Bức xúc lạm thu đầu năm học
Đáng chú ý là nhiều lớp còn lập quỹ phụ huynh để thu số tiền vài trăm đến cả triệu đồng để chi cho cả những việc sơn sửa lớp, lắp đèn chiếu sáng, mua thiết bị dạy học... trong khi ngành Giáo dục quy định, quỹ này không có trong danh mục và đương nhiên không phải thu để sử dụng vào mục đích này.
Chủ nhật ngày 16/9, khi đi họp phụ huynh cho con đang học tiểu học tại một trường ở quận Thanh Xuân, chị Nguyễn Thu Hà cầm theo 1.000.000đ “dự phòng”. Thế mà kết thúc buổi họp, chị vẫn còn thiếu 500.000đ để đóng các khoản tự nguyện. Nghịch lý ở chỗ, là khoản thu tự nguyện mà bản thân người tự nguyện nộp lại không đủ tiền để nộp. Tại sao lại xảy ra “cơ sự” này?
“Vẽ” ra các khoản thu, thu vượt trần
Mới nhìn qua danh sách các khoản thu bắt buộc mà giáo viên chủ nhiệm phát cho phụ huynh, anh Nguyễn Nhật Thành ở quận Thanh Xuân chưa phát hiện ra điều gì bất thường. Đó là các khoản thu: Quỹ cha mẹ học sinh 60.000đ; quỹ đội 2.000đ/tháng; hỗ trợ giáo dục 10.000đ/tháng; bảo hiểm y tế 264.000đ; bảo hiểm thân thể 70.000đ; nước uống 18.000đ/tháng; tiền học 2 buổi/ngày 100.000đ. Trong khi đó, chị Nguyễn Thu Tâm khi đóng các khoản tiền đầu năm cho cậu con trai đang học mầm non ở quận Tây Hồ đã bất ngờ khi thấy: Tiền bán trú 250.000đ/tháng; học phẩm 200.000đ/năm; trang thiết bị 250.000đ/năm; nước tinh khiết: 10.000đ/tháng.
Chị “choáng” bởi theo thông tin biết trên báo chí, nhiều khoản thu đã vượt trần quy định của Sở GD & ĐT. Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản quy định, lãnh đạo Sở này cũng nhiều lần trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng..., thế mà nhà trường vẫn “tự tin” thu thêm và thu vượt trần. Không hiểu Hiệu trưởng những trường con chị đang theo học có biết hay chưa biết đến quy định này. Không thể phản biện lại nhà trường vì tâm lý “qua sông phải lụy đò” nên chị Thu Tâm lặng lẽ nộp các khoản tiền trên dù trong lòng đầy bức xúc.
Lạm thu đầu năm học là vấn đề gây bức xúc dư luận xã hội. Ảnh minh họa: Thiện Hoàng. |
Ngày 19/9, trao đổi với bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội xung quanh việc này, chúng tôi được bà chỉ rõ những khoản thu đúng và thu chưa đúng. Với trường hợp anh Nguyễn Nhật Thành, thì việc nhà trường đưa ra khoản thu “hỗ trợ giáo dục” là sai. Không biết căn cứ vào đâu mà nhà trường lại vẽ ra khoản thu này.
Ngoài ra, việc nhà trường thu 18.000đ/tháng tiền nước uống tinh khiết đối với mỗi học sinh là vượt trần 6.000đ. Khoản thu bảo hiểm thân thể nhà trường đưa vào phần thu hộ bắt buộc cũng sai bởi đây là khoản tự nguyện, phụ huynh có thể mua hoặc không mua loại hình bảo hiểm này cho con em mình. Đối chiếu với trường hợp của phụ huynh Thu Tâm, chúng tôi thấy rõ việc nhà trường đã thu tiền học phẩm, trang thiết bị, bán trú đều vượt trần từ 50.000 – 100.000đ.
Chỉ với 2 trường hợp ngẫu nhiên nêu trên đã thấy việc lạm thu không hề hiếm gặp. Mỗi nơi có cách thức lạm thu khác nhau dù Sở GD&ĐT Hà Nội đã có quy định rõ về các khoản thu, mức thu. Điều đáng lưu ý là ngoài việc nhà trường lạm thu còn có một thực trạng... lạm chi của phụ huynh.
Quỹ phụ huynh: Một kiểu lạm thu, lạm chi
Quỹ phụ huynh trường, quỹ phụ huynh lớp là những khoản thu tự nguyện. Do là tự nguyện nên không thể có việc cào bằng. Ai có điều kiện đóng nhiều, ai không có điều kiện thì đóng ít hoặc không đóng. Thế nhưng việc đóng góp vào các quỹ này đều trong tình trạng cào bằng.
Chị Bùi Thúy Nga có con đang học mầm non ở quận Tây Hồ cho biết, vừa qua chị phải đóng quỹ phụ huynh trường 300.000đ, quỹ phụ huynh lớp 300.000đ. Chị không hiểu, quỹ phụ huynh trường vì sao thu nhiều đến như vậy. Từng tham gia nhiều buổi họp phụ huynh cho 2 con đang học tiểu học và THCS, anh Vũ Văn Toàn cho biết, một buổi họp phụ huynh thông thường sẽ là: cô giáo chủ nhiệm thông báo tình hình của lớp, bầu ban đại diện phụ huynh (nếu là đầu năm học).
Ban đại diện phụ huynh sau đó sẽ đưa ra các khoản cần đóng góp, số lượng tiền cần phải đóng rồi lấy biểu quyết. Nếu số đông đồng ý, thì mức tiền đóng góp đưa ra sẽ được tất cả phụ huynh tán thành. Tất cả đều tự nguyện nhưng đấy là sự tự nguyện được cào bằng.
Biên lai thu tiền của một trường mầm non ở quận Ba Đình thể hiện một khoản thu vượt trần từ 50.000 - 100.000đ. |
Hoạt động của Ban đại diện phụ huynh trường, lớp nhằm hỗ trợ nhà trường nâng cao chất lượng học tập và phối hợp với nhà trường để giáo dục con em mình. Chính vì thế, mục đích thu quỹ phụ huynh cũng không nằm ngoài việc này. Thế nhưng, dường như phụ huynh đang đi quá xa trong việc nộp và sử dụng quỹ.
Khi nêu trường hợp quỹ phụ huynh một lớp thuộc trường tiểu học được dùng vào việc lắp thêm đèn điện, sơn sửa cửa, tường... bà Phạm Thị Hồng Nga, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thẳng thắn cho biết, cách sử dụng tiền này không đúng mục đích. Đấy là việc của nhà trường, không phải việc của phụ huynh. Đây là những hạng mục do ngân sách Nhà nước cấp. Không phải phụ huynh đua nhau đóng tiền trăm, tiền triệu vào quỹ phụ huynh rồi thích dùng vào việc gì cũng được. Đóng tiền sai, sử dụng sai mục đích sẽ làm cho môi trường học đường thêm xấu đi.
Tìm hiểu trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi được biết, hầu hết các lớp đều có quỹ phụ huynh. Quỹ được dùng vào việc gì, có đúng phần việc của mình hay không thì không phải phụ huynh nào cũng biết rõ. Dẫu vậy, gần như 100% phụ huynh đều đóng tiền vào quỹ này.
Lý giải việc này, chị Hà Xuân Lan – một phụ huynh cho biết, đó là do tâm lý đám đông. Quả đúng như cách chị Lan nói, phụ huynh nọ nhìn phụ huynh kia và không ai muốn phản đối. Lý do? Họ không muốn chỉ vì ý kiến của mình mà con em họ trở thành cá biệt. Mà khi đã trở thành cá biệt rồi thì rất có thể con em họ sẽ bị “soi”.
Tôi từng nghe phụ huynh tâm sự, chỉ vì chị có ý kiến về việc đóng góp quỹ phụ huynh với đại diện phụ huynh lớp mà bị cô giáo chủ nhiệm gọi điện để giải thích. Sự can thiệp này của giáo viên chủ nhiệm khiến chị thực sự lo lắng cho con mình. Rõ ràng trong trường hợp này, giáo viên chủ nhiệm đã sai khi can dự cả vào phần việc của cha mẹ học sinh. Ban đại diện phụ huynh của lớp cũng đã sai khi “than phiền” và nêu đích danh phụ huynh này với giáo viên chủ nhiệm.
Các lớp thu quỹ phụ huynh, dùng một phần quỹ này để sửa chữa lớp học, tặng quà thầy cô giáo, tặng quà Ban Giám hiệu... vào dịp lễ, tết. Ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm có biết không? Chắc chắn là biết. Biết rõ phụ huynh đã “lạm quyền” nhưng nhà trường vẫn... không nói gì. Phụ huynh lạm chi, nhà trường làm ngơ đã khiến cho vấn đề lạm thu trong ngành Giáo dục càng trở nên khó giải quyết.
Sở GD&ĐT Hà Nội quy định 4 khoản thu ngoài học phí Bốn khoản thu ngoài học phí tại các cơ sở giáo dục công lập: Phục vụ bán trú (chăm sóc bán trú: Không quá 150.000 đ/hs/tháng; trang thiết bị phục vụ bán trú không quá 150.000đ/hs/năm khối mầm non và không quá 100.000đ/hs/năm với khối tiểu học, THCS); tiền học phẩm (không quá 150.000đ/hs/năm đối với học sinh mầm non); khoản thu học 2 buổi/ngày không quá 100.000đ/hs/tháng với khối tiểu học và 150.000đ/hs/tháng với khối THCS; nước uống tinh khiết cho học sinh không quá 12.000đ/hs/tháng. Ngoài ra, còn có khoản thu hộ bắt buộc đối với học sinh là Bảo hiểm y tế. (Công văn số 8568/SGD&ĐT ngày 11/9/2012) |
Một số trường trả lại tiền thu vượt trần, tiền xây dựng cơ sở vật chất - Ngày 18/9, Trường Tiểu học Đặng Trần Côn A ra thông báo, việc thu 18.000đ/hs/tháng tiền nước uống tinh khiết là sai so với hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội. Nhà trường quyết định thu 12.000đ/hs/tháng và thu cùng tiền ăn bán trú hằng tháng. Nhà trường cũng thông báo trả lại số tiền đã thu thừa cho phụ huynh. - Ngày 20/9, Trường Mầm non Tràng An, quận Thanh Xuân, Hà Nội có thông báo Ban đại diện cha mẹ học sinh trả lại số tiền đóng góp khoảng 1 triệu đồng dự kiến làm sân giao thông, mành rèm che, duy trì bảo dưỡng sử dụng điều hòa, sàn gỗ... cho từng phụ huynh. PV |
Báo CAND mong nhận được thông tin phản hồi của bạn đọc về tình trạng lạm thu trong giáo dục tại địa chỉ email: plbd66@gmail.com; điện thoại: 0439.420.595. |