Bước qua lầm lỗi, làm giàu trên mảnh đất quê hương

Thứ Năm, 13/02/2020, 01:02
Được sự giúp đỡ của chính quyền và ban, ngành, đoàn thể địa phương, đặc biệt là Công an huyện Cam Lộ, Quảng Trị, anh Hoàng Ngọc Khánh (SN 1979, ở thôn Cam Vũ 2, xã Cam Thủy, đã nỗ lực hoàn lương làm lại cuộc đời và vươn lên làm giàu chính đáng trên đất quê hương.


Theo chân Thượng úy Hoàng Văn Quảng, Công an xã Cam Thủy, chúng tôi đến nhà anh Khánh. Đó là ngôi nhà nhỏ, nằm cuối thôn, bên cạnh cánh đồng xanh màu cây trái, cũng là 2 khu trang trại nuôi trồng tổng hợp của Khánh và anh Phan Vĩnh Nhân, Công an viên thôn Cam Vũ 2, được xây dựng, phát triển kinh tế hơn 1 năm nay. Mời khách bằng những quả ổi chín do tự công sức mình vun trồng nên, cùng với chén trà nóng, Khánh trầm ngâm kể lại “ngã rẽ” của đời mình. 

Hoàng văn Khánh (người thứ ba từ bên phải sang) trò chuyện với các cán bộ Công an địa phương.

“Cách đây 8 năm, lúc đó em làm nghề chở hàng hóa bằng xe ôtô bán tải từ cửa khẩu quốc tế Lao Bảo về TP Đông Hà. Rồi không hiểu sao mình sai lầm vướng vào việc làm ăn phi pháp, buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Thời gian đầu chấp hành án phạt tù, em rất bi quan chán nản, cứ nghĩ cuộc đời tù tội là coi như chấm hết. 

Sau chừng 1 năm, em được Ban giám thị trại cho ra bên ngoài lao động cải tạo. Công việc chủ yếu là làm đất, trồng cây phát triển sản xuất nông nghiệp giúp bà con dân tộc thiểu số ở vùng Cùa, huyện Cam Lộ. Cùng với đó là sự động viên rất chân tình và ân cần của các cán bộ trại giam, nên tinh thần em dần trở nên lạc quan. 

Một hôm, em đang trồng cây bơ cho một hộ dân thì anh cán bộ trại đến bên hỏi: “Anh hỏi chú mày nhé! Chú mày có thấy bà con dân tộc thiểu số ở đây, họ ít hiểu biết về kiến thức nông nghiệp, nhưng không ít hộ vẫn có thể làm giàu. Anh thấy chú mày có sức khỏe, nắm bắt kiến thức của người khác nhanh, nhất là kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, tại sao chú mày không thể làm giàu chân chính về lĩnh vực này nhỉ?!”. 

Câu hỏi của anh cán bộ đã làm em suy nghĩ rất nhiều. Hôm sau, gặp lại anh ấy, em hỏi mượn sách nông nghiệp để đọc. Sau khi đọc hết những quyển sách anh ấy cho mượn, em nhờ người nhà mỗi lần vào thăm mua cho sách để đọc. Quyết tâm hoàn lương, làm giàu bằng nông nghiệp của em cũng bắt đầu nhen nhúm, hình thành kể từ ngày đó!”, Khánh kể lại.

Nhờ chấp hành cải tạo tốt, Khánh được nhiều lần giảm án, tha tù trước thời hạn. Về nhà vào ngày 27 Tết Nguyên đán năm ngoái, anh trình bày ngay với cha mình kế hoạch làm ăn. Vừa nghe con nói xong, ba của anh, ông Hoàng Văn Ấu, 85 tuổi, lặng lẽ vào mở chiếc tủ gỗ lấy ra Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhà ở đưa cho con, rồi ông vỗ nhẹ vào vai con và nói cũng chỉ một câu vỏn vẹn: “Ba tin con! Cố gắng lên con!”. Khánh ôm lấy ba mình òa khóc, nghị lực, quyết tâm làm ăn đàng hoàng, làm giàu trên đất quê hương trong anh trỗi dậy, mạnh mẽ hơn bao giờ hết. 

Sau thời gian nghỉ Tết, Khánh đến UBND huyện Cam Lộ xin được thuê đất phát triển sản xuất nông nghiệp. Lãnh đạo huyện đã tạo điều kiện cho anh thuê 2 nơi, ở khu vực ven thị trấn Cam Lộ và thôn Cam Vũ 2, với tổng cộng 7ha đất nông nghiệp. 

Bên cạnh, được sự hướng dẫn, quan tâm giúp đỡ rất nhiệt tình của các ban, ngành, đoàn thể địa phương, nhất là Công an huyện Cam Lộ, nên anh càng phấn khởi, bắt tay ngay vào việc xây dựng, phát triển mô hình sản xuất cây, con tổng hợp tại 2 khu đất được thuê này. Khánh vay ngân hàng gần 2 tỉ đồng đầu tư mua sắm máy móc, vật tư, vật liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp. 

Tháng 2-2019, anh bắt vào trồng gần 7 ngàn gốc ổi, giống ổi lê Đài Loan, ổi nữ hoàng, ổi ruột đỏ. Trong khi chờ cây ổi sinh trưởng, anh trồng xen hơn một mẫu dưa hấu giống Thái Lan trái vụ. Vào rằm tháng Bảy năm 2019, anh thu hoạch, bán thu lãi ròng hơn 100 triệu đồng. Bên cạnh, anh còn chăn nuôi hơn 2 ngàn con vịt và gần 3 ngàn con gà lấy thịt. Điều đặc biệt, cách chăn nuôi, trồng trọt của anh không giống ai ở địa phương. 

Thật ấm lòng khi cán bộ Công an thường đến tận vườn trang trại thăm, động viên Khánh làm ăn. Đi giữa những hàng cây ổi xanh mướt, sây quả, Khánh bộc bạch: “Qua 2 tháng nay, em đã thu hoạch, bán được hơn 300 triệu đồng từ ổi quả, gà và vịt cho các thương lái, chợ đầu mối và nhà hàng, siêu thị trên địa bàn Cam Lộ và TP Đông Hà”. 

Nhờ làm ăn khấm khá, Khánh đã đầu tư mua mới một chiếc xe ôtô bán tải để phục vụ sản xuất, làm ăn được thuận tiện hơn. Cùng với đó, anh lập công ty mang tên mình và vợ, cùng với từ Green có ý nghĩa chung về lĩnh vực mà anh chuyên sản xuất - Công ty TNHH MTV Khánh Hà Green. 

Khánh giải thích, việc thành lập công ty là cơ sở để làm thương hiệu sản phẩm sau này, cũng như khi bán buôn thì phải có các loại giấy tờ, nộp thuế hợp pháp cho Nhà nước. Tôi hỏi Khánh, sao không ở lại Đông Hà để làm ăn mà chọn Cam Lộ để hoàn lương làm lại cuộc đời, quyết chí làm giàu của mình? 

Khánh khẽ nói: “Quê em ở Cam Vũ 2. Em cần có quê hương, xóm làng bên cạnh. Nếu lỡ khi mình có chút nông nổi, sa ngã, thì sẽ có bà con, người thân nhắc nhở; có mùi hương đất, rơm rạ của quê để níu kéo, làm mình tỉnh táo mà không còn phải đi sai đường, lạc lối nữa!”.

Phan Thanh Bình
.
.
.