Buồn vui làng buôn tóc

Thứ Hai, 28/11/2011, 17:23
Phó trưởng Ban Công an xã Đông Thọ trong lúc dẫn tôi đi thăm thú, tiếp xúc các cơ sở thu mua, “xuất ngoại” tóc trên địa bàn không ít lần nhắc đến cụm từ “đại gia tóc”. Khi thấy tôi thắc mắc về cụm từ đó, anh cho biết, sau khi ở làng Đông Bích, Bình An xuất hiện nghề buôn “góc con người” này, nhiều gia đình đã trở thành đại gia.

Nằm cách Thủ đô Hà Nội khoảng 35km, xã Đông Thọ, huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) bấy lâu nay được nhiều người biết đến với cái tên làng buôn “góc con người”. Cái tên trên được mặc định cũng bởi ở đây có hàng trăm hộ dân đã và đang ngày đêm hoạt động thu mua tóc phụ nữ - mặt hàng vốn được nhắc đến trong câu ngạn ngữ “cái răng cái tóc là góc con người”. Tiếng rao “ai bán bóc đê”, “ai đổi tóc lấy kẹo, lấy tiền nào” theo đó vang vọng ở hầu khắp các tỉnh, thành từ Bắc chí Nam…

“Cứ nơi nào có tóc cần bán là tôi đến”

Tôi về xã Đông Thọ, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) - nơi được biết đến như là một làng chuyên buôn “góc con người” trong một ngày cuối thu. Đầu giờ chiều 24/11, trong cái nắng hanh hao, anh Tạ Xuân Học - Phó trưởng Ban Công an xã Đông Thọ, huyện Yên Phong (Bắc Ninh) đã dẫn tôi đi “tận mục” làng buôn “góc con người”. Ngôi nhà của bác Nguyễn Thị Hoạt, 57 tuổi nằm nép mình bên con đường thuộc thôn Đông Bích (Đông Thọ) vào thời điểm chúng tôi có mặt đang khỏa lấp một không khí bận rộn làm việc.

Trong khoảng sân rộng chừng 70m2, các nhân công chuyên thu gom, chế biến “góc con người” đang thao tác nhanh nhẹn các lọn tóc của mình mua trước đó. Người chải tóc, người gội tóc, người đứng phơi tóc… tất cả các công đoạn được tiến hành theo một trình tự nhất định.

Các lao động thực hiện công đoạn gỡ tóc rối tại một xưởng.

Bác Hoạt  tâm sự, bác theo đuổi nghề buôn “góc con người” này cũng đã ngót 10 năm. Ngày trước, khi trực tiếp “bám địa bàn” - đi về các điểm có nhu cầu bán tóc để thu mua, không nơi nào là bác chưa từng đặt chân đến. Từ mạn Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái… cho đến Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình; rồi các tỉnh Tây Nguyên: Lâm Đồng, Đắc Lắk; các tỉnh phía Nam: Hậu Giang, Kiên Giang, mũi Cà Mai… nơi đâu bác cũng đều đặt chân đến cả.

Bác Hoạt kể, hồi ấy, có thời điểm, bác ròng rã “bám địa bàn” ở dải miền Trung: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình… đến cả 5-6 tháng. Hàng ngày, trên chiếc xe đạp cà tàng cùng bộ loa phóng thanh, giọng rao: “ai bán tóc nào”, “có ai bán tóc không”… đều đặn được phát ra tại hầu hết các điểm phiên chợ, nơi có đông người lui tới. Qua tiếng rao này, bác những mong gặp được chị em phụ nữ “thuận mua vừa bán” để có thể thu mua được ít tóc, tích góp gửi về nhà qua đường xe khách, để các nhân công ở nhà “chế” lại và bán cho các thương lái thu mua với số lượng lớn.

“Trong lần ở miền Trung, do địa bàn đồng bằng nhu cầu bán tóc của người dân không còn nhiều, tôi còn bắt xe khách ngược liên trên các huyện vùng cao như Mường Lát (Thanh Hóa); Quế Phong, Tương Dương (Nghệ An); Minh Hóa, Tuyên Hóa (Quảng Bình)… thuê nhà trọ tạm bợ của người dân bản để ở. Hàng ngày vượt đèo, lội suối, lên tận các bản vùng cao nơi có chị em đang có nhu cầu bán tóc để thu mua”, bác Hoạt nhớ lại.

Tương tự, với thâm niên khoảng 10 năm trong nghề, bác Nguyễn Thị Lệ, 70 tuổi, ở thôn Bình An (Đông Thọ) tâm sự, kể từ khi xã Đông Thọ nói chung và làng Bình An nói riêng “phất” nghề buôn tóc, bác đã rong ruổi khắp nơi từ Bắc chí Nam để thu mua tóc của các chị em phụ nữ. Tính đến nay, hầu khắp các tỉnh thành trên cả nước, dẫu là miền núi vùng sâu vùng xa, hay vùng đồng bằng đô thị, bác cũng đều có mặt, đặt chân. Kể vanh vách các địa danh của tỉnh Cao Bằng từ huyện Trà Lĩnh, Bảo Lạc, Bảo Lâm cho đến Phục Hòa.

Bác Lệ cho biết, hồi ấy, bác “bám địa bàn” ở huyện Phục Hòa, nơi có cửa khẩu Tà Lùng đến cả 2 tháng trời. Mọi sinh hoạt ăn ở của bác đều theo phong tục của bà con nơi đây. Nghe bác Lệ, bác Hoạt cũng như một số người khác trong làng kể về nghề buôn “góc con người” của mình, chúng tôi mới thấy được hết sự say mê và gắn bó với nghề này của người dân Đông Bích, Bình An như thế nào. Tất cả đều có chung một suy nghĩ: “Dù đến bất kể đâu cũng được, miễn sao mua được tóc của người có nhu cầu bán để đem về “tái chế” xuất ra thị trường ngoại”.

Thay da, đổi thịt… nhờ buôn bán tóc

Về làng Đông Bích, Bình An (xã Đông Thọ) vào thời điểm hiện tại, nếu ai đã lâu chưa quay lại nơi đây có lẽ sẽ không tin vào mắt mình bởi sự thay đổi, sự phát triển kinh tế của nhiều hộ dân sinh sống ở đây. Thoáng nhìn qua, nhiều người còn lầm tưởng đây là “khu đô thị mới” mọc giữa vùng nông thôn thuần túy.

Trong căn nhà khang trang, rộng hơn 500m2 của mình, chị Đỗ Thị Hân, 47 tuổi - một cơ sở lớn chuyên thu mua, “xuất ngoại” tóc ở thôn Bình An cho biết, gia đình chị theo đuổi nghề này từ những năm 2000. Ban đầu chị cùng người thân trực tiếp đi thu mua tóc ở các địa phương. Sau một thời gian tích lũy kinh nghiệm, góp vốn, gia đình chị đã mở hẳn một cơ sở chuyên thu gom tóc. Nhân công lao động trong xưởng của chị tính đến thời điểm hiện tại là hơn 10. Mỗi ngày, các nhân công này làm việc theo 2 ca. Ca sáng từ 7h đến 11h, ca chiều từ 13h đến 16h30. Nếu vào vụ, số nhân công cũng như ca làm việc sẽ phải tăng thêm.

Nhìn số nhân công đang thao tác lao động gỡ tóc rối, chải tóc cho mượt, đóng bao hàng… một cách khá nhanh nhẹn ở khoảng sân của xưởng sản xuất này, chúng tôi cũng thấy được số thâm niên hành nghề buôn “góc con người” gắn với mỗi lao động như thế nào. Cũng chính nghề lạ này đã giúp nhiều chị em phụ nữ có thêm thu nhập, cải thiện đời sống gia đình.

Chị Nguyễn Thị Oanh đang thao tác chải các lọn tóc để xuất xưởng.

Chị Nguyễn Thị Oanh, 39 tuổi đang thao tác chải các lọn tóc đang chuẩn bị xuất xưởng cho biết, nhà chị ở mãi tận xã Xuân Giang, huyện Sóc Sơn (Hà Nội), song do hoàn cảnh gia đình gặp nhiều khó khăn, 5 đứa con còn nhỏ, nên sau khi biết xã Đông Thọ có nghề buôn bán tóc, chị đã tìm đến đây xin việc. Tới nay, thời gian chị làm nghề thu mua tóc cũng lên đến 7 năm. Hàng tháng, số tiền chị gửi về cho gia đình cũng khoảng 4 triệu đồng. Giống chị Oanh, chị Đỗ Thị Gái, 36 tuổi cùng ở xã Xuân Giang tâm sự, chị cũng tìm đến làng nghề buôn tóc Đông Thọ này cũng bởi, ngoài lúc làm nông ở nhà ra, nghề thu mua, “chế biến” tóc này đã giúp chị kiếm thêm thu nhập, nuôi 3 đứa con ăn học. 

Anh Tạ Xuân Học trong lúc dẫn tôi đi thăm thú, tiếp xúc các cơ sở thu mua, “xuất ngoại” tóc trên địa bàn không ít lần nhắc đến cụm từ “đại gia tóc”. Khi thấy tôi thắc mắc về cụm từ đó, anh cho biết, sau khi ở làng Đông Bích, Bình An xuất hiện nghề buôn “góc con người” này, nhiều gia đình đã trở thành đại gia. Từ nhà cấp 4 lụp xụp, không ít gia đình giờ đã xây cất được nhà lầu cao chót vót, tậu xe hơi sang trọng như: nhà bà C., ông T. ở thôn Đông Bích, nhà chị H. ở thôn Bình An..v.v... Cũng theo anh Học, có những hộ làm ăn lớn còn đi đi về về theo chiều Bắc - Nam bằng máy bay như “cơm bữa”.

Ông Mẫn Văn Bẩy - Chủ tịch UBND xã Đông Thọ, huyện Yên Phong (Bắc Ninh): Nghề buôn tóc trên địa bàn đã có từ gần 10 năm nay. Toàn xã có 7 thôn với 1.834 hộ thì có tới hơn 400 hộ (tập trung chủ yếu ở làng Đông Bích, Bình An) đang hoạt động trong lĩnh vực thu mua, “xuất ngoại” tóc. Dân đi thu mua tóc ở các địa phương (chủ yếu là phụ nữ) thường xuyên phải đi xa. Có người thi thoảng lại vắng nhà vài ngày, có người còn vắng nhà đến 3-4 tháng để đi thu gom tóc, gửi về nhà, bán cho các thương lái. Nghề buôn tóc hình thành trên địa bàn góp phần giúp cuộc sống của người dân được cải thiện, nhiều lao động theo đó có công ăn việc làm. Tệ nạn xã hội được đẩy lùi.

Trần Huy

.
.