Canh tác lúa ma miệt Đồng Tháp Mười

Thứ Hai, 12/02/2018, 20:12
Cây lúa ma, tặng vật của thiên nhiên dành cho người dân vùng Đồng Tháp Mười. Nó được xem là biểu tượng của sự sống gang thép, kỳ tích của con người, vùng đất Ðồng Tháp kiên cường, luôn biết cách tồn tại, thích nghi và thành công giữa những khó khăn, nghiệt ngã...


Bốn giờ sáng, muôn loài ở Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) vẫn còn chìm sâu trong giấc ngủ. Ðoàn xuồng nối đuôi nhau đi thẳng vào “ruột” khu Ramsar, vùng đất ngập nước rộng hơn 7.313ha, thuộc địa phận 5 xã: Tân Công Sính, Phú Đức, Phú Thọ, Phú Thành, Phú Hiệp và thị trấn Tràm Chim. Đây là khu Ramsar có tầm quan trọng quốc tế, xếp thứ 2.000 trên thế giới và thứ 4 ở Việt Nam. Phía trước, những khối màu đen lờ mờ xuất hiện, nhô cao khỏi mặt nước. 

Thu hoạch lúa ma ở Tràm Chim.

Ông Tư Nước, một cư dân cố cựu của Đồng Tháp Mười bảo, đó là đồng lúa ma, nghe đâu rộng đến gần cả 1.000ha. Không gian tĩnh mịch, yên ắng lắm. Nhưng đồng lúa ma đã tỉnh giấc tự lúc nào, đang rì rào, chuyện trò cùng gió chướng. Tư Nước thì thào: “Nếu không gian tĩnh lặng, mình có thể nghe được tiếng “trở mình” của hột lúa ma đang chín”.

Ông kể, những ngày đầu khai phá vùng đất Phương Nam, cuộc sống vô cùng khốn khó. Nhưng những cư dân đến Ðồng Tháp Mười không sợ thiếu cái ăn như xứ khác. Lúa ma có sẵn, đầy đồng. Cá tôm đặc sệt, dưới nước. Mùa nước nổi, cứ đem xuồng ra đồng lúa ma, mặc sức thu hoạch. 

“Mà lạ lắm, bông lúa ma cứng hơn lúa thường, khi chín vẫn không chịu “cong trái me”, đứng thẳng, hiên ngang vượt lên mặt nước. Mỗi đêm, bông lúa ma chỉ chín vài hột nên không thể nào đem lưỡi hái cắt về. Dân mình nghĩ ra cách thu hoạch lúa ma độc đáo. 

Giữa xuồng dựng lên một tấm mê bồ (phên tre), một cây tre như cây cần câu và hai cây sào tre một đầu cột phía sau lái. Một người chống xuồng xuyên qua chỗ lúa ma đang chín, người ngồi sau cầm hai cây sào câu ngọn lúa ma vô xuồng, đập mạnh. 

Hột lúa nào chín thì rụng vô xuồng, hột còn sống vẫn sống... nhăn răng”, Tư Nước nói. Hỏi sao lại gọi “lúa ma”, lão nông cười khì. “Tại hột lúa sợ... mặt trời. Nó chỉ chín vào ban đêm, mỗi đêm vài ba hột. Tới sáng, khi mặt trời lên hẳn là những hột lúa chín tự rụng, trốn mình xuống cánh đồng nước lũ. Muốn thu hoạch lúa ma phải đi từ khuya đến trước lúc hừng đông. Nhưng di dân thuở trước gọi là “lúa trời”, bởi nó đúng là hột ngọc trời đã cứu dân chúng ấm no trong những năm bão lụt”, ông bộc bạch.

Nghe câu chuyện của lão nông tri điền vùng rốn lũ Đồng Tháp Mười, Thiếu tướng Nguyễn Minh Thuấn, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Tháp vô cùng hào hứng. Vị tướng Công an kể lại rằng: Vùng Đồng Tháp Mười khi xưa là vùng trũng. 

Đến tháng mùa lũ về (khoảng tháng 7 AL) thì cây lúa ma bắt đầu vượt lên mặt nước. Nước dâng tới đâu, lúa mọc lên tới đó. Cọng lúa cao nghều, có khi dài năm bảy thước. Lúa ma chín rất ít, mỗi bông chỉ chin vài hạt, không cắt được nên bà con mình đập cho lúa rớt lên xuồng.

Du khách vào sâu trong Vườn quốc gia Tràm Chim tham quan thu hoạch lúa ma. Ảnh trong bài: Xuân Thuỷ.

Hiện nay, lúa ma chỉ còn mọc nhiều ở những vùng Sếu đầu đỏ thường về sâu bên trong VQG Tràm Chim. Khoảng vào tháng 9, tháng 10 AL vào VQG Tràm Chim, có thể thấy lúa ma. “Lúc này, lúa đã trổ bông, chín rồi rụng, ghim cái đuôi dài xuống đất, ẩn mình suốt mùa nước ngập. Nước rút, khô hạn kéo dài. Mưa xuống, hạt lúa nảy mầm, sống ẩn dật giữa bạt ngàn cỏ dại. 

Đợi mùa lũ tới, bao nhiêu cỏ cây lút đọt, chết ráo, chỉ có cây lúa ma vươn lên khỏi mặt nước. Làm đòng, nối tiếp màu xanh sự sống của Đồng Tháp Mười”, Tướng Thuấn say sưa kể. Là một người con của vùng Đồng Tháp Mười, Thiếu tướng Nguyễn Minh Thuấn cũng tha thiết, mong muốn các nhà khoa học lấy nguồn ghen lúa ma lai tạo giống lúa phù hợp, nhân rộng ra vùng đồng bằng sông Cửu Long, tạo ra thương hiệu gạo Việt Nam.

Cùng với năn kim (cỏ năn), lúa ma là sinh cảnh chủ chốt, quần xã thực vật quan trọng ở VQG Tràm Chim. Lúa ma là mắt xích duy nhất giữ chân hệ sinh thái của khu Ramsar không bị sụp đổ. Trong mùa lũ, nước dâng lên cao, các loại cây khác bị hụt đầu, chết ráo, chỉ có cây lúa ma là vươn lên, vượt khỏi mặt nước, làm đòng. Nó là thức ăn chủ chốt của trâu, bò và cho tất cả những loài trong hệ sinh thái ở Tràm Chim.

Tiến sĩ Dương Văn Ni, nhà môi trường học, nhiều năm gắn bó nghiên cứu ở VQG Tràm Chim phân tích: Lúa ma cũng là loài thực vật hiếm, chỉ có mặt một vài nơi trên thế giới, nhưng khả năng thích nghi với vùng đất ngập nước sâu hàng thước vẫn vươn lên làm đòng, trổ bông thì hiện tại chỉ có ở Tràm Chim. 

Lúa ma đang sở hữu nguồn gen vô cùng quý giá. Ðây chính là nền móng quan trọng để nghiên cứu lai tạo ra giống lúa có khả năng chịu ngập, chịu hạn trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang đe dọa vựa lúa đồng bằng.

Vợ chồng GS.TS Bùi Chí Bửu (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam) và GS.TS Nguyễn Thị Lang (bộ môn di truyền và chọn giống Viện Lúa ĐBSCL) là chuyên gia đầu ngành về lúa ma tại Việt Nam và thế giới hiện nay. Từ những năm 1990, GS.TS Bùi Chí Bửu đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, kết hợp những tính năng chịu đựng ưu việt của lúa ma trong điều kiện sống khắc nghiệt với giống lúa cao sản để tạo ra giống lúa mới có tên AS 996 được trồng rộng rãi ở các vùng ngập mặn nước ta và còn được chuyển giao sang nhiều nước trên thế giới.
Như Anh
.
.
.