Bình Định: Tan hoang rừng giáp ranh
Ông Nguyễn Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: Từ khi giá gỗ trắc trên thị trường "trượt giá" từ 120 triệu đồng/khối xuống còn 20 triệu đồng/khối, lâm tặc đã chuyển hướng sang khai thác gỗ hương. Vì vậy, rừng trên địa bàn Vĩnh Thạnh vẫn tiếp tục bị đốn hạ. Khá đông lâm tặc ở các tỉnh miền Bắc đã vào câu kết với một số người dân địa phương đóng đại bản doanh trong rừng sâu lén lút khai thác trái phép. Khu vực nóng bỏng nhất hiện nay là vùng Suối Xem - Định Nhì giáp ranh với huyện K'Bang và vùng Hang Hũ - Tà Điệt giáp ranh với thị xã An Khê (Gia Lai). Trong 9 tháng đầu năm, trên địa bàn Vĩnh Thạnh đã xảy ra hơn 200 vụ vi phạm lâm luật, ngành chức năng đã xử lý 173 vụ, tịch thu gần 50 khối gỗ từ nhóm 2A đến nhóm 6.
Ông Đoàn Siêng, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh, cho hay: "Phương thức hoạt động của lâm tặc bây giờ khá tinh vi và chuyên nghiệp, chúng cho người đi tiền trạm, khoanh vùng có nhiều gỗ hương rồi tung lực lượng "tổng tập kích" hàng 40-50 người cùng với 4-5 chiếc cưa máy làm ào ạt trong thời gian ngắn. Đối tượng của chúng là những cây gỗ hương có đường kính 70-80cm trở lên, có nhiều lõi, gỗ đẹp đang được thị trường ưa chuộng và có giá cao đến hơn 40 triệu đồng/khối. Với địa bàn có gần 30.000ha rừng tự nhiên, địa hình lại rất hiểm trở có nhiều vùng giáp ranh, trong khi lực lượng của ngành chức năng và các chủ rừng quá mỏng nên việc quản lý bảo vệ rừng luôn là thách thức lớn.
Mặc dù thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra nhưng các lực lượng bảo vệ rừng vẫn luôn bị "hụt hơi" so với lâm tặc. Thậm chí những cánh rừng đã được giao khoán cho hộ dân quản lý, bảo vệ cũng không được bình yên. Ông Đoàn Siêng kể: "Năm 2008, chúng tôi giao 1.000ha rừng nguyên sinh ở khu vực phía Đông sông Kôn cho dân 2 làng Hà Ri và Thanh Quang khoanh nuôi bảo vệ. Vậy mà hơn 30 khối gỗ hương vẫn bị khai thác trái phép.
Để ngăn chặn tình trạng khai thác gỗ lậu trên địa bàn, trong nhiều tháng qua, chính quyền huyện Vĩnh Thạnh phối hợp với kiểm lâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các địa phương: Vĩnh Sơn, Vĩnh Kim, Vĩnh Quang, Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiệp…
Ông Nguyễn Văn Ninh đưa ra giải pháp: Song song với việc xây dựng và ký kết quy chế phối hợp bảo vệ rừng giữa 3 đơn vị: Hạt Kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ và Công ty Lâm nghiệp Sông Kôn, thì chính quyền cũng sẽ hỗ trợ kinh tế đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn, tiến tới giao rừng cho các hộ dân canh giữ, có như vậy họ mới không là hậu thuẫn cho bọn phá rừng