, đã đến lúc cần đánh giá, thay đổi và nâng cấp không chỉ thiết bị, mà cả năng lực của hệ thống dự báo Việt Nam. Bởi rõ ràng, công tác dự báo hiện nay không đáp ứng được thực tế và công tác phòng tránh thiên tai

Chi Linh
.
.
.