Báo động nguy cơ cháy nổ tại khu công nghiệp, khu chế xuất
Theo Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Bộ Công an (gọi tắt là Cục Cảnh sát PCCC), từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 26 vụ cháy tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Chỉ cần một sơ suất nhỏ có thể dẫn tới vụ cháy nổ gây thiệt hại lớn lên đến hàng chục tỷ đồng. Đó là chưa kể đến thiệt hại về người.
Cháy chủ yếu do sự cố về điện, sơ suất sử dụng lửa
Hiện trường vụ cháy xảy ra tại khu vực nhà kho thuộc Công ty TNHH Jonh Technology. |
Những vụ cháy xảy ra tại các khu công nghiệp thường lan nhanh, ngọn lửa bùng phát mạnh và gây thiệt hại nhiều về tài sản. Như ngày 22-5 vừa qua, một vụ cháy đã xảy ra tại khu vực nhà kho rộng 270m2 và nhà xưởng 4 tầng (mỗi tầng rộng 2.000m2) thuộc Công ty TNHH Jonh Technology (100% vốn Đài Loan, sản xuất băng keo) ở KCN Việt Hương I, phường Thuận Giao, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương.
Lực lượng chữa cháy tại chỗ đã nỗ lực dập lửa nhưng bất thành. Sau đó, Công an tỉnh Bình Dương đã điều động 19 xe chữa cháy; 1 xe thang và nhiều phương tiện hỗ trợ cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ có mặt tham gia chữa cháy.
Ngoài ra, lực lượng Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh đã chi viện 5 xe chữa cháy, 1 xe thang; lực lượng Cảnh sát PCCC Đồng Nai cũng đã chi viện 3 xe chữa cháy và Đội PCCC khu công nghiệp VSIP điều động 3 xe chữa cháy đến hỗ trợ công tác chữa cháy. Vụ cháy may mắn không có thiệt hại về người nhưng đã gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng...
Không chỉ thiệt hại về tài sản, có những vụ cháy nổ ở khu công nghiệp còn cướp đi sinh mạng của công nhân như vụ cháy tại Công ty TNHH Moash Enterprise, Khu công nghiệp Kim Huy, Thủ Dầu Một, Bình Dương ngày 24-1. Khi hàng trăm công nhân đang làm việc tại công ty thì hốt hoảng nghe tiếng nổ lớn.
Một chiếc xe tải đậu để xếp hàng đã bị ngọn lửa thiêu rụi... Nhận được tin báo, Công an tỉnh Bình Dương đã điều động hàng chục cán bộ, chiến sỹ cùng 3 xe cứu cháy chuyên dụng đến hiện trường để triển khai phương án dập lửa. Vụ cháy làm 1 người chết và 3 người bị thương.
Khắc phục “lỗ hổng” trong công tác PCCC
Theo đánh giá của Cục Cảnh sát PCCC thì công tác PCCC tại các khu công nghiệp, khu chế xuất đã cơ bản thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại, thiếu sót. Hầu hết các khu công nghiệp chưa xây dựng phương án PCCC cho toàn khu, chưa thành lập được đội PCCC chuyên ngành theo quy định.
Lực lượng kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành các quy định về PCCC chưa thường xuyên; khoảng cách an toàn PCCC giữa các cơ sở, cũng như giao thông, nguồn nước thường không bảo đảm. Liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở, công tác tự kiểm tra còn mang tính hình thức; nhiều sơ hở, thiếu sót chưa được khắc phục kịp thời gây mất an toàn PCCC.
Chưa kịp thời chỉ đạo việc cập nhật, bổ sung, phê duyệt lại phương án chữa cháy; bố trí lực lượng PCCC trực chưa đáp ứng yêu cầu của phương án chữa cháy, nhất là trong khoảng thời gian vào ban đêm, ngoài giờ hành chính. Ban hành nội quy PCCC và tuyên truyền kiến thức PCCC cho cán bộ, công nhân viên còn chung chung, chưa sát thực với cơ sở. Nhiều đơn vị trong khu công nghiệp, khu chế xuất thường không chấp hành việc thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC cho các hạng mục trình được cải tạo, mở rộng hoặc thay đổi công năng sử dụng.
Việc chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc sử dụng điện của các bộ phận, phân xưởng sản xuất, bảo dưỡng định kỳ hệ thống điện, các thiết bị điện nên không kịp thời phát hiện và khắc phục các tồn tại, thiếu sót... Đặc biệt, nhận thức, ý thức của đa số người lao động còn chưa cao trong việc thực hiện nội quy, quy định về an toàn PCCC.
Theo Cục Cảnh sát PCCC thì cần sự vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại lớn về PCCC ở các khu công nghiệp. Trong đó đặc biệt cần đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là công tác tự kiểm tra an toàn PCCC và phải chịu trách nhiệm về kết quả của công tác này.
Cần tăng cường ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở trong tự kiểm tra an toàn PCCC, phát hiện kịp thời những sơ hở, thiếu sót có thể dẫn đến sự cố cháy nổ; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành các quy định về PCCC cho cán bộ, công nhân viên.
Làm tốt công tác quy hoạch trong từng khu công nghiệp, chấp hành nghiêm chỉnh quy định của pháp luật về thẩm duyệt thiết kế PCCC... khi thay đổi công năng phải trình cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt theo quy định, đặc biệt là cơ sở cho thuê làm kho, bãi…
Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các hệ thống, thiết bị PCCC để đảm bảo luôn luôn ở chế độ thường trực; xây dựng, tổ chức thực tập phương án chữa cháy theo định kỳ quy định. Tổ chức đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ PCCC để lực lượng này đủ năng lực làm tốt công tác phòng ngừa và chữa cháy tại chỗ.
Lực lượng Cảnh sát PCCC cần chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền phản ánh công khai các vi phạm về PCCC của các cơ sở doanh nghiệp.
Tiến hành tổng rà soát năng lực PCCC các cơ sở doanh nghiệp trong các khu công nghiệp. Tăng cường công tác xử phạt, tạm đình chỉ hoặc đình chỉ cơ sở có nhiều vi phạm hoặc có nguy cơ trực tiếp dẫn đến cháy, nổ. Đối với những cơ sở vi phạm PCCC có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì truy tố trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.