Bài 2: Phải nhanh chóng kiểm tra các cơ sở nuôi trẻ bỏ rơi tự phát
>> Bài 1: Sự thật về dư luận nuôi trẻ để trục lợi ở chùa Bồ Đề
Nuôi dưỡng tự phát khó quản lý
Thời gian qua, dư luận xôn xao với những thông tin về một số cơ sở nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi tự phát khi các em không được đăng ký khai sinh, không được đi học và hưởng một số quyền cơ bản của trẻ em. Điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ bỏ rơi ở những nơi này đều chưa đáp ứng được theo Nghị định 68/2008/NĐ-CP.
Trước phản ánh của dư luận về một cơ sở nuôi trẻ mồ côi tự phát ở Tây Ninh không được đăng ký khai sinh, không cho các cháu đến trường…, theo ông Tô Đức, Trưởng phòng Công tác xã hội, Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ,TB&XH thì sự việc này chưa thấy Sở LĐ,TB&XH Tây Ninh báo cáo và Cục sẽ xem xét. Ông Đức cho biết, nổi cộm nhất hiện nay là việc tiếp nhận trẻ bị bỏ rơi tại một số cơ sở tôn giáo không đáp ứng được quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu.
Do vậy, cần sớm đưa các cháu về cộng đồng thông qua hình thức nhận nuôi, tìm kiếm người thân, họ hàng… của trẻ bị bỏ rơi. Quan điểm của Bộ LĐ,TB&XH là làm thế nào để các cháu được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình gần gũi nguồn gốc của các cháu và các cháu phải được sống trong môi trường cộng đồng. Nếu trẻ sống trong các cơ sở tôn giáo, về mặt lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc hòa nhập cộng đồng.
Về những dư luận xung quanh việc nuôi dưỡng trẻ mồ côi ở chùa Bồ Đề trong thời gian qua, theo ông Đức thì chùa Bồ Đề đang nuôi dưỡng hơn 100 trẻ mồ côi nhưng chưa thành lập cơ sở bảo trợ ngoài công lập theo đúng tiêu chí của Chính phủ. Bồ Đề chỉ là một trong số các cơ sở tôn giáo trên cả nước đang nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ bị bỏ rơi chưa thực hiện theo Nghị định 68/2008/NĐ-CP.
Ông Đức cho rằng, hiện nay chưa có số liệu chính xác các cơ sở tôn giáo và cơ sở tư nhân chưa được cấp phép trên cả nước tiếp nhận và nuôi dưỡng trẻ mồ côi do các địa phương chưa tập hợp được. Khi thấy cơ sở tôn nuôi dưỡng có vi phạm, Bộ đều có chỉ đạo ngành LĐ,TB&XH địa phương phối hợp làm việc để có những yêu cầu cụ thể với từng cơ sở, căn cứ trên kết quả kiểm tra sẽ kiến nghị những cơ sở này thực hiện đúng với quy định.
Tuy nhiên, theo ông Đức thì với những cơ sở tôn giáo, công tác quản lý, kiểm tra còn gặp khó khăn nhất định, cả về vận động tư tưởng, thực hiện chủ trương và việc chấp hành theo quy định đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải xử lý.
Trẻ em bị bỏ rơi được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Quảng Ninh. |
Trung tâm bảo trợ công lập sẵn sàng tiếp nhận toàn bộ trẻ bị bỏ rơi
Có nhiều ý kiến cho rằng, các trung tâm bảo trợ xã hội công lập đang quá tải, điều kiện để đưa trẻ bị bỏ rơi vào trung tâm còn khó khăn nên mới dẫn đến nhiều cơ sở tư nhân tự phát nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Ông Đức khẳng định, các trung tâm bảo trợ xã hội ở các địa phương không nơi nào kêu quá tải, và họ sẵn sàng tiếp nhận, nuôi dưỡng bất cứ trẻ nào bị bỏ rơi.
Theo quy trình, trẻ bị bỏ rơi phát hiện ở cộng đồng, UBND xã, phường nơi đó đứng ra chịu trách nhiệm tìm nơi trú ẩn an toàn trong thời gian nhất định cho trẻ, sau đó liên hệ đưa các em về các cơ sở bảo trợ xã hội để chăm sóc, nuôi dưỡng tìm kiếm hình thức nuôi dưỡng thay thế trong cộng đồng. Tuy nhiên, mức hỗ trợ nuôi dưỡng, học hành của các cháu ở cơ sở công lập đang thiếu. Bộ LĐ,TB&XH với Bộ Tài chính trình Chính phủ Nghị định nâng mức trợ cấp.
Hiện nay, cả nước có rất nhiều trẻ bị bỏ rơi đang sống trong các cơ sở tư nhân, tổ chức tôn giáo. Tuy nhiên, để vận động các cơ sở này đưa trẻ vào Trung tâm bảo trợ là cực kỳ khó khăn. Đa số nơi nuôi dưỡng đều “giữ” trẻ. Theo ông Nguyễn Hữu Lâm, Phó Chủ tịch UBND phường Bồ Đề, Hà Nội thì chùa Bồ Đề hiện nuôi 106 trẻ em bị bỏ rơi, nhưng năm 2013, qua vận động mới đưa được 7 cháu vào Trung tâm Bảo trợ xã hội.
Năm 2014 đang làm thủ tục cho 10 cháu. Để bảo đảm quyền trẻ em là được chăm sóc trong một môi trường tốt nhất thì Nhà nước đang khuyến khích các tổ chức chính trị xã hội, cá nhân, cơ sở tôn giáo… thành lập cơ sở bảo trợ xã hội. Điều kiện để thành lập cơ sở ngoài công lập phải hội đủ tất cả các yếu tố theo quy định. Chỉ khi ấy, trẻ em mới được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục một cách tốt nhất.
Xã hội hóa công tác chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi là một chủ trương lớn của Chính phủ. Bộ LĐ,TB&XH đang phối hợp với các Bộ, ngành quy hoạch mạng lưới trợ giúp trẻ em, hướng tới phát triển mạnh mẽ cơ sở ngoài công lập để các em tiếp cận với quyền trẻ em, quyền con người. “Các cơ sở tôn giáo, nhân đạo phải được rà soát, sắp xếp lại theo những quy định của Chính phủ, chỉ khi các cơ sở này được thành lập thì mới đảm bảo các quyền trẻ em”, ông Đức khẳng định.
Đã đến lúc Bộ LĐ,TB&XH phải có cuộc tổng rà soát, sắp xếp lại các cơ sở nuôi dưỡng trẻ mồ côi tự phát để kịp thời điều chỉnh và chấn chỉnh sai phạm theo quy định. Khi ấy, quyền trẻ em mới được phát huy, tránh các hiện tượng lạm dụng nuôi dưỡng trẻ mồ côi để tư lợi, hoặc cao hơn là hoạt động mua bán trẻ em trá hình.
Theo Cục Bảo trợ xã hội thì khi nhận phản hồi cơ sở tự phát nào có dấu hiệu sai phạm, địa phương nơi đó sẽ vào cuộc kiểm tra, nếu vụ việc quá phạm vi thì Thanh tra Bộ LĐ,TB&XH sẽ tổ chức xác minh. Hiện tại, lãnh đạo Bộ LĐ,TB&XH đã giao cho Cục Bảo trợ chủ trì phối hợp với với đơn vị chức năng tìm phương án, biện pháp để xử lý vấn đề nuôi dưỡng trẻ mồ côi ở các cơ sở ngoài công lập, cơ sở tôn giáo một cách thấu đáo, hiệu quả.
Ông Đỗ Đức Hồng, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Thụy An: Trẻ khuyết tật, trẻ mồ côi, bị bỏ rơi đưa đến trung tâm đều được tiếp nhận và chăm sóc theo đúng quy định của Nhà nước. Trẻ được nuôi dưỡng và học tập đầy đủ, có cơ sở vật lý trị liệu để phục hồi chức năng, dạy kỹ năng sống để trẻ có thể phát triển toàn diện.
Tại cuộc họp liên ngành ngày 24/7, ông Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội, Bộ LĐ,TB&XH chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt