Ăn thịt sống, bệnh nhân nhiễm sán tiếp tục tăng
Người bệnh đến khám, điều trị các bệnh sán tại Viện Sốt rét và Ký sinh trùng Trung ương (SR&KSTTW) không hề thuyên giảm mặc cho các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo rầm rộ tình trạng ăn rau sống (rau thuỷ sinh) và ăn thịt lợn, thịt bò sống bị nhiễm sán lá gan lớn, ấu trùng sán lợn và sán dây bò. Ghi nhận của PV Báo CAND về những người vừa vượt qua cửa tử ở Viện SR&KSTTW.
Tử vong vì bị sốc
Đó là trường hợp đáng tiếc đã xảy ra với ông Ngô Tấn Xuân, 57 tuổi, ở Bắc Giang. Bác sỹ Đoàn Hạnh Nguyên, Trưởng khoa Khám bệnh, Viện SR&KSTTW nuối tiếc vì bệnh nhân này chết do bị suy nhược chứ không phải chết do nhiễm bệnh ấu trùng sán lợn. Nguồn cơn đưa ông Xuân đến với cái chết cũng hết sức thương tâm.
Ông có thói quen ăn nem thính (thịt lợn sống trộn thính) và không may ăn phải con lợn bị bệnh lợn gạo. Bị nhiễm ấu trùng sán lợn nhưng không có biểu hiện bệnh. Vài năm trước ông thấy đầu đau dữ dội, mắt mờ đi mới đến bệnh viện nhưng tìm mãi không ra nguyên nhân. Khi ông được giới thiệu đến Viện SR&KSTTW thì bệnh đã quá trầm trọng.
Điều trị hết đợt thuốc lần 2 nhưng cũng không cứu khỏi đôi mắt cho ông. Ông đã bị mù vĩnh viễn. Chừng ấy thông tin cộng với nhiều năm đi viện đã khiến ông bị sốc, dẫn đến suy kiệt do không thiết ăn uống. Thấy thể trạng của ông xuống dốc quá nhanh, các bác sỹ đã chuyển ông đến Viện Lão khoa để điều trị. Sau đó ông về nhà và đã chết vì suy kiệt.
Cùng bị sốc do biết mình nhiễm bệnh và để lại di chứng nặng nề là anh Nguyễn Xuân Tình, ở xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh (Phú Thọ). Gia đình anh đang hết sức khó khăn, vợ anh phải vào viện chăm chồng mấy tháng nay, con phải gửi nhờ 2 bên nội ngoại nuôi.
Người đàn ông mới 40 tuổi mà trông già xọm, nước da đen tái. Nâng chồng ngồi dậy, vợ anh kể, anh bị sốc nặng khi hay tin thị lực của mình giảm rõ rệt. Mắt anh giờ đây rất kém, chỉ thấy bóng người loáng thoáng, không nhận rõ mặt vợ. Trông đôi mắt anh Tình mở to, nhưng để vật gì sát bên cạnh, anh cũng khó phân biệt.
Đây là cú sốc nặng nề với một người là trụ cột gia đình như anh. Anh lo cho tương lai của mình và của các con, bởi gia tài giàu có nhất của con người chính là 2 con mắt.
Anh kể: "Tôi là thợ xây, những hôm lao động nặng nhọc, anh em thợ hay rủ nhau làm bữa tiết canh. Trong bữa rượu ấy bao giờ chẳng có món nem thính làm bằng thịt lợn sống thái nhỏ, vắt chanh và trộn thính vào rồi ăn. Thế mà chẳng ai ngờ nó lại mang tai họa khủng khiếp đến thế này". Vẻ rầu rĩ hiện rõ trên khuôn mặt tiều tụy của anh Tình.
Biểu hiện bệnh của anh đã có từ năm 2004, khi anh bị lên cơn động kinh đầu tiên. Nhưng cho đó là chứng cảm gió, phong hàn, anh đã chủ quan không đi khám. Thế rồi, tháng 7/2007, anh luôn bị đau đầu dữ dội, mắt cứ mờ dần đi thì anh mới chịu đến Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ. Tại Bệnh viện này anh đã được chẩn đoán là nhiễm ấu trùng sán lợn (nhiều nang sán nằm ở nhu mô não) và được chuyển xuống Viện SR&KSTTW.
Ngày 24/9, anh nhập viện trong tình trạng bệnh nặng, hiện nay anh đang điều trị thuốc đợt 2 bằng Anmeragion, đầu bớt đau hơn nhưng thị lực có lẽ khó cứu vãn.
Cả làng ăn nem sống
Bác sỹ Đoàn Hạnh Nguyên cho biết, thông thường khi bị nhiễm ấu trùng sán lợn người bệnh không có triệu chứng nên không biết. Chỉ khi bị đau đầu nhiều, có nang dưới da thì mới đến khám.
Nhưng nhiều người lại điều trị bệnh nhầm cả chục năm, khi đến đúng địa chỉ đã ở thể vôi hóa (quá muộn) gây bệnh úng tủy, liệt, mù…
Hơn 1 năm nay, các phương tiện thông tin cảnh báo rất nhiều về tình trạng nhiễm sán do ăn sống, uống nước chưa sôi, thế nhưng nhiều người dân vẫn điếc không sợ súng. Có nơi cả làng cùng mê món nem thính làm bằng thịt lợn nạc sống.
Ngay tại Hà Nội, có người là giám đốc, quản lý của khách sạn, nhà hàng cũng nhiễm sán. Tính đến hết tháng 9/2007 đã có 227 bệnh nhân điều trị nội trú vì bệnh sán lá gan lớn và 324 lượt điều trị bệnh ấu trùng sán lợn. Con số này cũng đủ thấy tất cả những cảnh báo, lời khuyên của bác sỹ đều công cốc.
Tin ông Nguyễn Xuân Bái suýt chết vì bị nhiễm ấu trùng sán lợn đã làm cả làng Đình Tổ, Thuận Thành (Bắc Ninh) tá hỏa.
Ba năm trước, đang ngồi chơi bỗng ông Bái ngã lăn xuống đất, thái dương giật đùng đùng khiến gia đình phải khiêng đi bệnh viện. Nhưng hết huyện lên tỉnh, đến TW đều chẩn đoán ông bị tai biến mạch máu não.
Mỗi ngày ông lên cơn co giật từ 5 - 8 lần, mắt mũi trợn ngược, mồm méo xệch không nói được. Bệnh nặng đến mức ông bị xơ cứng vành mạch tim. Sau khi chụp cộng hưởng từ, ông được chẩn đoán có nhiều nang sán dưới da, có ổ bị vôi hóa nằm ở đỉnh đầu trái dài 4cm, rộng 3cm.
Sau 6 lần uống thuốc ở Viện SR&KSTTW mới chỉ hết những nang nhỏ, còn lại vẫn y nguyên. Bác sĩ phải chuyển phác đồ điều trị, đến nay ông đã khoẻ mạnh, tinh thần khoan khoái. "Trải qua cơn thập tử nhất sinh, giờ nhìn thấy món ăn đó tôi hãi lắm. Thật cảm ơn các bác sĩ ở Viện SR&KSTTW đã cho tôi hồi sinh" - ông Bái xúc động khi ngày trở về đoàn tụ với gia đình đang đến gần.
Theo ông thì cả làng Đình Tổ cùng thích ăn món nem thính, bản thân ông trước đây cũng rất khoái món này, bữa nào cũng ăn. Chính việc ăn sống này đã khiến ông suýt thiệt mạng, thế nhưng ở làng ông vẫn sử dụng món này như một thứ ẩm thực đặc sản.
Ấu trùng sán lợn là bệnh thường gặp nếu ai hay có thói quen ăn các món làm từ thịt lợn sống. Đây là bệnh khó chữa nhất, tốn kém nhất, điều trị dài nhất và có thể để lại di chứng nặng nề nhất. Đau đầu lên cơn co giật dữ dội là biểu hiện bệnh đã nặng, lúc này ấu trùng đã qua niêm mạc ruột vào máu và đi lên não làm tổ. Nơi ấu trùng sán làm tổ nhiều nhất là mu não, có những nang sán phát triển bằng chiếc chén con.
Bệnh nhân Phạm Văn Yên ở Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Tây) đang làm vườn bị ngất, chụp cộng hưởng từ nhìn rõ một ấu trùng sán to gần bằng ngón tay út nằm trong nhu não. Theo bác sĩ Nguyên thì kể cả khi có ăn phải lợn hoặc bò nhiễm sán, nhưng đã nấu chín (ở độ sôi 100oC) thì không bị nhiễm sán.
Hãy ăn chín và uống sôi (rau sống phải rửa thật sạch dưới vòi nước chảy, nếu ngâm muối ở nồng độ rau chưa héo thì không có tác dụng) - một lần nữa lời khuyên này của thầy thuốc cũng không thừa với những ai biết quý tính mạng