Lan tỏa yêu thương đối với trẻ em mồ côi vì dịch COVID-19

Thứ Tư, 01/06/2022, 08:30

Dịch bệnh COVID-19 đã lấy đi cha mẹ của bao trẻ thơ khiến cho nhiều trẻ em phải chịu cảnh mồ côi, bất hạnh.

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ đột xuất và lâu dài của Nhà nước, cán bộ chiến sĩ Công an, các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương đã và đang chung tay giúp đỡ, sẻ chia khó khăn trong cuộc sống để các em có được mái ấm tình thương trong hành trình tiếp bước cuộc đời…

Cùng chung tay vì trẻ mồ côi

Sau đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, TP Hồ Chí Minh đang “chung sống an toàn” với dịch bệnh. Trong đó, việc động viên, chăm lo những đứa trẻ mồ côi do mất cha, mẹ vì COVID-19 được chính quyền và các ban, ngành, đoàn hội đặc biệt quan tâm để góp phần chia sẻ, giúp các em vơi bớt khó khăn. Riêng Công an TP Hồ Chí Minh đã liên tục có các hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà các cháu bé mồ côi, chia sẻ những khó khăn với gia đình các em…

Em Trần Thị Hoàng Thư (8 tuổi, thường trú 80/3 Hoàng Xuân Nhị, phường Phú Trung, quận Tân Phú) đang sinh sống cùng bà ngoại 62 tuổi và bác ruột. Hoàng Thư là trường hợp cô nhi đặc biệt, mồ côi cha từ nhỏ và mẹ cũng mất do nhiễm COVID-19 đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 vừa qua.

Bà Nguyễn Thị Mười (bà ngoại của Hoàng Thư) cho biết bà có hai người con, trong đó mẹ của Thư là con thứ hai. Giờ đây bà cùng người con trai lớn tảo tần để nuôi cháu ngoại. “Cháu nó ngoan lắm, có lẽ nó biết thân biết phận vì bản thân nó giờ mồ côi cả cha lẫn mẹ nên giờ nó rất lo học tập rồi tự chăm lo ít nhiều cho bản thân… Nhìn nó, tôi thương lắm…”, bà Mười xúc động chia sẻ.

Thư là một trong các bé được Đoàn Thanh niên Công an TP Hồ Chí Minh quan tâm chăm lo theo chương trình “Cùng em đến trường”. Chương trình này sẽ bảo trợ học tập cho em Hoàng Thư đến khi hoàn tất cấp học Trung học phổ thông…

Một trường hợp khác là em Nguyễn Đức Bảo (học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân, TP Thủ Đức) và người anh trai N.Đ.T.A. (23 tuổi) bị hội chứng down có cha mẹ mất đột ngột vì COVID-19.

Bên cạnh sự chung tay giúp đỡ của Trường THPT Nguyễn Hữu Huân và lãnh đạo phường Tam Phú, Ban chỉ huy Công an TP Thủ Đức cũng thường xuyên cử cán bộ chiến sĩ đến thăm hỏi, động viên và trao tặng tiền, quà do cán bộ chiến sĩ trong đơn vị và nhà hảo tâm quyên góp, chăm lo cho hai anh em Đức Bảo vượt qua khó khăn…

Lan tỏa yêu thương đối với trẻ em mồ côi vì dịch COVID-19 -0
Hội Phụ nữ Công an TP Cần Thơ thăm hỏi, tặng quà trẻ em mồ côi do dịch COVID-19.

Mới đây, ngày 17/3/2022, Cụm thi đua Phụ nữ lực lượng vũ trang TP Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức chương trình “Làm mẹ đỡ đầu” chung tay chăm lo cho trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ do COVID-19 tại huyện Cần Giờ.

Đến với gia đình em Ngọc Yến (SN 2001, tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ) mồ côi cha do COVID-19, các thành viên xúc động khi chứng kiến hoàn cảnh của em. Gia đình Yến thuộc diện hộ nghèo của địa phương, hiện 3 mẹ con sống cùng nhau, mẹ em làm thuê tại chợ hải sản 30/4. Từ khi cha em mất, mọi gánh nặng kinh tế trong gia đình đều dồn lên đôi vai của mẹ, gia đình đã khó khăn nay lại càng thêm vất vả bội phần.

Tương tự, trường hợp em Bích Thủy (SN 2013, ở thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ) mồ côi mẹ do COVID-19, hiện em sống cùng bà nội. Cha làm tài xế xe tải ở Tiền Giang, thỉnh thoảng về thăm em vào mỗi cuối tuần nên càng thiếu thốn tình cảm của cha mẹ…

Phần quà các em được nhận trong đợt này gồm học bổng trị giá 5 triệu đồng, tập vở, các nhu yếu phẩm và bánh kẹo…

Và còn rất nhiều hoàn cảnh trẻ mồ côi như vậy ở TP Hồ Chí Minh sau cơn đại dịch vừa qua, để lại nhiều đau thương, mất mát. Theo báo cáo của UBND TP Hồ Chí Minh về kết quả công tác chăm lo, hỗ trợ trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn, đến đầu tháng 2/2022, TP Hồ Chí Minh có hơn 2.200 trẻ mồ côi do ảnh hưởng dịch COVID-19, trong đó 39 em mất cả cha mẹ, 78 em mất người trực tiếp nuôi dưỡng và hơn 2.000 em mất cha hoặc mẹ.

Năm 2021, bên cạnh việc thực hiện chính sách chăm lo của Trung ương, TP Hồ Chí Minh đã tích cực chăm lo cho trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh khó khăn do COVID-19. Cụ thể, tổng kinh phí từ nguồn xã hội hóa chăm lo cho nhóm trẻ này và trẻ em sống trong cơ sở bảo trợ xã hội, các quận, huyện đông lao động nhập cư là hơn 17,3 tỷ đồng. Mỗi em nhận hỗ trợ bình quân từ 5-6 triệu đồng, riêng các em mồ côi cả cha mẹ nhận hỗ trợ 8-9 triệu đồng. Các em còn nhận quà là cặp xách, tập viết, đồ dùng học tập, gói an sinh gồm gạo, mì, dầu ăn…

Trong đó, Công an TP Hồ Chí Minh và Công an các quận, huyện, TP Thủ Đức đã liên tục có các hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà các cháu bé mồ côi, chia sẻ những khó khăn với gia đình các em, mong muốn các em vượt qua đau thương, mất mát, tiếp tục nỗ lực phấn đấu học giỏi, chăm ngoan để sau này có thể chăm lo cho bản thân, trở thành công dân tốt.

Theo lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, sự đồng lòng, chung tay của cộng đồng xã hội đã làm vơi bớt khó khăn, phần nào bù đắp mất mát mà các trẻ em mồ côi phải gánh chịu.

Lan tỏa tình yêu thương

Mô hình “Tình thương cho em – Hậu COVID” triển khai kịp thời của Công an TP Cần Thơ góp phần hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng phong cách người CAND bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ”. Với ý nghĩa nhân văn và thực tế, mô hình nhanh chóng tạo được sự lan tỏa trong xã hội. Nhiều tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ trẻ mồ côi do dịch COVID-19 và gia đình với số tiền hàng trăm triệu đồng xây dựng chỗ ở, ổn định cuộc sống.

Trong cao điểm phòng, chống dịch COVID-19, Công an TP Cần Thơ đã rà soát phát hiện nhiều trường hợp là trẻ mồ côi. Các em có cha hoặc mẹ rời quê đi làm thuê ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ nhưng chẳng may qua đời. Hoàn cảnh vốn đã khó khăn, các em lại mất đi chỗ dựa vững chắc nên phải nương nhờ họ hàng, cuộc sống có lúc rơi vào túng quẫn.

Từ thực tế này, Đoàn Thanh niên Công an TP Cần Thơ đã xây dựng, tham mưu Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an thành phố triển khai mô hình “Tình thương cho em – Hậu COVID”. Mô hình triển khai từ tháng 10/2021, ban đầu nhận bảo trợ 11 trẻ mồ côi. Các em được bảo trợ học tập đến năm 18 tuổi, mức hỗ trợ tối thiểu 3 triệu đồng/năm để mua sách vở, đồng phục, đồ dùng học tập. Hàng năm, các em được mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm thân thể.

Lan tỏa yêu thương đối với trẻ em mồ côi vì dịch COVID-19 -0
Đoàn Thanh niên Công an TP Hồ Chí Minh thăm, tặng quà em Trần Thị Hoàng Thư.

Công an TP Cần Thơ phối hợp chặt chẽ với chính quyền, đoàn thể quan tâm hỗ trợ các em lúc khó khăn. Việc làm này giúp các em khỏa lấp khoảng trống tình cảm và nỗi âu lo đời thường, cảm nhận tình cảm ấm áp, chăm sóc tận tình của lực lượng Công an, tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương và cộng đồng xã hội. Tiếp nối mô hình “Tình thương cho em”, Hội Phụ nữ Công an TP Cần Thơ triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu” nhằm hỗ trợ, chăm sóc cho các em bị mồ côi do tác động của COVID-19 trên toàn địa bàn thành phố.

Theo Trung tá Nguyễn Ngọc Thúy, Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an TP Cần Thơ, xuất phát từ tình thương với các em nhỏ không may bị mồ côi cha, mẹ trong đại dịch COVID-19, chị cùng các hội viên khác xác định phải làm một việc gì đó thật ý nghĩa để đồng hành cùng các em và chương trình “Mẹ đỡ đầu” ra đời.

Chương trình hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ mồ côi do tác động của COVID-19, tùy điều kiện thực tế, có thể mở rộng đối tượng nhận đỡ đầu là trẻ mồ côi do những nguyên nhân khác. Hội sẽ trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi tại gia đình, cộng đồng, trung tâm, bệnh viện... hoặc nhận đỡ đầu thông qua gia đình, người nuôi dưỡng; hỗ trợ, tài trợ qua chương trình “Triệu phần quà - San sẻ yêu thương” tại các cấp Hội. “Hội Phụ nữ Công an TP Cần Thơ triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu” cho các cơ sở hội trực tiếp nhận đỡ đầu hoặc có các hoạt động đồng hành cùng gia đình để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các em được phát triển toàn diện trong môi trường gia đình cũng như cộng đồng.

Trong quá trình thực hiện, Hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, phường, thị trấn, nơi có các trẻ mồ côi để có những hoạt động phối hợp hỗ trợ, chăm lo cho các cháu phù hợp với hoàn cảnh của từng gia đình”, Trung tá Nguyễn Ngọc Thúy cho biết. Anh Trần Ngọc Vũ ngụ xã Đông Bình, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ) có vợ không may bị mất do COVID-19 để lại con gái 9 tuổi.

Cuộc sống phía trước còn nhiều khó khăn nhưng dưới sự hỗ trợ từ chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Hội Phụ nữ Công an TP Cần Thơ, anh đã tìm lại được nhiều niềm tin để nỗ lực phấn đấu vươn lên. Bé Trần Nguyễn Hạnh Đan (con anh Vũ) chia sẻ: “Con rất cảm kích khi được các cô Công an đến thăm hỏi, tặng quà. Con hứa với các cô sẽ học giỏi, chăm ngoan để không phụ lòng các cô”.

Thượng tá Võ Thị Hồng Tiến, Trưởng phòng Công tác Đảng và Công tác chính trị Công an TP Cần Thơ chia sẻ, đến thời điểm hiện tại, mô hình “Tình thương cho em” đã nhận bảo trợ, chăm sóc 49 trẻ em mồ côi do COVID-19 và 2 trẻ em mồ côi do nguyên nhân khác trên địa bàn.

Để phát huy tính nhân văn cao cả, sức lan tỏa của mô hình “Tình thương cho em” và chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Ban Giám đốc Công an thành phố đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ tổ chức sơ kết bước đầu triển khai thực hiện 2 hoạt động trên, xác định các nội dung trọng tâm để hoạt động này đi vào chiều sâu như là hỗ trợ sinh kế, giới thiệu việc làm cho các em và người thân các em tạo điều kiện cho các gia đình có cuộc sống ổn định.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho biết, dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát tác động rất lớn đến đời sống của người dân khiến nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Việc triển khai mô hình “Tình thương cho em” và chương trình “Mẹ đỡ đầu” không chỉ góp phần cùng chính quyền địa phương chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt các em học sinh không may mất cha, mẹ do đại dịch COVID-19. Đây còn là một biện pháp phòng ngừa xã hội rất hiệu quả, góp phần ổn định ANTT địa phương, tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người chiến sĩ Công an trong lòng nhân dân.

Theo đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh, theo Nghị định 20 của Chính phủ, từ ngày 1/7/2021, trẻ em mồ côi cả cha mẹ được hưởng trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng với mức 900 ngàn đồng/tháng nếu dưới 4 tuổi và 540 ngàn đồng/tháng với trường hợp đủ 4 tuổi trở lên. Các em cũng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, được miễn giảm học phí và các khoản khác trong nhà trường cho đến dưới 16 tuổi.

Trẻ đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học nhưng tối đa không quá 22 tuổi. Ngoài ra, nhiều tổ chức, cá nhân cam kết đỡ đầu cho các em đến năm 18 tuổi. Các tổ chức, đoàn thể TP Hồ Chí Minh và cấp quận cũng chủ động bố trí ngân sách, huy động nguồn lực xã hội để thăm hỏi, động viên, trao quà, chăm lo cho các em.

Phú Lữ- Văn Đức
.
.
.