Bi kịch cuộc đời những cô gái bị lừa bán qua biên giới

Thứ Năm, 02/04/2015, 08:20
Mỗi nạn nhân bị lừa bán trở về từ Trung Quốc đều mang một nỗi thống khổ: Người thường xuyên bị bạo hành; người mất đi khả năng làm mẹ; người bị suy kiệt thể xác, mắc bệnh xã hội; sinh con tật nguyền; không có nhà để sống… Một số chị em còn bị sang chấn tâm lý nặng nề.

Chị T, một nạn nhân chia sẻ: “Từ ngày trở về, em ghê sợ tất cả đàn ông. Đôi khi đầu óc mụ mẫm đi. Hận chủ chứa nên nhìn ai em cũng thấy bóng dáng bà ta. Có lần em bóp cổ cô bạn cùng phòng vì tưởng là bà ấy. Đến khi bị tát vào mặt, em mới tỉnh lại”. Theo ghi nhận của chúng tôi, hầu hết nạn nhân từng bị mua bán đều nghèo và không có công việc ổn định. Thế nên, họ thường sống khép mình, nỗi mặc cảm luôn đè nặng tâm trí…

Trở về quê hương là giấc mơ có thật của các nạn nhân từng bị xem như một món hàng. Tuy nhiên, giấc mơ ấy thực sự không tròn trịa. Hồi hương, họ đối diện với gia cảnh nghèo khó, bệnh tật. Vấn đề đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có sự chung tay giúp đỡ các nạn nhân có công ăn việc làm ổn định, vươn lên hòa nhập cộng đồng…

Bế đứa con mắc chứng chậm phát triển trên tay, chị Hoa (trú tại huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) tình nguyện dẫn chúng tôi ghé thăm nhà các nạn nhân từng bị mua bán người. Khi sắp đến chỗ chị M. tạm trú, chị Hoa khẽ nhắc bác tài xế dừng xe từ phía xa. Các thành viên trong đoàn cất tất cả máy móc tác nghiệp và vào nhà chị M. từ từ, lần lượt. 

Chị Hoa bảo: “Hàng xóm không hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh chị M. Họ đánh đồng rằng, vì thích ăn trắng, mặc trơn nên chị ấy và em gái mới sang Trung Quốc làm nghề “bán trôn nuôi miệng”. Giờ, chị M. sống như một chiếc bóng. Đến việc nhìn mặt mọi người hay trò chuyện, chị ấy cũng phải e dè, ngượng ngùng”. Lời cảnh báo của chị Hoa không thừa, trên con đường vào nhà chị M., đón chúng tôi là những cái nhìn xét nét, tiếng xì xầm không lấy gì làm thân thiện…

Gặp chị M. trong ngôi nhà lụp xụp, trống huơ, trống hoác, người phụ nữ ngoài 40 tuổi âu sầu kể: “Hôm trở về quê, mình mới biết chuyện nhà bị xẻ bán một nửa rồi. Giờ đây, sau mấy năm không được tu sửa, ngôi nhà đã xuống cấp trông thấy, e chẳng trụ nổi một trận bão nào nữa”. 

Tấn bi kịch mang tên chị M. không dừng lại ở gia cảnh nghèo khó. Cách đây không lâu, sau thời gian dài vừa chịu nỗi đau lạc mất con, vừa bị dị nghị nên mẹ chị M. lâm trọng bệnh rồi qua đời. Cậu em út đang ngồi trên ghế giảng đường cũng dang dở nghiệp đèn sách do mải gác việc học để đi tìm chị. Từ thương yêu, anh quay sang trách cứ hai người chị ruột thịt của mình. 

Đáng buồn hơn, hầu hết những người xung quanh đều ghẻ lạnh, xem chị M. giống như “mầm bệnh”. Chị nghẹn ngào chia sẻ: “Mình mở quán bán bún, nước mía, tạp hóa… nhưng nhiều người nhỏ to bảo nhau đừng tới mua. Đi làm thuê cũng không ai mướn. Có đợt mình đạp xe vào tận Hải Lăng để xin việc. Làm được vài hôm, ông bà chủ đuổi khéo vì lời dị nghị lan đến tận tai. Anh em trong xưởng bảo nếu giữ mình lại làm thì họ nghỉ việc hết”. 

Áp lực trước dư luận và quá khứ của chị M., ngay cả ý trung nhân cũng rời bỏ người con gái một thời đẹp có tiếng này để đi tìm hạnh phúc mới… 

Bi đát không kém số phận chị M., chị T. (trú tại thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) đang một tay chăm sóc bố, mẹ bị bệnh thận và ba đứa con dại. Trở về từ “động quỷ” ở bên kia biên giới phía Bắc, chị L. mang trong mình một hài nhi, không rõ của ai. Sau khi đứa bé lớn lên, chị gặp một người đàn ông và quyết định tiến tới hôn nhân. Thế nhưng, đến khi chị mang bầu tháng thứ 4, người này lại bội bạc bỏ đi. Chị sinh hai cháu gái mà không có một lời hỏi thăm từ chồng. 

Vừa bươn bả kiếm sống, chị T vừa phải chăm bố mẹ bị bệnh thận và ba con dại.

Giờ đây, ngày ngày, chị T. phải lặn lội khắp các nẻo đường để làm nghề cắt chìa khóa, ép dẻo. Số tiền kiếm được không đủ để lo cho 6 miệng ăn. Thế nên, cả gia đình chị sống lay lắt đói khổ. Một bữa ăn đủ chất dinh dưỡng là điều ước đối với mẹ con chị… 

Qua tìm hiểu được biết, thời gian qua, Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng, Công an và các cấp Hội phụ nữ tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về theo hướng: Phân loại đối tượng; sắp xếp chỗ tạm trú; tư vấn, động viên, đồng thời liên hệ với chính quyền địa phương để giúp đỡ nạn nhân; hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn đi đường để các chị trở về quê theo nguyện vọng… 

Trong số các nạn nhân bị bán qua Trung Quốc trở về Việt Nam, Sở LĐTB&XH tỉnh đã phối hợp hỗ trợ vốn làm ăn cho 6 chị em có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình chấm dứt mua bán người tài trợ kinh phí hỗ trợ sinh kế cho 4 nạn nhân trú tại huyện Hải Lăng và thị xã Quảng Trị. Hằng năm, Công an tỉnh đều phối hợp với chính quyền các địa phương đến từng gia đình thăm hỏi, động viên, xác minh thông tin về các trường hợp này. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các nạn nhân từng bị mua bán luôn phải đối diện với khó khăn. Họ đều có chung nguyện vọng, mong muốn được hỗ trợ vốn làm ăn; giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng; tạo điều kiện để được đào tạo việc làm, học tập; cấp thẻ khám chữa bệnh... 

Chị H. chia sẻ: “Chúng em đều hiểu, mình phải cố gắng để xây dựng lại cuộc đời và sự thật là ai cũng đã nỗ lực hết sức. Thế nhưng, giờ bọn em đang tụt lại phía sau, rất xa so với điểm xuất phát. Vì vậy, ai cũng cần sự hỗ trợ. Ngay như em đây, không có việc làm ổn định, đang ăn nhờ, ở đậu và con bị chậm phát triển; không lấy gì làm điểm tựa để gượng dậy, ổn định cuộc sống”.

Dương Kim Huệ
.
.
.