Bấp bênh làng vạn chài
Lênh đênh sông nước
Làng chài Thủy Cơ có từ bao giờ cũng không ai nhớ nữa. Chỉ biết rằng, khi con cháu những người dân chài lưới nơi đây sinh ra, mới 9 - 10 tuổi, các cậu bé đã biết theo bố giăng câu, bắt cá, còn các cô bé thì phụ mẹ gỡ cá đem lên bờ, bán đổi lấy gạo, rau và các vật dụng khác phục vụ cuộc sống mưu sinh.
Quanh năm theo cha mẹ lênh đênh sông nước nên việc học đối với trẻ em làng chài trước kia là rất khó. Con chữ đối với chúng dường như là điều gì đó quá cao xa, cũng giống như việc có một bộ quần áo mới đón Tết, vui Xuân. Nhưng giờ đây được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành và từ chính sự thay đổi nhận thức của người dân làng chài, trẻ con đã được lên bờ đi học.
Chúng tôi lên nhà của ông Trần Văn Biển gồm 12 người vừa con, vừa cháu. Gọi là nhà, nhưng thực chất chỉ là chiếc thuyền nan ọp ẹp, mọi thứ dường như quá thô sơ, chẳng có vật dụng nào đáng giá: không giường, không điện. Mọi thứ hỗn độn, một góc thuyền làm bếp nấu, một góc để ăn, ngủ, nghỉ… Tất cả cứ thế đều đều diễn ra 7, 8 đời nay.
Ông Biển cho biết: "Đấy là mấy năm nay cuộc sống đã đỡ cơ cực hơn trước kia nhiều, đói thì không nhưng mà túng! Tôi có 6 người con nhưng bao nhiêu cháu thì không nhớ hết". Hiện giờ đã 72 tuổi, nhưng ông vẫn có 2 đứa con chưa lấy vợ, lấy chồng. "Cái nghề sông nước nó khổ lắm, lênh đênh mãi nên khó lập gia đình. Nhiều khi mải đi làm mà bỏ quên bọn trẻ. Hôm rồi có cháu bé mới 18 tháng tuổi, bị chết đuối do mẹ đi làm về mệt quá không để ý đến con", ông ngậm ngùi nói.
Ông Biển cho biết, năm nào ở làng chài cũng có 1-2 đứa trẻ chết đuối. Vì vậy, nhiều gia đình đã muốn lên bờ ở. Cách đây một vài năm, 10 gia đình có điều kiện hơn đã lên bờ xây nhà, con cái được đi học, còn ông và 30 gia đình khác không có điều kiện nên vẫn ở lại. "Chúng tôi cũng muốn lên bờ lắm. Lên bờ thì bọn trẻ con được đi học tử tế. Và như thế có điều kiện thoát khỏi cuộc sống sông nước lênh đênh, rày đây mai đó. Nhưng, lo cái ăn cái mặc hằng ngày đã bở hơi tai, nên không biết đến bao giờ có tiền mà làm nhà...".
Trẻ em làng chài Thủy Cơ quanh năm theo cha mẹ lênh đênh đời sông nước. |
Ước mơ lên bờ...
Trò chuyện với chúng tôi, vợ ông Biển - bà Vũ Thị Thềm - cho biết, hôm lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Thái Bình và lãnh đạo huyện Kiến Xương đến thăm, tặng quà Tết, ông và bọn trẻ vui lắm. "Tết này chúng tôi đã có bánh để vui xuân. Chứ không thì bọn trẻ con rất buồn. Cảm ơn các cấp đã quan tâm" - Tiếp lời vợ, ông Biển cười, bày tỏ niềm vui.
Ông kể thêm, những năm qua, nhờ các cấp chính quyền mà bọn trẻ con làng chài có áo ấm mặc đi học. Các cháu ông bây giờ không mù chữ như ông và bố mẹ chúng. Thỉnh thoảng đi học về, chúng kể chuyện trên bờ cho ông nghe, nhiều chuyện hay và bổ ích lắm.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trẻ em làng chài Thủy Cơ đã không còn "khát" con chữ như trước kia nữa. Giờ đây, trẻ em đã học hết tiểu học, biết đọc, biết viết. Nhiều em còn học đến lớp 12. Nhưng đó là khác so với làng chài trước kia thôi, chứ so với xã hội thì vẫn còn lạc hậu lắm. Trẻ em đến trường chỉ học được vài năm là bỏ dở chừng. "Các gia đình ở đây còn nghèo. Mơ lên bờ cũng không dám. Cho bọn trẻ học biết đọc, biết viết là hơn bố mẹ chúng rồi. Nghèo quá nên không đủ điều kiện học tiếp" - ông Trần Văn Thể, Trưởng thôn làng chài Thủy Cơ lý giải.
Cái nghèo, cái đói quẩn quanh khiến người dân làng chài Thủy Cơ không đủ sức nuôi con ăn học, dù rằng họ cũng rất muốn con học để đổi đời. Ngày mưa, ngày bão, họ vẫn phải "màn trời chiếu đất", vẫn phải đơm, đó để có cái ăn, cái mặc hằng ngày. Theo cha, theo mẹ lênh đênh sông nước năm này qua năm khác, bọn trẻ không còn thời gian để nghĩ tới việc học. Chúng an phận cuộc sống bấp bênh nơi đầu ghềnh cuối bãi, ngậm ngùi chia tay với ước mơ đến trường. Em Trần Văn Dũng, đã may mắn học đến lớp 8, tâm sự: "Em rất sợ bị bỏ học. Em rất muốn lên bờ ở như các bạn. Đi học vui lắm, em được biết thêm nhiều nhiều điều hay, lẽ phải. Và quan trọng sau này có điều kiện học nghề mình thích".
Lên bờ - đó là ước mong của tất cả người dân làng chài Thủy Cơ bao đời nay. "Chúng tôi mong Nhà nước, các cấp, các ngành ưu ái giúp đỡ như làng chài Hồng Tiến (huyện Kiến Xương - PV) được cấp đất để làm nhà, người dân không còn phải lênh đênh sông nước..." - Trưởng thôn làng chài Thủy Cơ, ông Trần Văn Thể kiến nghị. Ông Thể cũng khẳng định rằng, dù thế nào chúng tôi cũng cố gắng vận động không để trẻ thất học.
Những đứa trẻ làng chài Thuỷ Cơ hiện vẫn như những chiếc thuyền nan mỏng manh nơi đầu ngọn sóng. Con chữ sẽ vững bền khi gia đình chúng ổn định. Các em gần như chỉ tiếp tục được đến trường khi gia đình chúng có ngôi nhà vững chắc và cuộc sống ổn định. Hy vọng nỗi mong chờ của các em và các gia đình làng chài Thủy Cơ sớm thành hiện thực