Báo động từ những lò đốt rác thải dioxin ra môi trường

Thứ Sáu, 17/04/2015, 09:15
Thời gian vừa qua, trong khuôn khổ dự án “Xử lí dioxin tại những vùng ô nhiễm nặng của Việt Nam”, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam (gọi tắt là Ban chỉ đạo 33) đã thực hiện nghiên cứu về việc phát thải dioxin từ hoạt động công nghiệp. Kết quả cho thấy, rất nhiều nhà máy xử lí rác thải có hàm lượng dioxin và các hợp chất tương tự dioxin (viết tắt là DRCs) cao gấp nhiều lần mức cho phép, thậm chí có nơi cao gấp 5.000 lần.

Các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên – Môi trường đã lựa chọn 2 lò đốt rác ở miền Bắc để lấy mẫu và phân tích hàm lượng dioxin/furan trong mẫu khí thải lò đốt.

Trung tâm Nhiệt đới Việt – Nga (Bộ Quốc phòng) cũng đã lấy mẫu tại một số lò đốt, cơ sở xử lí rác thải tại Hà Nội, Nam Định, Hải Dương, Thanh Hoá và TP Hồ Chí Minh để phân tích hàm lượng dioxin dựa trên 29 chỉ tiêu.

Kết quả, có 7/18 mẫu khí thải có hàm lượng TEQ (giá trị trung bình) cao vượt ngưỡng, trong đó nhiều mẫu cao hơn giới hạn tối đa cho phép hàng nghìn lần.

Mẫu khí thải lấy tại lò đốt rác thải công nghiệp tại Hải Dương cũng có hàm lượng DRCs tới 46.800 pg TEQ/Nm3, cao gấp 81 lần mức cho phép.

Hàm lượng TEQ cao bất thường trong một số mẫu khí thải của các lò đốt rác công nghiệp đã cho thấy đây là hoạt động phát thải dioxin chủ yếu.

Các lò đốt rác thải với công nghệ lạc hậu gây phát thải dioxin ra môi trường.

Để đánh giá toàn diện về sự phát thải DRCs của các cơ sở xử lí rác thải, các mẫu nước thải tại các lò đốt rác ở Tây Mỗ (Từ Liêm), Nam Sơn (Sóc Sơn – Hà Nội), công ty xử lí môi trường tại TP Hải Dương và huyện Thanh Hà (Hải Dương), lò đốt rác ở Nga Sơn (Thanh Hoá) và 3 cơ sở xử lí rác thải, nước thải ở TP Hồ Chí Minh… đã được lấy mẫu để phân tích. Giới hạn cho phép của DRCs trong nước thải theo tiêu chuẩn của Nhật Bản là 10 pg TEQ/L.

Theo tiêu chuẩn này, có đến 9/15 mẫu phân tích có hàm lượng cao vượt ngưỡng, đặc biệt có mẫu nước thải lấy tại lò đốt rác thải công nghiệp ở TP Hồ Chí Minh có hàm lượng lên đến 50075 pg TEQ/L, cao gấp 5.000 lần giới hạn cho phép.

Hiện nay, các lò đốt rác thải công nghiệp ở Việt Nam thường sử dụng công nghệ xử lí khói thải kiểu ướt. Khí thải đi ra từ buồng đốt thứ cấp sẽ được dẫn vào tháp dẫn khí, thực chất là thực hiện quá trình chuyển nhiệt.

Nước được sử dụng để làm nguội nhanh dòng khí thải giúp hạn chế sự hình thành dioxin. Tuy nhiên, dioxin có sẵn trong khí thải lại có thể hoà tan vào chính dòng nước rửa khí này nên việc xả thải trực tiếp nguồn nước này ra môi trường không qua xử lí sẽ gây ra nguy cơ ô nhiễm dioxin.

Liên quan đến việc nhà máy xử lí rác thải ở Hải Dương có hàm lượng DRCs trong khí thải cao gấp 81 lần mức cho phép, ngày 16/4, khi trao đổi với báo chí, ông Vũ Đình Hiền – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Hải Dương cho biết, hiện các nhà máy xử lí rác thải trên địa bàn đều thực hiện quan trắc 4 lần/năm, gửi số liệu về Sở Tài nguyên – Môi trường. Các lò đốt trên đều là lò 2 cấp, được Bộ Tài nguyên – Môi trường thẩm định, cấp phép.

“Hiện có 2 nguồn số liệu quan trắc, chúng tôi chưa biết tin vào nguồn nào. Số liệu do chúng tôi thực hiện thì không thấy vấn đề gì. Nếu đúng có việc phát thải dioxin hàm lượng cao như vậy thì Bộ Tài nguyên – Môi trường cần thông báo về UBND tỉnh Hải Dương để hướng dẫn địa phương thực hiện các bước tiếp theo” – ông Hiền nói thêm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Chiều – Phó giám đốc Công ty TNHH Sản xuất – dịch vụ - thương mại Môi trường xanh – đơn vị xử lí rác thải lớn nhất tại Hải Dương cho biết, kết quả phân tích các mẫu khí thải, tro thải của công ty do Trung tâm quan trắc môi trường (Bộ Tài nguyên – Môi trường) thực hiện trong các năm 2011 và 2013 đều có hàm lượng DRCs dưới ngưỡng cho phép. Công ty này hiện có 3 lò đốt chất thải nguy hại, trong đó 2 lò ở huyện Nam Sách và 1 lò ở huyện Thanh Hà.

Khánh Vy
.
.
.