Bi hài chuyện nhà gái thách cưới

Thứ Ba, 11/10/2011, 22:26
Không ít đám cưới không thể tổ chức được chỉ vì nhà trai không đáp ứng nổi số tiền bạc, lễ vật thách cưới quá cao mà nhà gái đưa ra. Còn như có nhà gái thách cưới cao quá, phía nhà trai cố gắng lo liệu bằng cách vay nợ để đáp ứng thì khi con gái về nhà chồng, nhà chồng đã chia nợ cưới cho và đôi trẻ phải nai lưng ra làm để trả nợ....

Mặc dù cách trung tâm thành phố văn minh không bao xa (chỉ là vài chục phút chạy xe ôtô), vậy mà miền quê của tôi, xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà Nội vẫn còn giữ rất nhiều hủ tục về thách cưới.

Thường là, phía nhà gái không chỉ thách cưới một chút xíu gọi là lễ vật tượng trưng, mà thách cưới rất cao, rất "nặng đô" khiến cho phía nhà trai phải è cổ lo liệu. Khi nhà gái đã thách cưới, liệt kê ra các khoản trên giấy tờ sổ sách là nhà trai phải mang đủ chứ ít khi có "thương lượng", giảm bớt khoản này, khoản nọ.

Chỉ riêng một cái lễ thách cưới ở quê tôi mà phía nhà trai phải lo liệu, ngoài tiền mặt khoảng trên dưới 30 triệu đồng còn kèm theo các khoản lễ vật khác như: Trầu cau, thuốc lá, trà, kẹo bánh, thịt lợn, gạo, măng, miến… để nấu cỗ thết đãi gia đình nhà gái. Tính sơ sơ, cộng tiền mặt và số tiền để mua lễ vật, nhà trai "mất đứt" hơn 50 triệu đồng là chuyện bình thường.

Có nhà gái, do họ hàng đông, người ta thách cao, tổng lễ vật lên đến gần trăm triệu đồng, và nếu gặp phải kiểu thách cưới cao như vậy thì nhà trai phải khá giả mới kham nổi, chứ mấy nhà quanh năm chạy ăn từng bữa thì chỉ có đường là… rút lui. Ngoài ra, trong lễ ăn hỏi, phía nhà trai thường phải bỏ ra một khoản tiền không phải là ít để lo hàng chục mâm lễ hoa quả, bánh cốm, bánh kẹo, trà, thuốc…

Chính vì hủ tục thách cưới cao như vậy nên thanh niên làng, xã tôi đến tuổi cập kê thường đi sang mấy xã xa xa để chọn vợ, vì ở đó họ thách cưới nhẹ nhàng, chỉ khoảng hơn chục triệu là cùng. Gái làng thì một số cũng đi lấy chồng thiên hạ.

Hủ tục thách cưới nặng phần tiền bạc, vật chất còn là nguyên nhân chia rẽ hạnh phúc các đôi trẻ. Tôi từng chứng kiến không ít đám cưới không thể tổ chức được chỉ vì nhà trai không đáp ứng nổi số tiền bạc, lễ vật thách cưới quá cao mà nhà gái đưa ra. Còn như có nhà gái thách cưới cao quá, phía nhà trai cố gắng lo liệu bằng cách vay nợ để đáp ứng thì khi con gái về nhà chồng, nhà chồng đã chia nợ cưới cho và đôi trẻ phải nai lưng ra làm để trả nợ.

Có một gia đình ngay sát xóm bên nhà tôi mới thật buồn, khi mà tình cảm mẹ chồng nàng dâu vốn cơm không lành, canh chẳng ngọt lại càng bùng phát dữ dội chỉ vì nguyên nhân thách cưới cao. Nhà cô gái nghe đâu thách cưới tổng cộng những 60 triệu đồng cùng nhiều thứ lặt vặt khác.

Lo toan cho con trai xong, bà mẹ chồng cay cú suốt ngày "hành" nàng dâu. Nàng dâu mặc dù làm lụng chăm chỉ, đối xử trên, dưới đúng mực, nhưng vẫn ăn chửi như cơm bữa. Nghe những câu chửi bới nhiếc móc như vậy nàng dâu chỉ có âm thầm mà khóc chứ "bật" lại thì chỉ có nước là… về với bố mẹ đẻ.

Tôi đi nhiều nơi, thấy hình thức "thách cưới" theo nếp sống mới, giản đơn, tiết kiệm, đã và đang đi vào đời sống, nhưng mỗi lần về quê biết được những đám thách cưới rình rang, linh đình tốn kém, "nặng đô", tôi thấy buồn quá, chỉ mong những hủ tục đó sớm được chấm dứt

Nguyễn Hoài Thu
.
.
.