Cần thiết lập thanh tra chuyên ngành về ATTP

Thứ Tư, 20/01/2010, 12:33
Hôm qua 19/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã kết thúc phiên họp thứ 27 sau khi cho ý kiến về 4 dự án luật: Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật An toàn thực phẩm; Luật Bưu chính và Luật Người khuyết tật.

Thảo luận về dự án Luật An toàn thực phẩm, các ý kiến trong UBTVQH tán thành việc giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Theo ý kiến của Thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, an toàn thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người dân nên việc quy định Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm là phù hợp.

Vấn đề phân định rõ trách nhiệm của Bộ Y tế và các bộ quản lý chuyên ngành, đại biểu Trần Thế Vượng - Trưởng ban dân nguyện của UBTVQH đề nghị xác định trách nhiệm của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm với một số nhóm sản phẩm thực phẩm mà các bộ đã có kinh nghiệm và thực tiễn quản lý.

Bộ Công thương có trách nhiệm phối hợp với các bộ hữu quan trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; chủ trì trong công tác phòng, chống thực phẩm giả, gian dối thương mại trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Các vấn đề còn có sự giao thoa, chồng lấn trách nhiệm giữa các bộ thì giao cho Chính phủ quy định cụ thể. Nhiều ý kiến khác đồng tình với đề nghị này.

Về vấn đề thanh tra chuyên ngành về an toàn thực phẩm, nhiều ý kiến khác bày tỏ tán thành với việc phải có thanh tra chuyên ngành, theo 3 cấp Trung ương, tỉnh và huyện. Hiện nay, tính trung bình mỗi tỉnh, thành phố có chưa đến 1 cán bộ phụ trách công tác này.

Thảo luận về dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội tán thành với phương án mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật theo hướng bổ sung một số điều quy định về trách nhiệm của Nhà nước về xây dựng chính sách, biện pháp bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; sử dụng hợp lý, hài hoà các nguồn năng lượng không tái tạo và năng lượng tái tạo; bổ sung quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong các lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, dịch vụ; khuyến khích hoạt động điều tra cơ bản về tiềm năng năng lượng tái tạo; đầu tư cho hoạt động phát triển và ứng dụng công nghệ nhằm tăng dần tỷ lệ năng lượng tái tạo ở nước ta.

Đại biểu Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội và một số ý kiến cũng đề nghị để dự án luật được toàn diện và khả thi thì cần quy định rõ về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân ở giai đoạn sử dụng năng lượng, đồng thời tính đến các biện pháp tiết kiệm nguồn năng lượng không tái tạo như than, dầu và khí thiên nhiên, cũng như đề ra nhiệm vụ và giải pháp đảm bảo cung cấp năng lượng một cách an toàn, chất lượng cho hoạt động kinh tế - xã hội.

Trước khi kết thúc phiên họp, các thành viên UBTVQH cũng thảo luận cho ý kiến về các nội dung lớn của dự án Luật Bưu chính và Luật Người khuyết tật

B.Tuấn
.
.
.