Khi đạo và đời hòa quyện
Cùng với việc thực hành giáo lý, giáo luật, sinh hoạt tôn giáo theo đúng tôn chỉ, mục đích của mỗi tôn giáo và trong khuôn khổ pháp luật, những năm qua, tại Ninh Bình, hình ảnh chức sắc, chức việc các tôn giáo cùng đoàn kết, tích cực tham gia công tác an sinh xã hội; vận động, hướng dẫn tín đồ hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc dần trở nên quen thuộc.
Những việc làm cụ thể mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc đã tạo nên bức tranh sống động về tinh thần “tốt đời, đẹp đạo”, “tu thân, nhập thế”; góp phần vào sự ổn định, phát triển của quê hương.
Trở lại Ninh Bình trong những ngày đầu xuân mới, giữa cái rét ngọt xuyên qua từng hơi thở của mùa đông miền Bắc, tôi được hòa mình vào nhịp độ khẩn trương của một buổi tập duyệt văn nghệ rất đặc biệt. Hơn 20 gương mặt chiến sĩ trẻ trung, nhiệt huyết thuộc Đội văn nghệ xung kích Công an tỉnh Ninh Bình; các chức sắc Công giáo và Phật giáo, các vị ni sư và nữ tu nghiêm trang, khiêm nhường trong phẩm phục của mỗi tôn giáo; những tín đồ nền nã trong tà áo dài trắng, mang giày múa đang cùng nhau tập luyện cho Chương trình Giao lưu, gặp mặt chức sắc tôn giáo năm 2025. Thiếu tá, nhạc sĩ Đàm Cảnh Dương, đạo diễn chương trình cho biết: Đây là năm thứ 10 anh được vinh dự dàn dựng, liên kết các tác phẩm cho Chương trình mở màn năm mới, mà anh ví như “một không gian ấm tình đoàn kết”.
Tìm hiểu về hành trình 10 năm yêu thương, gắn kết, phát triển của chương trình, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Phạm Việt Phương, Phó Trưởng phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh Ninh Bình, một trong những thành viên tham gia dự thảo ý tưởng cho chương trình từ những ngày đầu tiên. Thượng tá Phạm Việt Phương cho biết: Ninh Bình có trên 23% dân số theo Phật giáo và Công giáo, vì vậy làm sao để gắn kết mối quan hệ giữa tôn giáo với chính quyền và tổ chức chính trị xã hội vì sự phát triển của xã hội là trăn trở, mong muốn của nhiều đồng chí lãnh đạo. Đó cũng là động lực để từ năm 2015 đến nay, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình và Công an tỉnh phối hợp tổ chức chương trình ý nghĩa này.
Tại đây, sau một năm tất bật, các chức sắc, chức việc của Phật giáo, Công giáo trên địa bàn bằng lời ca, tiếng hát thể hiện tình yêu với tôn giáo và quê hương, đất nước; cùng trao đổi, giao lưu về ý nghĩa của những việc đã làm trong năm; thống nhất những nội dung tăng cường đoàn kết giữa các tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc; để từ đây nối dài những hành động đẹp, mang lại giá trị tích cực cho cộng đồng.
Đến Ninh Bình, có rất nhiều câu chuyện về sự ấm áp, lan tỏa, lợi đạo, ích đời. Đi cùng chúng tôi, đồng chí Lê Văn Kiên, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình chia sẻ: Từ chương trình giao lưu, gặp mặt đầu năm, các chức sắc, chức việc Công giáo và Phật giáo đã chung tay, phối hợp xây dựng cho người có đạo nói riêng, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn nói chung 53 ngôi nhà ấm tình đoàn kết. Đây là nét riêng có của tỉnh Ninh Bình, đã được Trung ương MTTQ Việt Nam biểu dương toàn quốc.
Về huyện Kim Sơn để tìm hiểu về dấu ấn của tình đoàn kết lương - giáo, người dân sẽ giới thiệu về những ngôi nhà mới xây cho người có hoàn cảnh khó khăn; về cầu Bản, xã Hùng Tiến, thường được gọi là cầu “đại đoàn kết”, bởi công trình được xây dựng hoàn toàn từ sự đóng góp của giáo dân, tín đồ phật tử và nhân dân. Cộng đồng Công giáo tại Ninh Bình cũng là nơi đầu tiên trên cả nước triển khai mạnh mẽ phong trào hiến giác mạc. Năm 2007, xuất phát từ nghĩa cử cao đẹp của cụ bà Nguyễn Thị Hoa, giáo dân ở xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, là người đầu tiên hiến giác mạc sau khi qua đời được ngành mắt Việt Nam ghi nhận, linh mục Đoàn Minh Hải, giáo xứ Cồn Thoi đã khởi xướng mô hình “Hiến giác mạc”.
Mô hình tiếp tục được các linh mục trên địa bàn phối hợp với MTTQ Việt Nam các cấp duy trì, nhân rộng với hàng nghìn người đăng ký hiến tặng, trở thành địa phương có nhiều người đăng ký hiến tặng giác mạc nhất cả nước. Đến nay, đã có gần 500 người hiến tặng, riêng địa bàn huyện Kim Sơn có trên 400 người, chiếm gần 50% tỷ lệ người đã hiến tặng giác mạc trên cả nước, trong số đó có linh mục Nguyễn Văn Tư là giáo sĩ đầu tiên trên cả nước đã hiến tặng giác mạc sau khi qua đời (năm 2022).
Trong lời chia sẻ của đồng chí Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thấy ánh lên niềm tự hào xen lẫn sự trân trọng với nghĩa cử giúp đời của chức sắc các tôn giáo. Chính những việc làm thiết thực ấy đã gieo vào tâm hồn mỗi người những hạt giống yêu thương, an lạc, hướng thiện, ý thức chấp hành pháp luật; góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc đến với mọi người, mọi nhà.
Tiếp nối những câu chuyện về tinh thần “phụng đạo, yêu nước”, chúng tôi có cuộc gặp gỡ với Thượng tọa Thích Minh Quang, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình. Trong không gian trầm mặc của chùa Bái Đính, dạo bước cùng quý phật tử, du khách hành lễ, chiêm bái, dọc hành lang tượng các vị La Hán, Thượng tọa Thích Minh Quang khoan thai nói về Tứ ân: ân Tam Bảo, ân người giúp đỡ, ân cha mẹ, ân Quốc gia.
Với sự biết ơn và tấm lòng từ bi, hỉ xả, giữ gìn giới luật, tu thân nhưng không quên nhập thế, theo đúng tinh thần Phật pháp bất ly thế gian, nhiều năm qua, chức sắc Phật giáo luôn quan tâm, hướng dẫn tín đồ tu tâm dưỡng tính, làm những việc thiện, tránh những việc ác, biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau; thông qua đó giúp con người tránh được vô minh, đạt được sáng suốt, sẵn sàng làm mọi việc vì nước, vì dân.
Với suy nghĩ đó, Ban Trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình đã cùng các chức sắc, tín đồ phật tử tổ chức nhiều hoạt động “Tâm sáng hướng thiện” thông qua mở các lớp giáo lý để giảng dạy đạo đức, tính nhân bản, nhân văn, tinh thần báo hiếu, báo ân của Phật giáo, thu hút hàng nghìn người dân tham gia. Dịp đầu xuân kính Phật, lễ chùa đều tổ chức “Ngày hội cho chữ” tại đền thờ Danh nhân Trương Hán Siêu để khơi dậy truyền thống hiếu học, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần trong cộng đồng.
Từ nhiều năm qua, vào dịp cuối tuần, tại chùa Trạm, thành phố Hoa Lư, các thành viên Hội từ thiện Đồng Tâm Nguyện lại tập hợp thành viên, phân công nhiệm vụ phát cháo, cơm miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại một số cơ sở y tế như Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Y học và cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần tỉnh. Những việc làm ý nghĩa, theo đúng con đường tu tập, cứu khổ của Phật giáo với mục đích “Phụng sự chúng sinh tức cúng dường chư Phật” được đông đảo nhà hảo tâm, nhân dân trong và ngoài tỉnh cùng chung sức để ích nước, lợi dân, phấn đấu vì hạnh phúc và an vui cho con người.
Trong hành trình đến với Ninh Bình, chúng tôi cảm nhận sắc xuân đang đến gần. Nhựa sống tỏa ra từ hàng cây bồ đề xanh ngát trải dài đường Tràng An, từ nụ hoa đào chúm chím bắt đầu khoe sắc. Trong lòng chúng tôi cũng ăm ắp niềm xúc động bởi nhịp đập của những trái tim tràn ngập tình yêu thương với cuộc sống, với muôn loài chúng sinh đã được nghe, được gặp. Trên mảnh đất này, đạo từ đời mà ra và rồi bằng những việc làm ấm áp, cụ thể, đạo quay trở lại, giúp cho đời đơm hoa, kết trái.