Bộ GD&ĐT giải trình cơ sở xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục

Thứ Hai, 23/02/2009, 11:15
Ngay sau khi công bố dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục (CLPTGD), Bộ GD&ĐT đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, nhà giáo và dư luận xã hội, trong đó nhiều ý kiến cho rằng, CL còn thiếu cơ sở khoa học, chưa thuyết phục, số liệu đưa ra cảm tính. Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã "giải trình" cơ sở xây dựng bản chiến lược này.

Theo Bộ GD & ĐT, Dự thảo CLPTGD được khởi động từ sau khi Bộ GD & ĐT tiến hành tổng kết, đánh giá thực hiện giai đoạn I của Chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010 (tháng 7 năm 2007).

Để có cơ sở khoa học xây dựng Chiến lược, Bộ trưởng đã ký quyết định thành lập 27 nhóm nghiên cứu gồm các nhà khoa học và chuyên gia giáo dục trong và ngoài ngành theo 27 chuyên đề tập trung, đồng thời Ban soạn thảo CLPTGD tọa đàm, xin ý kiến đóng góp của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, của cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt và một số nhà khoa học ở TP HCM…Sau đó, Bộ GD & ĐT đã tổ chức nhiều hội thảo xin ý kiến rộng rãi các chuyên gia giáo dục, các Hội, trường ĐH, CĐ, các Sở GD & ĐT.

Bộ GD & ĐT cho biết, CLPTGD có một số điểm mới, đó là đánh giá thực trạng giáo dục Việt Nam một cách khách quan toàn diện với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, không tô đậm thành tích, nhưng cũng không phủ nhận những thành tựu to lớn của giáo dục trong những năm gần đây, đồng thời cũng chỉ ra những yếu kém, thiếu sót cơ bản của giáo dục làm cho toàn xã hội lo lắng.

Quan điểm phát triển giáo dục có những điểm mới so với trước đây, nhấn mạnh đến đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện; xem cạnh tranh lành mạnh trong giáo dục là một trong những động lực của sự phát triển giáo dục; nhấn mạnh tính hiệu quả trong giáo dục: đảm bảo chất lượng giáo dục tốt nhất trong điều kiện nguồn lực còn hạn hẹp. Mục tiêu của CL cũng có một số điểm mới.

Trước câu hỏi, vì sao Bộ lại chọn quản lý giáo dục và phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là những giải pháp mang tính đột phá? Bộ cho biết, lý luận và thực tiễn cho thấy quyết định sự vận hành của một hệ thống có đi đến mục tiêu đã định hay không là do quản lý hệ thống.

Giáo dục Việt Nam trong những năm qua còn nhiều hạn chế, thiếu sót, trong đó có sự yếu kém về quản lý và từ sự yếu kém này dẫn đến nhiều yếu kém khác của hệ thống giáo dục. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục quyết định việc hiện thực hoá mọi chủ trương đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước, quyết định sự phát triển quy mô cũng như chất lượng của giáo dục. Có đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tốt thì mới phát huy tác dụng tích cực của các điều kiện khác đảm bảo chất lượng giáo dục.

Chiến lược cũng đề cập đến các giải pháp hỗ trợ những đối tượng học sinh được ưu tiên, thông qua việc thực hiện các cơ chế học bổng học phí, tín dụng cho học sinh, sinh viên dân tộc, miền núi, vùng có khó khăn và các học sinh, sinh viên thuộc diện chính sách xã hội với phương châm không để học sinh nào nghèo mà không được học…

Thu Phương
.
.
.