Hải Phòng:

Nhiều tàu thủy du lịch không đảm bảo an toàn cháy nổ

Thứ Tư, 26/03/2014, 09:47
Thành phố Hải Phòng hiện có trên 400 phương tiện chở khách thường xuyên hoạt động trên tuyến giao thông thủy nội địa, gồm tàu khách du lịch, tàu chợ và đò ngang. Đại tá Trần Văn Thiết - Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và cứu hộ cứu nạn trên sông cho biết: Năm 2013, hơn 100 lượt kiểm tra về PCCC đối với các tàu khách du lịch, không lớn thì nhỏ, tàu nào cũng vi phạm.

Cán bộ kiểm tra đã tốn khá nhiều giấy, mực để ghi lỗi. Thậm chí con tàu chở đoàn cán bộ khảo sát cảng Lạch Huyện đến giờ rời bến, cơ quan chức năng vẫn phải quyết định đình chỉ hành trình, bởi con tàu này không đảm bảo an toàn. Đại tá Thiết còn cho biết thêm: Cho đến nay, 100% tàu chở khách trên sông đều chây ỳ, không tổ chức thực tập phương án chữa cháy. Nếu không may xảy ra hỏa hoạn, thuyền viên làm sao biết cách xử lý và thiệt hại sẽ gấp hàng trăm lần so với kinh phí bỏ ra cho 1 lần thực tập phương án chữa cháy.

Mới đây, ngày 20/3, Phòng Cảnh sát PCCC trên sông tiến hành kiểm tra trên một đoạn sông Cấm thì “sờ đâu, sai đấy”. Hồi 8h30 cùng ngày, tổ công tác kiểm tra tàu khách ISLAND RESORT, BKS HP-3888, thuộc Công ty CP Du lịch đảo Cát Bà. Kết quả cho thấy, phương tiện chữa cháy tại chỗ hết sức sơ sài. Máy bơm chỉ có 1 bộ, công suất 2,5KW, hệt như máy bơm nước sinh hoạt gia đình, không đủ áp lực phục vụ chữa cháy. Con tàu này còn không có phương án chữa cháy phù hợp với Nghị định 46/CP của Chính phủ.

Trong khi đó thuyền trưởng là ông Bùi Hữu Tọa lại nêu lý do: “Nếu mỗi năm 1 lần thực tập phương án chữa cháy thì công ty không có kinh phí. Hơn nữa tàu hoạt động suốt ngày nên không có thời gian tổ chức thực tập”. Ghé sang kiểm tra tàu HP-3899 cùng công ty thì phát hiện nội quy PCCC không phù hợp với chủng loại tàu. Tại thời điểm kiểm tra, thuyền trưởng Đặng Ái Dân cũng chỉ đưa ra được 1 bản phương án chữa cháy xây dựng từ năm 2010, không còn giá trị. Thậm chí ông Dân lại nhầm lẫn cho rằng thuyền viên đã tập sử dụng phương tiện chữa cháy thì không thực tập phương án nữa.

Phà chở khách qua sông Cấm (Hải Phòng).

Còn quá nhiều việc phải làm cho sự an toàn cháy nổ trên sông ở Hải Phòng. Bởi thành phố đã có những bài học rút ra từ nhiều vụ cháy trên sông cách đây một vài năm. Điển hình là vụ tàu Bai Kan chở đầy phân đạm bốc cháy dữ dội tại cảng. Rất may lửa chưa bén phân đạm, nếu không phản ứng hóa học đã gây nhiễm độc trên diện rộng, đe dọa tính mạng con người và môi trường. Tiếp đó, vụ cháy tàu chở dầu HP-1964 trên sông Cấm xảy ra mà không có phương án cứu chữa tại chỗ. Khi Cảnh sát PCCC tới thì con tàu đã bị phá hủy hoàn toàn, 4 người thiệt mạng, 3 người khác bị thương. Cùng ngày còn có tàu Mỹ Hưng phát nổ, làm 4 người tử vong và 17 người bị thương. Mới đây nhất là vụ cháy tàu cánh ngầm ở TP Hồ Chí Minh.

Để có mùa du lịch năm 2014 an toàn, công tác PCCC và cứu hộ cứu nạn trên sông ở Hải Phòng cần có sự quan tâm của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Các chủ doanh nghiệp và mọi người dân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trước sự an toàn cho mỗi con tàu và tuân thủ nghiêm pháp luật về PCCC. Trong đó, doanh nghiệp phải đầu tư kinh phí, trang thiết bị đủ đáp ứng yêu cầu phòng ngừa cháy nổ và tiến hành ngay việc thực tập các phương án chữa cháy theo quy định của pháp luật

Quốc Phòng - Văn Thịnh
.
.
.