Bão số 5 gây mưa, ngập diện rộng, cần cảnh giác với lũ quét và sạt lở đất

Thứ Bảy, 18/08/2012, 10:14
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, bão số 5 là cơn bão được đánh giá khá phức tạp, có hướng di chuyển liên tục thay đổi kể từ khi hình thành. Do bão số 5 có diễn biến nhanh nên khi đổ bộ vào bờ đã gây mưa lớn cục bộ ở một số nơi cần đề phòng lũ ống, lũ quét.

Tuy chưa đổ bộ trực tiếp vào đất liền nhưng với hướng đi thẳng, di chuyển khá nhanh, từ 16h ngày 17/8, bão số 5 với sức gió có thể giật lên cấp 14 đã gây mưa lớn cho nhiều tỉnh Bắc Bộ.

Trong ngày 17/8, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương đã tổ chức 2 cuộc họp khẩn bàn phương án đối phó với bão số 5. Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn cho biết, đêm 17/8, bão sẽ đổ bộ trực tiếp vào đất liền khu vực Quảng Ninh và Hải Phòng và tiếp tục đi sâu vào đất liền, suy yếu thành ATNĐ. Ở các tỉnh Bắc Bộ từ chiều và đêm 18/8 sẽ có mưa vừa, mưa to đến rất to.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, bão số 5 là cơn bão được đánh giá khá phức tạp, có hướng di chuyển liên tục thay đổi kể từ khi hình thành. Do bão số 5 có diễn biến nhanh nên khi đổ bộ vào bờ đã gây mưa lớn cục bộ ở một số nơi cần đề phòng lũ ống, lũ quét.

Tại  Hải Phòng, Chủ tịch UBND TP đã yêu cầu dừng hết các cuộc họp chưa cần thiết trong ngày 17/8 để tập trung đối phó bão số 5 đổ bộ. Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng tập trung kiểm tra lại hệ thống đê điều, đặc biệt là hệ thống đê biển Cát Hải và có kế hoạch di dân cụ thể; chủ động các biện pháp chống úng cho lúa, đặc biệt tại 2 xã Cộng Hiền, Cao Minh của huyện Vĩnh Bảo, không để lúa tiếp tục bị ngập úng. Các ngành, địa phương, lực lượng vũ trang của thành phố đã huy động lực lượng, vật tư, phương tiện như bố trí lực lượng xung kích hộ đê, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn gồm hơn 28.000 người, 20.000 tấn lương thực, 12.000 áo phao,... tham gia ứng phó với cơn bão.

Còn tại Quảng Ninh, UBND tỉnh cũng đã cấm các tàu vận tải, tàu du lịch ra khơi từ 12h trưa ngày 17/8; các địa phương thực hiện di dân khỏi những nơi có nguy cơ cao về lũ quét và sạt lở đất, dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, công việc hoàn thành trước 16h cùng ngày.

Nhiều tuyến phố Hà Nội bị tắc nghẽn do mưa lớn gây úng ngập và cây đổ. Ảnh: Thế Dũng.

Trong ngày 17/8, đề phòng sạt lở do hoàn lưu của bão số 5 gây mưa lớn khu vực miền núi phía Bắc, BCĐ PCLB Trung ương đã có 2 công điện yêu cầu các địa phương trong khu vực rà soát cảnh báo đến từng địa bàn, các hộ dân ở vùng trũng thấp; sẵn sàng phương án và tổ chức sơ tán dân ở các điểm có nguy cơ lũ quét, sạt lở bờ sông, suối, nơi có nguy cơ sạt lở đất, đá; chuẩn bị nhu yếu phẩm tại các khu vực có nguy cơ bị lũ chia cắt; tổ chức cử người canh gác, hướng dẫn người dân tại các khu vực ngầm, đường qua suối, bến đò, những tuyến đường bị ngập để đảm bảo an toàn; có biện pháp đảm bảo an toàn tại các khu vực hầm, mỏ khai thác khoáng sản, các khu du lịch; kiểm tra hồ đập, nhà cửa kho tàng và các công trình đang thi công; chỉ đạo việc vận hành hồ chứa đúng quy trình.

* Trận mưa lớn vào cuối giờ ngày 17/8, khiến nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội chìm trong biển nước, làm tê liệt giao thông trên nhiều tuyến đường cả nội thành và ngoại thành. Các tuyến đường như: Định Công, Chùa Bộc, Đào Duy Anh, Cửa Nam, Yên Viên, Ngô Gia Tự… chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn mưa lớn, nước ngập sâu khiến giao thông tê cứng. Với những tuyến phố ngập sâu, rất nhiều phương tiện giao thông cả ôtô lẫn xe máy bị hư hỏng nặng. Các phương tiện lưu thông di chuyển hết sức khó khăn. Nhiều lộ trình di chuyển của người dân gặp khó khăn, tê liệt.

Thậm chí, mưa lớn còn dẫn đến hậu quả của nhiều vụ tai nạn giao thông. Điển hình như trên tuyến đường QL 3, một xe buýt và xe máy va chạm nhau làm cho tuyến đường này ùn tắc cục bộ trong một thời gian dài. Nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện Thanh Trì phương tiện đông, mưa lớn khiến lực lượng Cảnh sát giao thông phải căng mình giải tỏa ùn tắc.

Cây đổ tại ngã tư Nguyễn Du - Trần Bình Trọng, Hà Nội. (Ảnh chụp lúc 18h ngày 17/8).

Trận mưa lớn còn khiến hàng loạt cây xanh bật gốc. Điển hình như trên tuyến đường Nguyễn Du, tại ngã tư Nguyễn Du giao cắt với Trần Bình Trọng, một cây xà cừ lớn bật gốc đổ chắn ngang đường khiến giao thông trên tuyến này không thể thông được. Cũng trên đường Nguyễn Du gần ngã tư giao cắt với đường Quang Trung, thêm một cây xanh khác cũng bị bật gốc đổ xuống nằm chắn ngang đường. Trên rất nhiều tuyến đường khác như: Tràng Thi, Dã Tượng… trận mưa lớn khiến hàng loạt cành cây lớn bị gãy đổ xuống đường cũng khiến giao thông bị ảnh hưởng nặng nề.

Do ảnh hưởng của bão số 5, từ 16h20 đến 17h00 ngày 17/8, Hà Nội xảy ra mưa. (Mưa to tập trung tại thời điểm 16h25 đến 16h45 với lượng mưa 40mm/20 phút tại Vân Hồ). Theo số liệu của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, tổng lượng mưa đo được tại điểm đo của Công ty là: Vân Hồ 48mm; Xuân Đỉnh: 42mm; Trúc Bạch 48mm; Yên Sở: 29mm; Hầm chui TT Hội nghị QG 30mm; Đông Anh 30mm; Thanh Liệt: 27mm; Hồ Tây A: 25mm; Long Biên 13mm;

Theo phương án thoát nước mùa mưa năm 2012, Công ty đã chủ động giữ mực nước trên toàn hệ thống mương, sông, hồ ở mức thấp nên nước thoát nhanh. Công tác tổ chức ứng trực đã được Công ty triển khai ngay khi xảy ra mưa, lực lượng ứng trực tại hiện trường thực hiện công tác tua vớt rác tại miệng thu hàm ếch, khơi thông dòng chảy. Các dàn thiết bị cơ giới đã thực hiện ứng trực để kịp thời hỗ trợ thông tắc tại các vị trí được phân công. Các cửa phai hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa… đã được mở để điều hoà nước. Trạm bơm Yên Sở và các trạm bơm cục bộ khác liên tục vận hành để hạ mực nước trên hệ thống. Tại trạm bơm nước hồ Thuyền Quang, do cây đổ nên mất điện. Tuy nhiên, hồ đã được bơm hạ mực nước trước nên vẫn đủ khả năng điều hòa.

Tại thời điểm mưa, đã xảy ra một số vị trí úng ngập và ứ đọng nước chưa thoát kịp như Nguyễn Đức Cảnh (khu vực đang triển khai thi công xây dựng cống thoát nước), Lê Trọng Tấn, Trường Chinh, Thái Thịnh, Nguyễn Khuyến, ngã ba Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương … với mức độ sâu từ 0,15m đến 0,2m. (Đây là những điểm úng ngập đã được dự kiến trong mùa mưa năm 2012). Công ty đã có kế hoạch cụ thể triển khai đến các đơn vị để phòng chống cơn bão số 5 theo phương án thoát nước mùa mưa. Bố trí lực lượng CBCNV xung kích trực 24/24 giờ sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi có yêu cầu

Phan Hoạt – Ngọc Yến – Duyên Hải
.
.
.