Bao giờ khách hết bị... hành

Thứ Tư, 10/12/2008, 13:40
Có một nghịch lý, trong khi giá cước vận tải biển, đường sắt và hàng không giảm mạnh thì ở Hải Phòng, cước vận tải khách vẫn ì ạch xuống không đáng kể. Còn các cơ quan chức năng lại chưa thực sự vào cuộc.

Theo quy định, các doanh nghiệp vận tải khách chỉ cần kê khai đăng ký giá cước vận tải với cơ quan chủ quản và cơ quan chức năng như tài chính, thuế để theo dõi. Họ có quyền tự chủ trong hoạt động dịch vụ. Nếu thu  cước cao hơn giá đăng ký thì sẽ bị xử lý và mọi lỗ, lãi doanh nghiệp tự chịu.

Như vậy, việc các doanh nghiệp vận tải khách đường bộ xin điều chỉnh giá cước vận tải chỉ mang tính thông báo với cơ quan chức năng. Song phải niêm yết bắt buộc trên xe và điểm bán vé.

Cách đây 3 tháng, một trong những doanh nghiệp vận tải khách khá lớn ở Hải Phòng là Công ty cổ phần xe khách Thanh Long đã xin điều chỉnh giá vé do biến động về giá xăng dầu tại đợt điều chỉnh giá nhiên liệu ngày 21/7/2008 (với mức giá nhiên liệu tăng xấp xỉ 14% đối với diezel và 31% đối với xăng A92).

Theo đó, giá cước vận tải hành khách tăng bình quân 10% từ ngày 28/7/2008 cho các tuyến nhằm duy trì và ổn định sản xuất. Thực tế cho thấy, giá nhiên liệu tăng ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành vận tải không chỉ trong khoản mục nhiên liệu, mà các chi phí khác như vật tư, phụ tùng, săm lốp thay thế sửa chữa cũng tăng theo khiến các doanh nghiệp vận tải nói chung và Công ty cổ phần xe khách Thanh Long nói riêng gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, đến nay (tính đến ngày 15/11/2008), khi giá xăng A92 xuống chỉ còn 13 nghìn đồng/lít, giá dầu diezel vẫn giữ ở mức 13 nghìn đồng/lít, thì trong hàng trăm doanh nghiệp vận tải khách đường bộ liên tỉnh và taxi ở Hải Phòng, số doanh nghiệp đăng ký kê khai giá cước mới (theo hướng giảm 5 - 10%) chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Đó là 3 đơn vị: Hoàng Long, Taxi Trung Kiên và Trường Tuấn.

Trong đó, Công ty TNHH Vận tải Hoàng Long giảm từ 55 nghìn đồng/vé xuống 50 nghìn đồng/vé cho tuyến Tam Bạc - Lương Yên. Giá vé tuyến Bắc - Nam của hãng này từ 900 nghìn đồng/lượt giảm xuống còn 850 nghìn đồng/lượt. Công ty TNHH BUS Hải Phòng vẫn giữ giá vé 45 nghìn đồng/lượt (tuyến Cầu Rào và Niệm Nghĩa đi Gia Lâm).

Công ty cổ phần Thanh Long vẫn giữ nguyên giá vé 50 nghìn đồng/lượt tuyến Tam Bạc - Lương Yên. Một số hãng taxi khác vẫn án binh bất động về giá vé so với thời điểm mà họ tăng giá và chỉ giảm chiếu lệ bằng hình thức khuyến mãi theo đợt. 

Hải Phòng và các địa phương trong cả nước đang vận hành theo cơ chế thị trường có sự định hướng của Nhà nước, nhưng tiếc rằng, trong thời điểm nhạy cảm về giá nhiên liệu, vai trò của các cơ quan chức năng đang rất mờ nhạt.

Đành rằng, giá nhiên liệu chiếm tới 60% chi phí vận tải, nhưng khi giá nhiên liệu giảm tới 32% như hiện nay mà các chủ xe không giảm giá cước, hoặc giảm không đáng kể thì khác nào họ hưởng trọn khoản chênh lệch này.

Ông Nguyễn Văn Tản (Phòng Vận tải, Sở GTVT Hải Phòng) cho biết: Sở dĩ các doanh nghiệp vận tải đường bộ chưa kê khai giá cước mới vì họ viện lý do: giá nhiên liệu liên tục giảm chưa biết đến thời điểm nào ổn định, việc tính toán chi phí nhiên liệu vào chi phí vận tải rất khó. Nếu không tính kỹ thì ảnh hưởng lợi nhuận, hoặc khách hàng không chấp nhận, vì vậy họ vẫn còn phải nghe ngóng đến lúc nhiên liệu "đứng giá"?

Lý do này xem ra chưa thuyết phục, bởi trong khi các lĩnh vực vận tải đều giảm giá cước, ở các địa phương khác cũng đồng loạt giảm cước thì Hải Phòng không thể là một ngoại lệ?

Đã đến lúc, cơ quan chức năng như Sở GTVT, Tài chính, Hiệp hội Vận tải đường bộ cần triệu tập các chủ phương tiện, các hãng xe để cùng bàn bạc, thống nhất giá cước phù hợp với giá nhiên liệu, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của khách hàng, đảm bảo doanh nghiệp vẫn có lãi trong thời điểm hiện nay.

Nếu doanh nghiệp nào không chịu sự chỉ đạo của cơ quan chức năng theo định hướng chung cũng phải bị xử lý trước pháp luật. Chỉ khi nào, các hãng xe đưa ra giá cước hợp lý với tình hình chung về giá nhiên liệu mới được hoạt động

D.H.
.
.
.