Triển khai các phương án chống ngập úng sau cơn bão số 3

Thứ Bảy, 03/08/2019, 14:37
Đây là một trong những yêu cầu được Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đưa ra tại cuộc họp về ứng phó với bão số 3 ngày 3-8.


Thông tin tại cuộc họp cho biết, tính đến 11h ngày 3-8, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai chưa ghi nhận thông tin thiệt hại lớn do bão số 3 gây ra tại các địa phương. 

Tuy nhiên, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, trong ngày và đêm nay, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ có mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 70-150mm/24 giờ, riêng khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An có lượng mưa từ 100-200mm/24 giờ). Ngày và đêm mai (4/8), các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ tiếp tục xảy ra mưa vừa đến mưa to với lượng mưa phổ biến 30-50mm/24 giờ (riêng khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Thanh Hóa và Nghệ An 50-100mm/24 giờ). Khu vực thành phố Hà Nội, trong ngày và đêm nay (3-8) xảy ra mưa to đến rất to (tổng lượng mưa phổ biến 70-120mm)…

Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài phát biểu tại cuộc họp

Để ứng phó với diễn biến thiên tai trong những ngày tới, tại cuộc họp, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ triển khai phương án chống ngập úng tại đô thị; vận hành các trạm bơm tiêu úng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế; tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, hồ đập nhất là các công trình đang thi công; chủ động vận hành hồ chứa để bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du trong đó lưu ý các hồ thủy điện nhỏ, hồ thủy lợi…

Các tỉnh thuộc khu vực miền núi: Rà soát khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng triển khai phương án ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất để bảo đảm an toàn cho người dân; đồng thời, bố trí lực lượng thường xuyên canh gác, kiểm tra hướng dẫn người dân, các phương tiện giao thông tại các khu vực ngầm tràn, tuyến đường dễ xảy ra ngập, chia cắt, cắm biển cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ cao bị sạt lở...


Phạm Huyền
.
.
.