Loạt bài về giá xăng dầu:

Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển: Tôi đồng tình với Báo CAND và Chuyên đề ANTG

Thứ Năm, 22/06/2006, 08:30
Về loạt bài "Một góc sự thật về giá xăng dầu ở nước ta" của Báo  CAND và Chuyên đề ANTG và bài phản ánh trên Báo Tiền phong, ông Tuyển bày tỏ mong muốn nhận được những thông tin mới từ báo chí giúp cho công tác điều hành, chỉ đạo của Bộ Thương mại trong lĩnh vực Bộ quản lý.

"Nếu an toàn, giá rẻ thì Bộ Thương mại với tư cách là chủ sở hữu vốn sẽ buộc Petrolimex phải mua xăng dầu của hãng này" - ông Tuyển khẳng định tại cuộc họp báo về việc hãng PESG chào bán xăng dầu cho các doanh nghiệp Việt Nam và cho rằng: Việc báo chí điều tra phản ánh về những vấn đề xung quanh vụ việc này là hoàn toàn bình thường và rất chính đáng nhằm đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển cũng cho rằng, các báo không nên tiếp tục đưa những thông tin không có gì mới”.

Trước thái độ cầu thị của người đứng đầu Bộ Thương mại, chúng tôi tiếp tục trở lại vụ việc này với những thông tin nhiều chiều xoay quanh những thông tin mà Bộ Thương mại vừa đưa ra. Trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 15/6, cũng như thông tin tại cuộc gặp mặt báo chí ngày 20/6 (bao gồm cả cuộc giao ban đầu buổi sáng 20/6 tại Ban Tư tưởng Văn hóa TW với lãnh đạo các cơ quan báo chí), Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển đều dẫn ra nhưng thông tin từ ông Dover - Chủ tịch Phòng Thương mại Úc - Việt để làm căn cứ khẳng định rằng việc Petrolimex không giao dịch với hãng PESG (Australia) là đúng. Theo ông Tuyển thì thông tin từ ông Dover còn cho thấy hãng PESG không có thực lực và không có khả năng tài chính, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo.

Ông Dover đang bị kiện

Bộ Thương mại dựa vào những thông tin do ông Dover cung cấp. Vậy những thông tin từ ông này liệu có đáng tin cậy? Theo tìm hiểu của phóng viên Báo CAND thì sau khi thông tin từ ông Dover như nói trên được một vài tờ báo ở Việt Nam đăng tải, hãng PESG đã lập tức cho luật sư điều tra và phát đơn kiện ra Tòa án Sydney. Sau đó, chính ông Dover đã có liên hệ với một tờ báo ở Việt Nam xin rút lại những tuyên bố của mình.

Mới đây, ngày 20/6, Cơ quan Thương mại của Australia (Austrade) đã trả lời chính thức rằng: "Phòng Thương mại Úc - Việt không có liên hệ gì về mặt pháp lý với Austrade hay Bộ Ngoại giao và Ngoại thương. Vì thế, theo luật, Phòng Thương mại Úc - Việt không thuộc diện do Bộ trưởng Bộ Thương mại quản lý, cho nên các thành viên trong Phòng Thương mại Úc - Việt không do Chính phủ bổ nhiệm". Thực chất, Phòng Thương mại Úc - Việt chỉ là tập hợp của một nhóm doanh nghiệp nhỏ không có thẩm quyền đưa ra những thông tin chính thức về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp.

Vì sao những thông tin không đáng tin cậy của ông Dover lại được một số cơ quan, cá nhân sử dụng để tuyên bố? Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và sớm thông tin đến bạn đọc.

Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục trở lại những vấn đề khác đã được phản ánh trong loạt bài điều tra "Một góc sự thật về giá xăng dầu ở nước ta" đã đăng tải, như việc Petrolimex mua dầu rẻ nhưng lại bán được giá cao hơn nhiều so với các đầu mối nhập khẩu dầu khác trong nước mà vẫn được bù lỗ đầy đủ; về những thông tin thiếu chính xác, nửa vời trong báo cáo của Bộ Thương mại gửi lên Thủ tướng Chính phủ để bao biện cho các doanh nghiệp của mình…

Mới đây, Báo CAND nhận được một công văn của Tham tán Thương mại Nguyễn Hữu Chí đề cập đến loạt bài "Một góc sự thật về giá xăng dầu ở nước ta". Cụ thể là bài viết trên Chuyên đề ANTG số ra ngày 3/6, có đoạn: "Theo yêu cầu của Petrolimex, ngày 9/2, Trưởng đại diện cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia, ông Nguyễn Hữu Chí đã cùng các thành viên đến trụ sở của PESG làm việc trong nhiều giờ. Biên bản làm việc giữa hai bên cho thấy, PESG là một tập đoàn khổng lồ. Lướt qua danh sách những hợp đồng đã ký năm 2005, đã thấy có 3 hợp đồng có giá trị tới 40 tỉ USD. PESG còn sở hữu 21 nhà máy lọc dầu trên thế giới...".

Tham tán Thương mại Nguyễn Hữu Chí khẳng định: "Không có biên bản làm việc này giữa Trưởng đại diện cơ quan Thương vụ với Công ty PESG như báo đã đưa tin".

Nhận được phản hồi này của Tham tán Nguyễn Hữu Chí, chúng tôi đã kiểm tra lại. Trong đó, cho thấy có một biên bản một cuộc họp giữa đại diện của PESG và Thương vụ Việt Nam để tìm hiểu năng lực của PESG. Biên bản này không có chữ ký của đại diện cơ quan Thương vụ Việt Nam. Tuy nhiên, dù "biên bản làm việc" đó chưa hoàn chỉnh nhưng bản chất sự việc chúng tôi nêu hoàn toàn đúng.

Những tài liệu chúng tôi thu thập được cho thấy thực tế đã có buổi làm việc như vậy giữa ông Nguyễn Hữu Chí cùng một cán bộ cơ quan Thương vụ với Công ty PESG  và phía ông Chí đã được cung cấp những thông tin chứng minh năng lực của PESG, đúng như những gì mà chúng tôi đã phản ánh trong loạt bài "Một góc sự thật về giá xăng dầu ở nước ta". Đây cũng chính là lý do mà phía PESG đã từ chối đề nghị của Thương vụ Việt Nam về một cuộc "gặp gỡ lần hai"

Nhóm PVĐT
.
.
.