Nhân ngày Quốc tế người cao tuổi (1-10):

Bí quyết trường thọ của cụ bà 102 tuổi

Thứ Ba, 01/10/2013, 10:32
Trong sinh hoạt, cụ ăn uống hài hòa, hợp lý, không ăn nhiều thịt, không ăn thức ăn đường phố, tự nấu nướng, ăn chín uống sôi, không ăn mặn, không ăn quá no hoặc để quá đói, ăn nhiều hải sản. Quan niệm hạnh phúc của cụ là yếu tố tăng cường tuổi thọ, như ổn định tâm lý, không bị ảnh hưởng quá nhiều hay bị sốc bởi những vấn đề xung quanh.

Thật bất ngờ khi tôi gặp cụ bà Nguyễn Thị Viễn tại Trung tâm dưỡng lão Tuyết Thái (Đại Mạch, Đông Anh, Hà Nội), cụ đã 102 tuổi, sống trường thọ mà vẫn giữ được sức khỏe tốt, không mắc những căn bệnh mà người cao tuổi mắc phải. Bí quyết gì khiến cho một cụ bà 102 tuổi vẫn giữ được sức khỏe tốt mà nhiều người vẫn ao ước?

Cụ Viễn kể lại: cụ sinh ra trong gia đình thương nghiệp giàu có ở Hải Phòng, bố mẹ cụ làm nghề buôn bán gỗ, với những xưởng gỗ lớn ở Hòn Gai, Cẩm Phả… Cơ sở sản xuất lúc nào cũng đông công nhân, nhưng bố đẻ cụ Viễn tính tình thoải mái, vui vẻ và đối xử rất tốt với mọi người, thường giúp đỡ những người hoàn cảnh khó khăn. Hai cụ thân sinh cũng là người rất yêu thương con cái và yêu thương nhau hết mực, hầu như trong nhà chưa bao giờ to tiếng, cãi nhau lấy một lời. Là con nhà khá giả, nên từ 5 tuổi, cụ Viễn đã được đi học ở trường dành cho con gái nhà giàu do Pháp mở. Bố mẹ cụ luôn dạy con cái từ những việc rất nhỏ của cuộc sống, từ những ứng xử phép tắc, lễ nghi, đi đứng, ăn nói… Chính vì vậy, những chế độ ăn mà nhiều người thích như nội tạng, thịt trâu, tiết canh, lòng lợn… cụ Viễn đều không dùng đến. 

Không ai ngờ, cuộc đời của một tiểu thư tưởng vĩnh viễn sống trong nhàn hạ, sung túc lại có chuyện tình duyên khá trắc trở. Do chiến tranh, gia đình cô Viễn phải chạy loạn, đồ đạc mang theo chỉ được mấy bộ quần áo. Hết nơi này đến nơi khác, vùng này đến vùng khác, đến khi trở về Hải Phòng thì tuổi xuân của người con gái đã vụt qua mau. Mãi đến năm 45 tuổi, tình yêu mới bắt đầu nảy nở với cô Viễn.

Bác sỹ Trung tâm dưỡng lão Tuyết Thái tư vấn sức khỏe cho cụ Viễn.

Sau năm 1946, trở về Hải Phòng, nhà cửa đã không còn, cô Viễn thuê một căn phòng nhỏ để ở, rồi tận dụng vốn khéo tay và kiến thức may vá học được từ trường trung học để mở một cửa hàng may thêu. Một người bạn cũng góp vốn làm thêm, mở lớp dạy may thêu cho các cô gái trong vùng. Lúc đó, thấy cô Viễn vẫn cô độc một mình, mà tính cách hòa nhã, hiền lành, người bạn đã giới thiệu cho cô Viễn một người nghệ sỹ trong đoàn cải lương chuyển từ Sài Gòn ra Hà Nội làm việc hơn bà đến 10 tuổi. Để gặp nhau, họ phải vượt qua hơn 200 cây số. Ông giới thiệu là Phan Văn Hai, hiệu Ba Du (sau này được phong NSND cải lương), đã từng có vợ và hai con ở Sài Gòn nhưng đã ly hôn. Ông là cán bộ tập kết ra Bắc, là lãnh đạo nghệ thuật ở Đoàn Cải lương Nam Bộ. Tình yêu cứ lớn dần lên cùng tình thương, hai người về sống chung với nhau. Đám cưới của hai người đã qua tuổi tứ tuần tổ chức đơn giản nhưng vẫn ấm áp hạnh phúc.

Cưới xong, bà vẫn sống ở Hải Phòng, còn ông công tác ở Hà Nội. Nhưng khoảng cách không gian không làm nhạt nhòa tình nghĩa yêu thương. Mỗi tuần, ông đều về thăm bà một lần. Thế rồi, để tiện gần gũi chăm sóc chồng, bà Viễn đã chuyển lên Hà Nội sinh sống bằng nghề may ở phố Ngô Văn Sở rồi qua phố Thợ Nhuộm. Cụ Viễn hồi tưởng lại: Cụ ông trước đã có vợ và 2 con gái ở Sài Gòn. Sau khi miền Nam giải phóng, tôi vào thăm, bà vợ cả và 2 con đều thương tôi lắm. Tôi tuy không sinh con, nhưng 11 đứa cháu ngoại của bà cả rất thương, bây giờ vẫn cứ bảo tôi vào ở để nuôi tôi. Nhưng tôi bảo các cháu đưa vào viện dưỡng lão để được chăm sóc chứ không muốn phụ thuộc vào con cháu. Không ngờ, các cô chú phục vụ ở Trung tâm này chu đáo quá, quang cảnh xung quanh lại rất đẹp, thoáng mát, yên tĩnh. Phòng ở sạch sẽ, phòng nào cũng có tivi. Trung tâm lại có vườn trồng rau sach, có ao nuôi cá, có nơi chăn nuôi gà, lợn… làm thức ăn cho các cụ nên rất sạch và an toàn thực phẩm. Đây là nơi mà tôi sẽ ở đến cuối đời…

Trung tâm dưỡng lão Tuyết Thái hiện  có khoảng 20 cụ đang được chăm sóc tại đây. Người ít tuổi nhất 60 tuổi, cụ Viễn nhiều tuổi nhất. Sau giờ ăn trưa, mọi người được đưa về phòng nghỉ ngơi. Ai cũng cười vui vẻ về cách chăm sóc cẩn thận và chu đáo của các điều dưỡng viên và bác sỹ ở Trung tâm.

Bác sỹ Nguyễn Văn Phùng, Giám đốc chuyên môn của Trung tâm cho biết: Người già vào Trung tâm có nhiều hoàn cảnh, người thì đơn thân, người thì bị bệnh tật cần được chăm sóc y tế hằng ngày. Có cụ bị tai biến, liệt, có cụ sống thực vật, nhân viên phải chăm sóc y tế và phải cho ăn xông. Riêng đối với cụ Viễn, ông Phùng thực sự ngạc nhiên vì lần đầu tiên trong đời, ông được khám cho một người trên 100 tuổi nhưng sức khỏe vẫn ổn định. Quá trình đo huyết áp, điện tim, xét nghiệm sinh hóa đều ở chỉ số bình thường. Thậm chí, ông làm điện giải canxi, magie của cụ đều hết sức bình thường. Quá trình lão hóa các cơ quan trong cơ thể bà cụ hầu như rất chậm. Chính vì vậy, dù đã trên 100 tuổi, bà cụ vẫn khỏe mạnh, phong độ, trí nhớ tốt, không mắc bệnh tiểu đường hay các căn bệnh của tuổi già.

Tìm hiểu về cụ Viễn, bác sỹ Phùng cho biết: Anh em ruột của cụ rất yêu thương nhau. Bố mẹ cũng là người sống thọ. Cụ được học hành tử tế, sống cởi mở, dễ tính và cân bằng, không quá nóng tính cũng như không quá mềm yếu, sống hài hòa, nghĩa tình, những xung đột của cuộc sống được cụ giải quyết có nghĩa tình và không ai oán, hận thù. Trong sinh hoạt, ăn uống hài hòa, hợp lý, không ăn nhiều thịt, không ăn thức ăn đường phố, tự nấu nướng, ăn chín uống sôi, không ăn mặn, không ăn quá no hoặc để quá đói, ăn nhiều hải sản. Quan niệm hạnh phúc của cụ cũng là yếu tố tăng cường tuổi thọ, như ổn định tâm lý, không bị ảnh hưởng quá nhiều hay bị sốc bởi những vấn đề xung quanh. Chính vì những yếu tố đó, cụ tự rèn luyện chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sống đạt thọ, ít bệnh tật, quá trình lão hóa chậm…

Thảo Anh
.
.
.