Cần sớm khắc phục tình trạng sạt lở ven sông Đồng Nai
Đến nay, đã có 50 hộ di dời, 4 hộ tự xây bờ kè chống sạt lở, 19 hộ chưa di dời. Nếu không tiến hành di dời nhanh, tính mạng và tài sản của các hộ dân này sẽ rất nguy hiểm.
Ông Nguyễn Văn Thành, cư ngụ tại phường Khánh Bình (thị xã Tân Uyên) lo lắng: “Đất ven sông của gia đình tôi cũng bị sạt lở từ bờ vào sâu 12-13m, chúng tôi chỉ mong chính quyền hỗ trợ xây bờ kè để bà con an tâm sinh sống.” Toàn huyện Tân Uyên đã có 11 điểm bờ sông bị sạt lở, có điểm chiều dài từ 40-100m, chiều rộng từ 4-12m. Sạt lở đã làm mất đất sản xuất của một số hộ dân ở các xã vùng chiến khu Đ như Lạc An, Thường Tân, Tân Mỹ.
Một điểm mới bị sạt lở. |
Nguyên nhân chủ yếu gây nên tình trạng sạt lở ven sông là do sông có nhiều cù lao ngăn dòng chảy và việc bơm hút cát lậu trái phép trên sông vẫn còn xảy ra. Sau những cơn mưa lớn, nước từ thượng nguồn sông Đồng Nai đổ về đến khu vực Cù lao Bạch Đằng (thị xã Tân Uyên) bị ngăn lại, đổ thành hai nhánh nên tạo dòng chảy càng mạnh hơn, xoáy sâu vào bờ gây sạt lở đất. Nhiều năm qua, đội CSKT Công an thị xã Tân Uyên đã cùng Công an các phường, xã trên địa bàn, ngành chức năng tổ chức tuần tra trên sông, bắt giữ nhiều vụ khai thác cát trái phép, thu giữ tang vật.
Đại úy Nguyễn Thành Tâm, Đội phó Đội CSKT Công an thị xã Tân Uyên cho biết: “Từ đầu tháng 8 đến nay, lực lượng Công an đã bắt giữ 4 vụ khai thác cát lậu, tạm giữ 7 ghe gỗ có gắn dụng cụ bơm hút cát và chúng tôi sẽ liên tục tổ chức tuần tra trên sông”.
Nói về những giải pháp khắc phục tình trạng sạt lở ven sông Đồng Nai, ông Đoàn Hồng Tươi - Phó Chủ tịch UBND thị xã Tân Uyên khẳng định: “Thị xã Tân Uyên đã có kế hoạch xây dựng 600m bờ kè dọc những vị trí ven sông có nguy cơ bị sạt lở cao với tổng kinh phí 160 tỷ đồng. Riêng đối với khu vực khu phố 2, phường Tân Uyên Hưng là khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở, chúng tôi quyết tâm tạo mọi điều kiện để các hộ dân ở đây di dời đến chỗ ở mới an toàn”.