An Giang: Nông dân "lắc đầu" với dự án làm lúa vụ 3

Thứ Hai, 29/06/2009, 19:59

Hơn 100 hộ nông dân tại các xã Thạnh Mỹ Tây, Đào Hữu Cảnh và Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú (An Giang) đang bức xúc trước việc đất trồng lúa, tài sản trên đất của họ bị ngang nhiên xâm phạm, gây thiệt hại. Người dân cho rằng có quá nhiều điều "kỳ cục" liên quan đến dự án làm lúa vụ 3 kết hợp giao thông nông thôn này…

Ép làm lúa vụ 3 (?)

Tại buổi tiếp xúc với ông Nguyễn Quang Minh - Phó trưởng Phòng tiếp công dân UBND tỉnh An Giang vào đầu tháng 6 vừa qua, nông dân Trịnh Văn Quắn (ngụ xã Thạnh Mỹ Tây) cho biết, đất của ông ở xã Ô Long Vĩ là vùng đất còn phèn nên nếu làm lúa vụ 3 năng suất rất thấp. Chưa hết, nếu làm đường, làm cống khu vực này sẽ gây khó khăn cho việc vận chuyển lúa trong những vụ mùa khác.

Nông dân Lương Thị Đơn kể, đất của bà giáp với huyện biên giới Tịnh Biên. Đây cũng là vùng đất phèn, đất xấu, giá lúa thời điểm kết thúc vụ 3 thường không cao nên nếu làm vụ 3 không "có ăn". Không phải chỉ phản đối chủ trương dự án làm lúa vụ 3 kết hợp làm giao thông nông thôn, hàng trăm hộ dân còn than rằng, họ đang nghèo khó, để làm lộ, làm cống, buộc phải đóng góp tiền thì họ không biết xoay xở ra sao. "Mấy năm nay, chúng tôi đóng tiền xây dựng lộ nông thôn còn chưa xong, nay nếu công trình này thực hiện, tiền đâu mà đóng".

Dự án… "kỳ cục" (?!)

Đơn tập thể có chữ ký của 101 hộ nông dân gởi đến Văn phòng thường trú Báo CAND cho biết thêm, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng  5 vừa qua, bà con lần lượt được cán bộ mời lên trụ sở UBND xã hoặc đến từng nhà để phổ biến chủ trương của UBND huyện Châu Phú về việc canh tác mỗi năm 3 vụ thay vì 2 vụ như tập quán sản xuất nông nghiệp tại địa phương từ trước tới nay.

Theo lời của cán bộ xã, để thực hiện dự án làm vụ 3 kết hợp giao thông nông thôn này, mỗi diện tích 1.000 m2 đất nông nghiệp của bà con phải đóng góp 675.000 đồng. Trong các lần tiếp xúc này, cán bộ xã còn đưa cho bà con "Hợp đồng giao nhận thầu thi công" soạn sẵn.

Theo tờ hợp đồng này, các hộ dân có đất canh tác "dính" tới dự án là chủ đầu tư (bên A); còn đơn vị nhận thầu (bên B) là Công ty Xây dựng giao thông thủy lợi Hòa Hiệp có địa chỉ tại số 154, Dương Bá Trạc, phường 2, quận 8, TP Hồ Chí Minh do ông Lê Xuân Hậu - Phó Giám đốc làm đại diện...

Phương tiện xáng cạp đã vào để chờ "ăn đất".

Trao đổi với PV Báo CAND ngày 26/6, nhiều nông dân bức xúc: "Chưa nắm rõ chủ trương, chưa có trong tay văn bản cụ thể nào về dự án này nên nhiều người dân đã không ký tên vào hợp đồng. Và lẽ ra, nếu dự án đã được người dân đồng thuận, cấp có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư của công trình công cộng này phải là chính quyền chứ không thể là người dân chúng tôi".

Dẫu người dân không ký vào hợp đồng nhưng bà con cho biết, ngày 12/5, chính quyền địa phương đã cho xáng cạp đến đậu dưới bãi; yêu cầu bà con phải giao mặt bằng; phải chặt cây, tháo dở nhà cửa. Điều này càng khiến bà con bức xúc.

Ngày 1/6, Phòng tiếp dân UBND tỉnh An Giang đã có buổi tiếp xúc với đại diện của 101 hộ dân. Ông Nguyễn Quang Minh - Phó Phòng tiếp dân cho biết: "Qua trao đổi với UBND huyện Châu Phú, hiện huyện có chủ trương vận động bà con thực hiện dự án làm lúa vụ 3 kết hợp với giao thông nông thôn nhằm đem lại lợi ích nhiều mặt về đi lại, về kinh tế; đối với những hộ bị thiệt hại, huyện sẽ có chính sách hỗ trợ đất, cây trồng và vật kiến trúc trên đất".

Kết thúc cuộc họp, ông Minh đã kết luận: "Huyện ủy, UBND huyện đã họp xem xét yêu cầu của bà con. Vì vậy, yêu cầu bà con yên tâm trở về địa phương chờ đợi kết quả giải quyết của huyện. Văn phòng tiếp công dân sẽ ghi nhận, báo cáo UBND tỉnh nội dung này".

Một nông dân kể, theo tinh thần này, bà con ra về, yên tâm chờ nhưng ngày hôm sau, UBND xã Đào Hữu Cảnh vẫn tiếp tục thực hiện dự án kỳ cục qua việc "quyết định bổ sung thành viên tổ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ vướng mắc quá trình thi công vùng sản xuất lúa vụ 3…" thay thế cho quyết định trước đó. Có tất cả 34 thành viên là cán bộ của xã, ấp.

Ngày 4/6, xã ban hành thông báo về việc giải phóng mặt bằng. Ngày hôm sau, xã cho lực lượng giải phóng mặt bằng xuống tiến hành chặt cây cối của nhiều hộ dân mà không hề xuất trình quyết định thu hồi đất, tháo dỡ nhà, giải phóng mặt bằng và bồi thường hỗ trợ nào của cấp có thẩm quyền.

Được biết, Trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước  cũng vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh An Giang chỉ đạo cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo thẩm quyền những bức xúc của người dân

Chi Linh
.
.
.