Vì sao dân Thủ đô vẫn phải hít bụi?

Thứ Ba, 16/12/2008, 08:21
Theo số liệu quan trắc về môi trường, hàm lượng bụi ở Hà Nội đã quá tiêu chuẩn cho phép từ 2-3 lần, còn tại các công trình xây dựng thì hàm lượng bụi đã vượt tiêu chuẩn từ 2-30 lần. Hà Nội đã yêu cầu các xe ra vào công trường đang xây dựng phải rửa sạch lốp, gầm xe vận chuyển vật liệu, chất thải khi ra khỏi công trường. Tuy nhiên giải pháp này không được nhiều công trường thực hiện...
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng bụi bẩn ở Hà Nội do các nguyên nhân chủ yếu như: số lượng lớn các công trình xây dựng không có rào chắn, bạt che phủ, tình trạng đào, sửa chữa đường phố các loại, phương tiện tham gia giao thông, xe chở vật liệu xây dựng, phế thải gây bụi, xả rác thải, sửa chữa, xây dựng nhỏ…

Có trạm rửa xe nhưng đường vẫn bụi?!

Có mặt tại Trạm rửa xe Bến Bạc sáng 2/12, khi hàng đoàn xe cõng cát từ sông Hồng đang ì ạch vượt dốc. Xe nào xe nấy đều đầy ắp cát, thậm chí có cả cát lên vải phủ bạt.

Chị Nguyễn Ngọc Thức, Tổ trưởng phụ trách công việc tại đây cho biết: Mỗi ngày tại đây rửa vài trăm lượt xe. Mỗi lần rửa xe có giá 3,4 và 5 ngàn đồng. Xe nhiều, hơn nữa lái xe luôn có tâm lý tranh cướp thời gian nên mỗi xe chỉ dừng lại một hai phút chờ rửa chiếu lệ. Nhiều xe được rửa khá sạch, tuy nhiên cũng có không ít xe chỉ kịp phun qua một ít nước, nên cát vẫn bám hai bên thành xe và các bộ phận khác.

Trong lúc hai nhân viên đảm nhận việc rửa xe, một tổ khác lại làm nhiệm vụ vệ sinh mặt đường khu vực ngoài trạm. Đồng thời một nhóm khác phải liên tục dùng xe cải tiến xúc số đất, cát đọng lại dưới nền xi măng chuyển đổ đi nơi khác.

Một nhân viên tại đây chỉ sang bãi cát cao đầy ú bên cạnh cho biết: chỉ mấy tháng mà số đất, cát dọn dẹp ở đây ra đã đổ đầy ao. Chị Thức cho biết, tổ có 20 người thì chia làm ba ca, rửa xe 24/24 giờ. "Dạo trước cũng có xe không chấp hành, tuy nhiên giờ đây hầu hết đều dừng lại để rửa, tuy nhiên không phải lúc nào cũng thu được tiền của lái xe".

Cách trạm Bến Bạc không xa là điểm khai thác cát Chèm. Tuy nhiên công tác xử lý bụi bẩn đối với xe chở cát tại khu vực này lại tỏ ra thiếu triệt để hơn hẳn. Có mặt tại khu vực mặt đường khoảng 15 phút nhưng chúng tôi đã kịp chứng kiến khá nhiều xe chở cát không hề được xịt nước vượt dốc. Vòi xịt nước yếu, lực lượng mỏng cộng thêm việc lái xe thiếu ý thức chấp hành nên việc "lọt lưới" thủ phạm gây bụi bẩn là chuyện dĩ nhiên.

Có mặt tại các khu vực khai thác cát chúng tôi còn chứng kiến cảnh nhiều phương tiện được phủ bạt rất sơ sài, nhiều xe chở quá đầy cao ngất ngưởng cộng thêm thành xe không đủ kín nên vừa chạy cát vừa bay vù vù xuống mặt đường.

Đường Phạm Văn Đồng ngập chìm trong bụi (Ảnh: X.L.).

Ông Tuấn, nhà ở mặt đường Phạm Văn Đồng chỉ tay ra đám bụi mù mịt trước mặt than thở: “Bụi suốt ngày đêm anh ạ, nhà tôi đóng cửa suốt ngày, chèn chắn đủ kiểu mà vẫn đầy kín bụi”. Đường Phạm Văn Đồng chỉ là một trong số nhiều tuyến đường đang thường xuyên đối mặt với bụi bẩn. Hàng chục ngôi nhà mặt đường, quán xá đều bịt kín cửa những vẫn ngập bụi.

Theo số liệu quan trắc về môi trường đo được thì hàm lượng bụi ở Hà Nội đã quá tiêu chuẩn cho phép từ 2-3 lần, còn tại các tuyến đường chính, con số này đã lên đến từ 5-7 lần, đặc biệt tại các công trình xây dựng thì hàm lượng bụi đã vượt tiêu chuẩn từ 2-30 lần.

Thiếu biện pháp kiểm tra, xử lý kiên quyết vi phạm

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình trạng bụi bẩn ở Hà Nội do các nguyên nhân chủ yếu như: số lượng lớn các công trình xây dựng không có rào chắn, bạt che phủ, tình trạng đào, sửa chữa đường phố các loại, phương tiện tham gia giao thông, xe chở vật liệu xây dựng, phế thải gây bụi, xả rác thải, sửa chữa, xây dựng nhỏ…

Trên thực tế, Hà Nội đã có đề án yêu cầu các xe ra vào công trường đang xây dựng phải có trạm rửa để rửa sạch lốp, gầm xe vận chuyển vật liệu, chất thải khi ra khỏi công trường. Tuy nhiên trên thực tế, giải pháp này không được nhiều công trường thực hiện hoặc có thực hiện nhưng chỉ mang tính chất đối phó.

Tình trạng xe chở vật liệu xây dựng, cát sỏi che chắn sơ sài, không đảm bảo, không chấp hành quy định rửa sạch gầm xe, thành xe gây nên tình trạng bụi bẩn đang là một thực tế đáng lo ngại.

Khảo sát một vòng trên địa bàn TP Hà Nội cho thấy: những khu vực thường bị ngập chìm trong bụi bẩn vẫn là những điểm gần các bến bãi khai thác, vận chuyển cát, sỏi, vật liệu xây dựng hoặc các công trường đang xây dựng. Cho đến nay những giải pháp chống bụi đã được đưa ra,  tuy nhiên chưa được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Đặc biệt vấn đề quan trọng nhất là công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm vẫn chưa được thực hiện thường xuyên và triệt để.

Theo đề án giảm bụi Hà Nội ban hành cách đây ít lâu thì ngoài các mức phạt tiền đối với trường hợp vi phạm lần đầu, nếu tái phạm sẽ bị tạm giữ phương tiện 30 ngày, tước quyền sử dụng GPLX từ 90-180 ngày.

Chủ phương tiện buộc phải thực hiện cải tạo phương tiện. Công trình vi phạm ngoài việc phạt tiền, nếu vi phạm lần 3 sẽ bị thu hồi giấy phép xây dựng, đình chỉ thi công.

Đặc biệt, riêng đối với các điểm tập kết vật liệu xây dựng vi phạm sẽ bị xử phạt tiền đồng thời buộc hoàn trả mặt bằng, vệ sinh trong vòng 48 giờ.

Quy định là vậy, tuy nhiên trên thực tế tại các điểm thường xuyên xảy ra vi phạm lại ít thấy bóng dáng của lực lượng chức năng.

Thiếu vắng bóng dáng của lực lượng chức năng vậy nên các phương tiện khi qua trạm rửa xe chỉ dừng lại một hai phút chiếu lệ, đủ để xịt ướt bánh xe. Thậm chí có nhiều trường hợp qua trạm không hề dừng lại, những nhân viên tại đây chỉ biết đứng nhìn bất lực…

Có giải pháp nhưng để việc chống bụi được hiệu quả thì cần phải có sự phối hợp thực hiện nghiêm túc của các ngành, các cấp. Đặc biệt là công tác kiểm tra, xử lý vi phạm phải được tiến hành thường xuyên, nghiêm khắc để răn đe các trường hợp vi phạm. Làm được như vậy mới hy vọng cuộc chiến chống bụi bẩn ở Hà Nội đạt được kết quả

Đức Thọ
.
.
.