AHLĐ, GS Nguyễn Tài Thu: Một cuộc đời không ngừng nghỉ

Thứ Hai, 27/02/2012, 10:20
Nhờ việc theo chân người bạn bị liệt dây thần kinh số 7 đã được chữa khỏi đến tặng hoa nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2) mà tôi có duyên được gặp GS Nguyễn Tài Thu. Với trí tuệ mẫn tiệp và tinh thần lao động không mệt mỏi, người GS ở tuổi 82 ấy luôn đau đáu một tâm nguyện mở ngôi trường đào tạo về châm cứu đầu tiên ở Việt Nam… Dường như cuộc đời ông là những chuỗi ngày không ngừng nghỉ.

Mong muốn mở trường cho quê hương Thủ đô thân yêu

Chúng tôi gặp GS tại Trung tâm châm cứu Nguyễn Tài Thu (34 Hòa Mã, Hà Nội) vào một sáng thứ bảy đẹp trời, khi GS kết thúc giờ khám bệnh. Trông GS ở ngoài trẻ và minh mẫn hơn nhiều so với tuổi 82 và trong suy nghĩ của tôi. Bằng kiến thức uyên bác, giọng nói trầm ấm, cử chỉ hiền hậu, GS chia sẻ ý tưởng về ngôi trường mà ông và các học trò sẽ cùng nhau gây dựng. Tôi đọc được trong mắt ông niềm vui sướng, tự hào và lấp lánh hy vọng về tương lai của nền châm cứu nước nhà…

GS Nguyễn Tài Thu cho biết, ý định thành lập trường đào tạo về châm cứu đã được ông ấp ủ từ lâu lắm. Bởi lẽ “châm cứu nước mình phát triển mạnh, có tiếng và nhiều nước bạn muốn sang học hỏi, việc thành lập trường sẽ giúp cho công tác đào tạo, cấp bằng được dễ dàng hơn”. Năm 2007, ý tưởng thành lập trường được Bộ Nội vụ chấp thuận, tuy nhiên quỹ đất để xây trường chưa có. GS lại lặn lội về quê hương Vân Canh (Hoài Đức, Hà Nội) xin cấp 18.000m2 đất để xây trường.

“Trước đề nghị của mình, xã và huyện cũng ủng hộ lắm, họ bảo chỗ này để trồng cam, trồng bưởi (cam Canh, bưởi Diễn) nhưng GS trồng người thì chúng tôi để cho GS trồng”, GS kể. Và rồi các cấp đã đồng ý tự nguyện hiến đất mở trường, sau khi có sự thẩm định của Nhà nước, UBND TP Hà Nội đã quyết định giao lại đất cho GS xây trường.

Ngôi trường sẽ đào tạo cán bộ trung cấp về châm cứu, đào tạo định hướng châm cứu cho các bác sỹ (thời gian 1 năm) và y sỹ (2 năm) với khoảng 30 bác sỹ chuyên khoa, các Thạc sĩ, Phó GS tham gia giảng dạy. Ngoài việc đào tạo khoảng 200 học viên mỗi năm thì trong khuôn viên trường còn có bệnh viện để học viên có thể gắn việc học tập với thực hành, có chỗ ở cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân… Về nguồn vốn để xây dựng trường, hiện tại GS đã kêu gọi một số bạn bè trong và ngoài nước ủng hộ với số tiền khoảng 50 tỷ đồng.

Ấp ủ tâm nguyện thành lập trường đào tạo về châm cứu đã rất nhiều năm, GS trải lòng: “Việc đào tạo y, bác sỹ về châm cứu ở nước ta hiện nay không có trường chuyên, chỉ là những khóa đào tạo nhỏ lẻ. Bản thân tôi là người Hà Nội nên muốn xây dựng cho Thủ đô quê hương một ngôi trường về châm cứu. Hơn nữa, Việt Nam nổi tiếng về châm cứu nhưng người giỏi cũng chưa nhiều, mình cần phải đào tạo thêm”. Hiện GS đang đợi “sổ đỏ” của UBND TP Hà Nội để sẵn sàng cho ngày khởi công.

Từ hiện thực ở ngôi trường đào tạo châm cứu đầu tiên ở Hà Nội, GS cũng muốn mở 2 trường khác ở các tỉnh Kiên Giang, Đắk Lắk để công tác đào tạo, chữa bệnh cho người dân cả nước thuận tiện hơn. Ở tuổi mà ông gọi đùa là “gần đất xa trời”, người GS ấy chỉ mong sống thêm 3-5 năm nữa để hoàn thành tâm nguyện, xây trường và bồi dưỡng được đội ngũ 20 học trò tương đối khá, đi theo con đường châm cứu của mình: hiện đại hóa châm cứu kết hợp Đông Tây y. GS trầm ngâm: “Mình đợi quyết định của thành phố 3 năm rồi, không biết trời đất có đợi mình không…”.

GS Nguyễn Tài Thu châm cứu chữa bệnh cho một cháu bé.

Phải có tâm huyết và tình thương để sống chết với nghề

Phải chứng kiến công việc chữa bệnh ở trung tâm của ông mới thấy hết tâm huyết với nghề và lòng thương yêu con trẻ bị bệnh tật. Ngoài công việc nghiên cứu ở BV Châm cứu TW, công tác giảng dạy ở trong và ngoài nước thì 3/7 ngày GS Thu có mặt ở Trung tâm châm cứu Nguyễn Tài Thu để khám chữa bệnh. Mỗi ngày có từ 70-80 bệnh nhân chờ đợi GS châm cứu, và luôn có khoảng 20 trẻ em bị tàn tật mong ngóng bàn tay thần kỳ của GS. Bên cạnh các danh xưng “ông vua châm cứu”, “huyền thoại sống”, “thần kim”…

GS Nguyễn Tài Thu còn được gọi là “thầy thuốc của người nghèo khổ” bởi GS đã nhận chữa miễn phí cho hàng nghìn trẻ em tàn tật, có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều bệnh nhân hoàn cảnh đến từ những miền quê xa xôi ông cũng tận tình cứu chữa không lấy tiền, ra về nhớ ông là nhớ tới hình ảnh một ông tiên trong cổ tích.

Ở trung tâm, các bệnh nhân là trẻ em tàn tật rất nhiều, nhiều em bị câm điếc, liệt, tự kỷ, mù… Châm cứu cho trẻ con và trẻ tàn tật rất khó bởi vấp phải sự phản ứng, bất hợp tác của các em. Nhiều em sợ hãi khóc lóc, giãy giụa, gào thét… gây khó khăn cho quá trình châm cứu và tiêm thuốc. Thế nhưng, tấm lòng “lương y như từ mẫu” GS Thu luôn nhẹ nhàng động viên, dỗ dành bởi theo GS “các cháu cũng có hồn của nó, đừng quát mắng mà tủi thân các cháu, mình nên dỗ dành nhẹ nhàng…”.

Nhiều em ban đầu khóc thét nhưng sau khi được GS châm một lúc thì nằm im, ngoan ngoãn trong vòng tay cha mẹ… Nhiều trẻ em bị liệt, không nói được, không ngồi, không đi lại được qua bàn tay châm cứu của GS đã nói được, đi được những bước đi chập chững khiến người thân mừng rơi nước mắt. Có người mẹ sống ở Đức nghe danh GS Tài Thu cũng bỏ việc ôm con về Việt Nam tìm đến trung tâm nhờ bác chữa bệnh. Nhiều người bệnh bị tai biến liệt tứ chi, tay chân co quắp đến với GS đã có thể cử động chân tay và tập đi lại. Có người cha từ miền Nam xa xôi mà con bệnh nặng cũng không quản ngại đường sá đến gõ cửa cậy nhờ… Tất cả, tất cả những mảnh đời ấy đều được GS bằng tâm huyết và tình thương ra sức cứu chữa kịp thời.

Suốt một đời theo nghiệp châm cứu, theo GS thì “phải có tâm nguyện, có tài hoa và niềm đam mê, có tình thương để sống chết với nghề thì mới giúp được người bệnh và duy trì, phát triển được thành tựu y học”. Đó phải chăng chính là chiếc “kim chỉ nam” trong hoạt động nghề nghiệp của GS Nguyễn Tài Thu, là những yếu tố làm nên danh xưng “ông vua châm cứu” có một không hai ở Việt Nam. Nhân ngày lễ tri ân các thầy thuốc, chúc cho GS đủ sức khỏe và tinh thần để hoàn thành những tâm nguyện cao quý của cuộc đời mình.

GS Nguyễn Tài Thu sinh năm 1930 tại Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội. Xuất thân từ chiến sỹ quyết tử của Trung đoàn Thủ đô năm 1947, ông được cử đi học tại Trường ĐH Y khoa, sau đó là đi đào tạo về Đông y tại Trung Quốc. Từ những nghiên cứu sâu về châm cứu bắt đầu năm 1967, đầu thập kỷ 70 ông xin thành lập ngành Châm cứu.

Sau đó ông liên tục giữ chức vụ Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam, Viện trưởng Viện Châm cứu Việt Nam. Năm 1995 GS nhận danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân, năm 1999 được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, năm 2000 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, năm 2005 được nhận Huân chương Độc lập hạng Nhì. Hiện tại tuy đã nghỉ hưu nhưng GS Nguyễn Tài Thu vẫn là Phó Chủ tịch Liên hiệp Hội Châm cứu thế giới, Chủ tịch Hội Châm cứu Việt Nam. Ở tuổi 82, ông vẫn vừa đi giảng dạy ở cả trong và ngoài nước, vừa thực hiện công tác nghiên cứu, vừa chữa bệnh không một phút ngơi nghỉ.

Quỳnh Vinh
.
.
.