Cẩn trọng với tai nạn bỏng trẻ em

Thứ Hai, 15/06/2009, 22:12
Mỗi năm Khoa Bỏng trẻ em (Viện Bỏng Quốc gia) chữa trị cho khoảng 1.200 - 1.500 ca bỏng. Tai nạn bỏng xảy ra nhiều hơn vào dịp hè, nhất là với lứa tuổi mẫu giáo, mầm non. Do cơ thể của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, non nớt cả về thể chất và tâm lý, nên tai nạn bỏng sẽ gây ra hậu quả rất lớn về sức khỏe, thẩm mỹ, tâm lý...

Kết thúc năm học, bé Lê Duy Long (11 tuổi, học lớp 5, trú tại xã Kim Xuyên, Kim Thành, Hải Dương) và các bạn rủ nhau liên hoan tại nhà một học sinh cùng lớp.

Trưa 22/5, Long cùng các bạn lên sân thượng căn nhà một tầng, định cùng nhau ăn uống và hóng mát, song cuộc vui sớm chấm dứt, khi Long bị đường điện cao thế chạy qua nóc nhà phóng điện. Hậu quả thật đau lòng, cả 10 đầu ngón chân của Long bị cháy thui và nhiều vết cháy khác trên cơ thể.

Do chủ quan, bố mẹ Long đưa em tới nhà một ông lang ở tỉnh Thái Bình nhưng càng chữa thì những vết thương càng sâu thêm và có dấu hiệu hoại tử. Đến lúc này, gia đình buộc phải đưa em tới Viện Bỏng Quốc gia. Sau gần hai tuần được các y, bác sĩ Khoa Bỏng trẻ em tận tình chữa trị, những vết thương của Long có dấu hiệu hồi phục tốt, song cậu bé đã bị mất hai ngón chân cùng những vết sẹo trên người.

Anh Lê Văn Nghiêm, bố đẻ của Long ân hận cho biết: "Mất một tuần ở nhà ông thầy lang, vết thương của cháu lại càng thêm nặng. Nếu gia đình tôi đưa ngay cháu tới cấp cứu tại Viện Bỏng Quốc gia thì có lẽ cháu đã không ra nông nỗi này".

Trường hợp bé Vũ Xuân Hiếu (21 tháng tuổi, trú tại TP Hải Dương) là một ví dụ về bỏng nhiệt ướt. Ngày 6/6, bé Hiếu sang nhà hàng xóm chơi. Thấy người lớn rót nước uống (từ bình đun tự động có một vòi nóng, một vòi lạnh), Hiếu cũng làm theo. Đến khi bé hét toáng lên và lăn ra nền nhà giãy giụa thì những người có mặt mới biết Hiếu đã rót nước từ vòi nóng rồi uống luôn... Hiếu được đưa vào cấp cứu tại Viện Bỏng Quốc gia và đang hồi phục khá nhanh. Các bác sĩ tại đây cho hay, rất may cổ họng và thực quản của Hiếu không bị tổn thương nặng (bỏng trong); nếu không, quá trình điều trị sẽ kéo dài và di chứng để lại rất nặng nề.

Kém may mắn hơn Vũ Xuân Hiếu, bé Nguyễn Thị Phương Mai (2 tuổi, trú tại xã Lùng Vai, huyện Mường Khương, Lào Cai) có hoàn cảnh gia đình khá éo le; bé sống cùng bà ngoại, không có cha, mẹ thì đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan. Tối 27/5, bà ngoại bé làm cỗ đón Tết Đoan Ngọ (5/5 âm lịch). Xa mẹ nên bé Mai rất bện bà ngoại, cứ quấn quýt quanh chân bà. Trong lúc bà ngoại mải dọn cơm, bé Mai bị vấp, ngã ngồi vào nồi nước luộc gà còn đang bốc hơi nghi ngút... Được đưa vào Viện Bỏng Quốc gia, tình trạng của bé Mai khá nguy cấp, tổn hại sức khỏe tới 40%; thời gian điều trị sẽ còn kéo dài nhiều tháng, nhiều đợt.

Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ nhiệm Khoa Bỏng trẻ em, Viện Bỏng Quốc gia: Thông thường, bỏng do điện cao thế thường dẫn đến tử vong, nhẹ hơn thì cụt tay, chân... TS Tuấn cũng khẳng định: Mùa hè đến, số lượng các vụ bỏng ở trẻ em có dấu hiệu tăng rõ rệt, nhất là trong tháng 6, tháng 7. Loại tai nạn bỏng mà trẻ hay gặp phải là bỏng nhiệt ướt (nước sôi, thức ăn đang nóng...) hoặc nhiệt khô (lửa, bô xe máy...) và bỏng do điện; trong đó bỏng nhiệt ướt chiếm tới 70 - 80%.

Một vụ tai nạn bỏng nghiêm trọng khác xảy ra ngày 12/6 vừa qua với gia đình anh Nguyễn Đức Hạnh (36 tuổi, trú tại thôn Cao Hậu, xã Hoàng Giang, Nông Cống, Thanh Hóa), do cả nhà đi xe máy và ngã vào đống rơm đang đốt ven đường. Bản thân anh Hạnh bị bỏng nặng tay phải và hai đầu gối, chấn thương vùng đầu. Con gái anh, cháu Trang mới 5 tuổi bị bỏng sâu phần lưng, hai đùi và đang điều trị tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng Quốc gia. Nhìn thân hình gầy guộc của Trang bị băng trắng toát, đôi mắt vẫn thất thần sau tai nạn kinh hoàng; các y, bác sĩ và chúng tôi đều xót xa, thương cảm vô cùng.

Theo TS, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tuấn, mỗi năm Khoa Bỏng trẻ em chữa trị cho khoảng 1.200 - 1.500 ca bỏng. Do cơ thể của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, non nớt cả về thể chất và tâm lý, nên tai nạn bỏng sẽ gây ra hậu quả rất lớn về sức khỏe, thẩm mỹ, tâm lý...

TS Tuấn cũng khuyến cáo: Tai nạn bỏng xảy ra nhiều hơn vào dịp hè, nhất là với lứa tuổi mẫu giáo, mầm non. Khi trẻ bị bỏng, cần bình tĩnh xử lí bước đầu đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều trị bỏng rất phức tạp, có tính chuyên sâu và cần tới những phương tiện y tế hiện đại. Do vậy, khi trẻ bị bỏng, cần đưa ngay tới cơ sở y tế chuyên khoa

Duy Hiển
.
.
.