Bộ Y tế “chia lửa” với Đà Nẵng và miền Trung

Thứ Sáu, 31/07/2020, 05:46
2 bệnh nhân COVID-19 rất nặng đã phải chạy ECMO, một số bệnh nhân khác diễn biến nặng đang cân nhắc chạy thiết bị tim phổi nhân tạo. Đến nay, có 10 bệnh nhân chạy thận, có bệnh nền đã chuyển từ Đà Nẵng ra Bệnh viện Trung ương Huế điều trị; 6/126 bệnh nhân từ châu Phi về nước có tổn thương phổi, 3/6 bệnh nhân này còn nhiễm sốt rét và ký sinh trùng…


Tại Hội chẩn Quốc gia lần thứ 5 vào ngày 30-7, lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia làm việc với các điểm cầu, dốc toàn lực điều trị cho các ca bệnh. Suốt những ngày qua, Bộ Y tế liên tiếp cử các đoàn chuyên gia vào “chia lửa” với Đà Nẵng, hỗ trợ thành phố dập dịch.

Nhiều ca bệnh rất nặng

Các ca bệnh nặng đang điều trị đều là những bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh nền đi kèm. Theo nghiên cứu trung bình 1 người cao tuổi có từ 5-6 bệnh lý đi kèm. Bệnh nhân rất nặng hiện nay BN 437, 61 tuổi, tiên lượng nặng với nhiều bệnh nền như suy thận mãn, viêm phổi, hôm nay bệnh nhân đã được sử dụng ECMO. Theo các chuyên gia, bệnh nhân đã nặng lên nhiều, nhiễm trùng, cần sử dụng thuốc chống nấm, theo dõi các chỉ số huyết động.

Tiểu ban Điều trị và các chuyên gia thường xuyên hội chẩn trực tuyến với các bệnh viện về ca bệnh nặng

BN 436, nam, 66 tuổi, ở xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, có tiền sử suy thận mạn giai đoạn cuối, được lọc máu 5 lần. Bệnh nhân điều trị suy thận tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, BV Đà Nẵng và được xác định mắc COVID-19, sau đó chuyển đến BV TƯ Huế cơ sở 2 điều trị. Hiện tại bệnh nhân này thở máy qua nội khí quản. 

Bệnh nhân nặng mắc nhiều bệnh nền nữa là BN 438, 56 tuổi, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng. Trong quá trình điều trị tại BV Đà Nẵng, bệnh nhân bị lây nhiễm COVID-19 và chuyển đến BV TƯ Huế cơ sở 2. Hiện, bệnh nhân tuy tỉnh, bóp bóng hỗ trợ qua ống khai khí quản, tuy nhiên, do thể trạng suy kiệt, COPD, ung thư nên bệnh tình rất nặng. 

Trong 3 trường hợp nặng là BN 416, BN 418, BN 437 thì BN 416 đang có xu hướng nhiễm trùng tăng. Các chuyên gia đề nghị bệnh viện xem xét kiểm soát huyết động, huyết khối, cố gắng cai dần ECMO. BN 418 có tình trạng nhiễm nấm, các xét nghiệm liên quan hô hấp cải thiện nhưng vẫn còn tình trạng nhiễm nấm.

Tập trung toàn lực điều trị

Báo cáo tại buổi hội chẩn vào ngày 30-7, lãnh đạo BV C Đà Nẵng cho biết, hiện tại đây đang điều trị 2 bệnh nhân là BN 420 và BN 445, trong đó BN 420 diễn biến nặng nhưng đã chuyển biến tốt hơn. BV Đà Nẵng, hiện điều trị cho 19 bệnh nhân, trong đó2 ca chạy ECMO, 2 ca thở máy.

“BN 428 suy thận nặng, phải thở máy và vừa được cấp cứu xong, các thông số tạm ổn”, TS Lê Đức Nhân, Giám đốc BV Đà Nẵng cho biết. Trong ngày 30-7, BV Đà Nẵng chuyển thêm 5 bệnh nhân thận nhân tạo đến BV TƯ Huế.

Tại BV Đa khoa TƯ Quảng Nam, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai (trưởng đoàn công tác của BV Bạch Mai vào hỗ trợ) nêu ra những khó khăn tại đây. Đó là về cơ sở vật chất, BV có thể tiếp nhận bệnh nhân, song nhân lực và trang thiết bị của BV còn thiếu nhiều. GS Tuấn đề nghị Tiểu ban Điều trị bổ sung nhân lực hồi sức tích cực cho BV Đa khoa TƯ Quảng Nam từ các BV trong TP Hồ Chí Minh.

Báo cáo về tình hình đón bệnh nhân từ Giunea Xích đạo, BSCKII Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TƯ cho biết, hiện có 125 bệnh nhân dương tính, trong đó có 6 bệnh nhân có tổn thương phổi, 3/6 bệnh nhân này đồng nhiễm sốt rét và ký sinh trùng cần theo dõi sát sao.

Tại buổi hội chẩn, các bệnh viện đã đề xuất về nhu cầu máy thở, ECMO, máy lọc thận, quả lọc, thuốc, vật tư tiêu hao… để điều trị và dự phòng cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 còn diễn biến phức tạp. Các BV ở Đà Nẵng và Quảng Nam đề xuất Bộ trang bị thêm 20 máy xét nghiệm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Tiểu ban Điều trị - Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 đã đề nghị BV Chợ Rẫy và BV Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh cử thêm bác sĩ hồi sức (từ chuyên khoa trở lên) đến hỗ trợ BV Đa khoa TƯ Quảng Nam. Ông cũng đề nghị Viện Pasteur Nha Trang hỗ trợ, đào tạo và kiểm định cho các BV tại Quảng Nam về công tác xét nghiệm.

“Chia lửa” ở nơi tâm dịch

Kể từ khi Đà Nẵng xuất hiện ca dương tính trong cộng đồng, Bộ Y tế liên tục cử các đội tinh nhuệ về điều trị, xét nghiệm, điều tra dịch tễ, truy vết để “chia lửa” cho Đà Nẵng và hỗ trợ Quảng Nam. Ngoài 3 đội tinh nhuệ đã được cử vào Đà Nẵng, ngày 30-7, Bộ Y tế đã điều thêm các đội tinh nhuệ về điều trị, xét nghiệm, truy vết của các bệnh viện tuyến TƯ, các viện đầu ngành, Trường ĐH Y dược đến Đà Nẵng.

Ngoài ra, Bộ Y tế còn cử đội công tác là các chuyên gia về thận nhân tạo, xét nghiệm, hồi sức, truyền nhiễm của BV Bạch Mai vào hỗ trợ Đà Nẵng và thiết lập một phòng xét nghiệm tại BV Phổi Đà Nẵng. Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh hỗ trợ CDC Đà Nẵng thiết lập phòng xét nghiệm tại BV 199 Bộ Công an.

Bệnh viện 199 tiếp nhận nhiều bệnh nhân chạy thận nhân tạo từ Bệnh viện C.

Theo nhận định của các chuyên gia, xác định ổ dịch không chỉ trong bệnh viện mà có thể bao gồm khu vực lân cận bên ngoài, do đó theo Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là ưu tiên tối đa cho việc dập dịch tại ổ dịch Đà Nẵng. Theo ông Long, dập ổ dịch ở Đà Nẵng hết sức quan trọng, quyết định thành công vấn đề kiểm soát lây nhiễm cộng đồng. Vì vậy, Đà Nẵng cần phải chạy đua với thời gian và triển khai nhanh nhất các biện pháp.

Theo Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, Đà Nẵng có khả năng xét nghiệm đạt trên 1.000 mẫu, có thể tối đa 2.000 mẫu/ngày. Dưới sự hỗ trợ của Viện Vệ sinh Dịch tễ TƯ, Đà Nẵng có thể đạt mục tiêu xét nghiệm từ 5.000-7.000 mẫu/ngày.

Dẫn đầu Tổ điều trị của Bộ Y tế vào “chia lửa” với Đà Nẵng, Ths Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, trong mấy ngày vừa qua, Bộ Y tế phối hợp với BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy… đào tạo cho Trung tâm Y tế Hòa Vang về công tác tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19. Hiện Trung tâm có thể tiếp nhận 180 bệnh nhân và đang thiết lập trung tâm Thận nhân tạo.

Kể từ khi có ca dịch tại cộng đồng, để cùng chia sẻ và đưa ra các chỉ đạo điều trị kịp thời, phù hợp với tình hình sức khỏe của bệnh nhân, đến nay tại Tiểu ban Điều tra đã diễn ra liên tiếp 5 cuộc Hội chẩn quốc gia.

Tại cuộc hội chẩn lần này, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện báo cáo về Sở Y tế và khẩn trương đánh giá nhu cầu và gửi văn bản đề nghị hỗ trợ về trang thiết bị, máy móc, thuốc, vật tư tiêu hao, khẩu trang… về Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo Quốc gia để đáp ứng và huy động từ mọi nguồn lực.

Tất cả các cán bộ y tế của các BV thuộc Sở Y tế Đà Nẵng phải được đào tạo tập huấn để sẵn sàng hỗ trợ và chi viện cho các BV tại địa phương và các tỉnh lân cận. Việc phân luồng cách ly và phòng ngừa phải được thực hiện rất sớm, khi có yếu tố dịch tễ nghi ngờ, biểu hiện lâm sàng rõ phải thực hiện ngay xét nghiệm.

Bệnh viện 199 chia sẻ áp lực với y tế Đà Nẵng

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn có bệnh nhân (BN) nhiễm COVID-19 đã phải phong tỏa. Các cơ sở y tế còn lại đang chịu áp lực rất lớn về công tác phòng chống dịch, cũng như công tác thăm khám, điều trị cho BN. Trong tình thế đó, Bệnh viện 199- Bộ Công an, đóng trên địa bàn quận Sơn Trà TP Đà Nẵng, đã đảm đương vai trò của một bệnh viện tuyến cuối, nâng cao khả năng, điều trị để chia sẻ áp lực cho ngành Y tế Đà Nẵng.

Bắt đầu từ 0h ngày 28-7, Bệnh viện C, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Chấn thương và Chỉnh hình bị phong tỏa để phòng, chống COVID-19. Ngày 30-7. Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng tiếp tục nằm trong diện buộc phong tỏa. Các bệnh viện trên đều là những bệnh viện lớn tại Đà Nẵng, trong đó Bệnh viện Đà Nẵng là bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn TP. Khi thực hiện phong tỏa, lượng BN nặng ở các tuyến cơ sở, bệnh viện quận huyện không thể chuyển về Bệnh viện Đà Nẵng được nữa.

“Bệnh viện Đà Nẵng trong tình trạng quá tải tại chỗ vì lượng BN và người nhà bên trong rất đông. Vì vậy, UBND TP Đà Nẵng đã chỉ đạo Bệnh viện 199 tham gia vào hệ thống các bệnh viện tuyến cuối để hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến cơ sở khi có BN nặng vượt quá khả năng điều trị của các bệnh viện này chuyển lên. Nhiều BN điều trị ngoại trú có BHYT đã đăng ký khám ban đầu tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C, Bệnh viện Chỉnh hình cũng đã chuyển sang thăm khám, nhận thuốc tại Bệnh viện 199”, bác sĩ Trương Xuân Hùng cho biết.

Bệnh viện 199 có 400 giường, trước đây số BN điều trị nội trú chiếm khoảng 70-80% công suất. Những ngày gần đây, Bệnh viện đã sắp xếp lên 470 giường nhưng đã hết chỗ. Số lượng BN nội trú tiếp nhận từ Bệnh viện Đà Nẵng và các bệnh viện tuyến dưới tính đến sáng 30-7 là hơn 300 ca, trong đó có một số BN đã ổn định và ra viện. Lãnh đạo Bệnh viện 199 đang chỉ đạo mua thêm 50 giường nữa để nâng cao khả năng thu dung, điều trị bệnh trong vài ngày tới.

Bệnh viện 199 cũng tiếp nhận 33 trường hợp chạy thận nhân tạo của Bệnh viện C để giảm áp lực cho bệnh viện này. Hiện các máy lọc thận tại bệnh viện đều chạy hết công suất 24/24 với 3 ca liên tục/máy. Bệnh viện cũng đã báo cáo Bộ Công an xin tăng cường nhân lực từ Bệnh viện 198, Bệnh viện 30-4 để hỗ trợ đơn vị trong giai đoạn phòng chống dịch, bởi lượng BN đến rất lớn và nhiều bệnh phức tạp, ở các tuyến chuyển về.

Với số lượng BN đến khám, điều trị nội trú và ngoại trú đều tăng mạnh, Bệnh viện 199 kêu gọi các tình nguyện viên đăng ký tham gia hỗ trợ các hoạt động của bệnh viện. Hiện đã có 3 bác sĩ và gần 20 điều dưỡng, thanh niên đăng ký. Từ ngày 29-7, đã có một số người đến tham gia các hoạt động của bệnh viện.

“Chúng tôi sẽ bố trí cho các tình nguyện viên làm các công việc phù hợp như hậu cần, tham gia vào quá trình chăm sóc. Còn việc điều trị trực tiếp cho BN thì bác sĩ, nhân viên của bệnh viện phải đảm nhận chính. Lãnh đạo bệnh viện cũng phân bố nguồn nhân lực phù hợp, điều chuyển nhân lực ở những khoa có ít BN để hỗ trợ, bổ sung cho các khoa có số lượng BN tăng đột biến”, bác sĩ Võ Thị Hồng Hướng, Trưởng khoa Phục hồi chức năng-Bệnh nghề nghiệp, phụ trách thuyền thông Bệnh viện 199 chia sẻ.

Về trang thiết bị về phòng hộ, phòng chống dịch, vật tư y tế tiêu hao, Bệnh viện 199 đã chuẩn bị sẵn sàng và khá đầy đủ. Tuy nhiên nếu dịch bệnh kéo dài, cần phải bổ sung thì mới đáp ứng được. Ngoài nguồn hỗ trợ của Bộ Công an, Cục Y tế, Bệnh viện 199 cũng chủ động mua sắm theo chương trình đấu thầu vật tư thiết bị năm 2020.

Về thuốc men, Bệnh viện đã dự phòng các phương án và báo cáo, đề nghị Sở Y tế TP Đà Nẵng điều chuyển một phần thuốc men từ các bệnh viện đang bị phong tỏa để bổ sung nguồn thuốc phục vụ điều trị cho BN. Bác sĩ Nguyễn Xuân Hùng cho biết thêm, hiện có rất nhiều BN được chuyển về từ Bệnh viện Đà Nẵng nhưng người nuôi bệnh đã được đưa đi cách ly tập trung.

Vì vậy, việc chăm sóc các BN này phải nhờ vào nhân viên y tế. Bệnh viện 199 cũng nỗ lực khắc phục khó khăn, đảm bảo vấn đề hậu cần, phục vụ cho BN và người nuôi bệnh. Bệnh viện cũng yêu cầu bệnh nhân và người nhà thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, hạn chế tối đa việc đi lại, tiếp xúc giữa BN với bên ngoài, giữa BN với BN, tiếp xúc giữa phòng này với phòng kia để phòng ngừa dịch lây lan. Hiện khoa dinh dưỡng và bếp ăn của Bệnh viện đảm bảo cung cấp đầy đủ suất ăn cho BN 3 bữa một ngày. Đối với người nhà BN cũng sẽ được phục vụ khi đăng ký.

Để tăng cường phòng dịch, đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế Bệnh viện được chia thành 2 nhóm. Nhóm có yếu tố nguy cơ cao, thường xuyên tiếp xúc với BN cách ly thì ăn ở, cách ly ngay tại bệnh viện, chia ca để phục vụ người bệnh. Nhóm 2 có nguy cơ thấp, điều trị những BN thông thường thì không cần cách ly. Theo quy trình, Bệnh viện 199 thực hiện sàng lọc nguồn BN đầu vào. Các trường hợp tiếp xúc F2 chuyển tuyến về Bệnh viện 199 đều được xét nghiệm COVID để sàng lọc. Hiện nay, bệnh viện lấy mẫu gửi Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng làm xét nghiệm.

Dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, số ca lây nhiều trong cộng đồng tăng nhanh trong mấy ngày qua. Để đáp ứng nhu cầu phòng dịch, ngày 29-7, Sở Y tế và CDC Đà Nẵng đã giao cho Bệnh viện 199 và một số bệnh viện khác triển khai xét nghiệm Elisa để sàng lọc nhanh tại chỗ. Xét nghiệm này sử dụng sản phẩm test của Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương, mỗi bộ sinh phẩm có thể xét nghiệm 96 mẫu bệnh phẩm và cho kết quả sau từ 3-4 giờ.

Riêng Bệnh viện 199 chịu trách nhiệm sàng lọc các BN trên địa bàn quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và người nước ngoài đang lưu trú tại Đà Nẵng; báo cáo kết quả hàng ngày. Bệnh viện đã cử 3 đội tập huấn công tác lấy mẫu và xét nghiệm tại CDC Đà Nẵng, dự kiến từ ngày 1-8 sẽ bắt đầu triển khai xét nghiệm tại Bệnh viện 199 để tăng cao hiệu quả sàng lọc từ ban đầu…

Trần Hằng - Thân Lai
.
.
.