An Giang: Phát triển kinh tế biên giới
Theo đánh giá của Ban điều hành Chương trình phát triển kinh tế biên giới, của 5 địa phương: Châu Đốc, Tân Châu, An Phú, Tịnh Biên và Tri Tôn, trong 2 năm qua đều tăng trưởng khá cao, có địa phương phát triển cao hơn mức tăng trưởng chung của tỉnh.
Bên cạnh đó, dịch vụ tài chính, dấu hiệu của sự đi lên trong nền kinh tế cũng hình thành với mạng lưới thu đổi ngoại tệ ở các cửa khẩu và hình thành 3 chi nhánh ngân hàng cấp I ở khu vực biên giới, đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp giao dịch tài chính và nhất là trong khâu thanh toán quốc tế.
Đồng thời, dịch vụ khám chữa bệnh; vận chuyển hàng hóa, hành khách ra các cửa khẩu và biên giới cũng hình thành theo… Những hoạt động này càng làm sôi động thêm kinh tế vùng biên, trong đó chỉ tính tại cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (Tân Châu), giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu trong năm qua cũng đã lên đến 490 triệu USD, chưa kể 26 chợ mang tính thương mại biên giới, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách trên địa bàn và giải quyết hàng nghìn lao động tại địa phương.
Kinh tế biên giới tăng trưởng là kết quả của hàng loạt chính sách và hoạt động đầu tư của Trung ương và tỉnh, trong đó các quyết định về quy chế hoạt động các khu kinh tế cửa khẩu ở An Giang; 26 chợ trong khu vực biên giới và khu kinh tế cửa khẩu được hưởng chính sách thương mại biên giới; sự thông thoáng trong thanh toán (sử dụng bản tệ, ngoại tệ tự do chuyển đổi và tiền đồng)… đã thu hút doanh nghiệp, hàng hóa đi về cửa khẩu và chợ biên giới.
Đồng thời, cơ sở hạ tầng công trình xây dựng ở biên giới được tiến hành đầu tư song hành, để tạo lực phát triển cho mũi kinh tế đang hứa hẹn nhiều triển vọng… Theo dự báo, kinh tế biên giới 2008 ở An Giang sẽ có bước nhảy vọt hơn nữa, từ kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, phát triển dịch vụ cho đến tăng tốc đầu tư. Đây là kết quả của nhiều năm chuẩn bị từ Trung ương, tỉnh, huyện và cả doanh nghiệp, đồng thời, khi đã xác định vai trò quan trọng của kinh tế biên giới trong sự phát triển chung.
Năm 2008, An Giang tiếp tục tập trung đầu tư, trong đó bước đầu là khu vực dịch vụ làm đầu tàu để phát triển và chuyển nhanh cơ cấu kinh tế trên địa bàn.
Trên cơ sở đó, các địa phương đã có kế hoạch liên kết phát triển thương mại, tổ chức các hội chợ biên giới và nâng cấp trở thành hội chợ cấp quốc gia; triển khai các chính sách phát triển kinh tế cửa khẩu và thu hút đầu tư; đẩy nhanh tiến độ và tiếp tục triển khai thực hiện các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng trọng điểm… để kinh tế biên giới phát triển đúng tầm