Ca mổ tách rời cặp song sinh tại Bệnh viện Nhi Đồng II đạt chuẩn quốc tế

Thứ Tư, 09/11/2005, 15:43
Mới đây, ngày 2/11 lại thêm một thành công mới trong kỹ thuật tách rời cặp song sinh đã được tập thể các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng (BVNĐ) II với sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản quốc tế Sài Gòn (PSQTSG) và Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic Tp. Hồ Chí Minh.

Kể từ ca mổ cặp song sinh Việt - Đức thành công năm 1988, đến nay Việt Nam mới có ca mổ thứ hai tương tự khi mà trang thiết bị kỹ thuật của Việt Nam còn nhiều hạn chế nên phải nhờ vào sự giúp đỡ của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản với các trang thiết bị hiện đại trị giá  trên 10 tỷ đồng. Đó là chưa kể tới trước đó một chuyến bay riêng đã được thực hiện để đưa hai em sang Nhật với toàn bộ chi phí xét nghiệm và điều trị trong suốt thời gian ở đây. Lần này, cả 3 đơn vị bệnh viện trên tham gia trực tiếp vào ca mổ đã hoàn toàn sử dụng các trang thiết bị có sẵn trong nước (dự trù cho ca ghép gan sắp tới của thành phố) và hoàn toàn tự chủ về mặt chuyên môn. Với ca mổ này, theo đánh giá của Giáo sư Trần Đông A - Phó Giám đốc BVNĐ II là một ca mổ "đạt chuẩn quốc tế".

Cặp song sinh dính liền này là con của một sản phụ ngụ tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh. Ngay từ lúc mới mang thai 4 tháng, phát hiện thai nhi có "vấn đề", bà mẹ đã được đặt trong sự theo dõi chặt chẽ, liên tục, đặc biệt của các bác sĩ. Sau đó, người mẹ hạ sinh tại Bệnh viện PSQTSG. Suốt 18 tháng đến trước khi lên bàn mổ, hai em bé đã được sự quan tâm cũng hết sức đặc biệt. Đích thân bác sĩ, Bệnh viện trưởng Nguyễn Xuân Huy đi đặt một chiếc cũi theo tiêu chuẩn riêng cho hai bé trong thời gian ở viện và sau đó là ở nhà tại một địa chỉ riêng, kín đáo của gia đình chỉ với sự có mặt của người mẹ và vú nuôi cùng các bác sĩ.

Trung tâm Chẩn đoán y khoa Medic, trực tiếp là Giám đốc Phan Thanh Hải đã đem một máy siêu âm loại tối tân nhất tới tận nhà hai bé để theo dõi hàng ngày.
8 tiếng đồng hồ chính là thời gian để kíp mổ thực hiện thành công ca mổ. Trước khi vào mổ, qua các thiết bị hiện đại của Medic cùng với kinh nghiệm và tham khảo những ca mổ song sinh tương tự trên thế giới, các bác sĩ đã phát hiện hai bé bị dính ở phần gan. Rất may mắn là không dính màng bao tim. Đây là yếu tố vô cùng thuận lợi.  Siêu âm cũng cho thấy, hai  bé dính nhau từ 1/3 dưới ngực cho tới rốn, nên có chung một phần xương ức, chung một ổ màng tim, dù có hai tim riêng biệt, gan phải cháu nọ dính gan trái cháu kia trên toàn bộ bề dày của gan và có chung cơ hoành, do đó phải tách gan.

Tất cả các thao tác kỹ thuật đã được thực hiện với độ chính xác có thể coi như tuyệt đối và một trong những thành công ngoài dự kiến, đó là các bác sĩ với sự cố gắng đã hoàn toàn sử dụng cơ và da của hai bé để đóng vết mổ mà không cần sử dụng tới vật liệu nhân tạo đã được chuẩn bị sẵn, chính vì vậy mà ca mổ kéo dài tới 8 tiếng đồng hồ chứ không phải 5 tiếng như dự tính. Sau khi mổ, hai bé được thở máy 12 giờ. Qua hai ngày, dường như mọi căng thẳng của Giáo sư Đông A và kíp mổ đã hoàn toàn được giải tỏa khi nghe tiếng khóc đồng loạt của cả 2 bé cất lên. Ngạc nhiên và xúc động nhất có lẽ là tiếng khóc "tìm nhau" vì cùng cảm thấy sự "thiếu vắng" một phần cơ thể "thân quen" của 2 bé khiến ai cũng chảy nước mắt vì sung sướng. Đó là biểu hiện của sự thích ứng với một môi trường mới. Cũng vào lúc này, chức năng gan 2 bé đã trở lại bình thường.

Vào buổi chiều tối 7/11, sau 5 ngày được phẫu thuật tách rời, chúng tôi đã được chứng kiến hình ảnh cả hai bé đang nằm chơi trong phòng hậu phẫu tươi tỉnh xem tivi, bé "em" (theo quy ước của bác sĩ)â đã được uống nước đường. Trong niềm vui đến phấn chấn, Giáo sư Đông A nói: Ca mổ này đã được BV thông báo bằng email tới toàn bộ các nhà khoa học thế giới đang quan tâm tới vấn đề này vào ngày 6-11. Đến giờ có thể nói, đây là ca mổ đầu tiên của Việt Nam về tách cặp song sinh dính nhau đạt chuẩn quốc tế

Huyền Nga
.
.
.