Cần quản lý địa bàn chặt, ngăn chặn tệ nạn từ sớm
Mục đích của việc kiểm tra nhằm tìm hiểu thực tế triển khai thực hiện công tác phòng chống TNXH, những vướng mắc khó khăn để đề xuất những giải pháp tháo gỡ, góp ý cho Luật Phòng chống ma túy sửa đổi đang được biên soạn.
Bệnh đã quá nặng mới đưa vào trung tâm
Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - LĐXH Hà Nam Vũ Văn Định đã đưa ra một thực tế buồn ở địa phương là hầu hết chính quyền địa phương và các gia đình chỉ đưa người nghiện vào trung tâm khi tình trạng nghiện và sức khỏe đã quá suy kiệt, thời gian mắc nghiện ít nhất đã quá 5 năm trở lên và có tới 25-30% có HIV đã nhiều năm. Nhiều trường hợp sau khi cắt cơn xong, Trung tâm lại phải bàn giao ngay về cho gia đình vì bệnh quá nặng.
Riêng tỉnh Thái Bình, có tới 3.736 người nghiện ma túy, đứng thứ 9 toàn quốc về người mắc nghiện, chủ yếu ở trong độ tuổi lao động từ 28 đến 30 tuổi (43,89%) và hầu hết đều không có nghề nghiệp, làm ruộng hoặc lao động tự do. Trong đó có 509 người có tiền án, 578 người có tiền sự và 509 người có HIV/AIDS (13,62%).
Năm 2006, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - LĐXH thành phố đã cai nghiện cho 127 học viên, năm 2007 là 276 học viên, tức mới chỉ đáp ứng được 20% số người nghiện của tỉnh. Cán bộ phụ trách y tế của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - LĐXH thành phố Thái Bình đã khẳng định cách làm của Trung tâm: Chữa bệnh như bệnh viện; rèn luyện như quân đội; giáo dục như nhà trường đang là cách làm hiệu quả.
Chỉ sau từ 3 đến 5 ngày vào Trung tâm, học viên đã được cắt cơn hoàn toàn, phục hồi sức khỏe. Sau thời gian từ 1, 2 năm ở Trung tâm, học viên được học nghề bóc tách hạt điều, thủ công mỹ nghệ, được lao động sinh hoạt văn hóa thể thao, tham gia tăng gia sản xuất, trồng rau xanh phục vụ cải thiện bữa ăn hàng ngày nên đã ổn định sức khỏe, tăng cân.
Các trung tâm đều khẳng định: Với liệu pháp cắt cơn, cai nghiện theo phác đồ An thần kinh của Bộ Y tế hiện nay rất hiệu quả nhưng sau khi ra khỏi trung tâm, nhất là năm đầu tiên, tỷ lệ tái nghiện thấp nhưng thời gian lâu hơn rất dễ tái nghiện do công tác quản lý sau cai, đặc biệt là tình trạng không có công ăn việc làm để có thu nhập đã khiến tỷ lệ tái nghiện cao.
Phòng chống tệ nạn xã hội để phát triển kinh tế
Thị sát nơi ăn ở, sinh hoạt và học nghề của học viên tại Trung tâm Chữa bệnh-Giáo dục - LĐXH thành phố Thái Bình, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Cùng với việc phát triển kinh tế, các địa phương không thể thờ ơ, xem nhẹ công tác phòng chống TNXH.
Chỉ cần làm phép tính đơn giản, mỗi người nghiện mỗi ngày tiêu tốn ít nhất là 50.000 đồng thì mỗi ngày gần 4.000 người nghiện của Thái Bình đã đốt hết gần 200 triệu đồng, mỗi năm mất gần 73 tỷ đồng. Nếu không đầu tư cho việc chữa bệnh, giáo dục thì xã hội còn thiệt hại nhiều do các hành vi phạm tội của các đối tượng trên.
Xác định vai trò quan trọng của việc chữa bệnh, giáo dục cảm hóa những đối tượng một thời lầm lỡ, giúp họ có cơ hội làm lại cuộc đời bằng chính sức lao động của mình, UBND tỉnh Thái Bình đang đầu tư xây dựng công trình Trung tâm 05-06 Thái Bình với tổng diện tích 12ha tại huyện Đông Hưng với qui mô, công suất thiết kế cho 500 đối tượng, trong đó có 450 đối tượng nghiện ma túy, 50 đối tượng mại dâm và từ 50-55 cán bộ quản lý với tổng mức đầu tư trên 53 tỷ đồng.
Tại đây sẽ có nhà máy gạch tuynen công suất 8-10 triệu viên/năm, khu sản xuất, chăn nuôi, ao cá. Với mô hình này, sau khi điều trị cắt cơn tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - LĐXH thành phố, học viên của Trung tâm sẽ được chuyển về đây để tham gia học nghề, trực tiếp sản xuất để có thu nhập.
Tỉnh Hà Nam cũng đang đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các hạng mục của Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - LĐXH của tỉnh với qui mô tiếp nhận nuôi dưỡng thường xuyên cho 1.800 học viên cai nghiện ma túy và gái mại dâm, trang bị thiết bị để thực hiện đầy đủ 4 bước của qui trình cai nghiện ma túy, giáo dục gái mại dâm theo qui định hiện hành.
Những vướng mắc cũng như những đề xuất của các địa phương sẽ được các đoàn kiểm tra tập hợp, báo cáo Ủy ban quốc gia phòng, chống AIDS, phòng chống ma túy, mại dâm để sớm có những điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế