Cô giáo khuyết tật 25 năm ngồi xe lăn dạy chữ cho trẻ em nghèo
Trò chuyện với chúng tôi, cô Xinh cho biết, sinh ra trong gia đình đông anh em, ngay từ lúc lọt lòng cô đã không may bị bại liệt bẩm sinh nên đôi chân ốm yếu. Thương con nên cha mẹ cô hằng ngày đạp xe đưa cô đến trường học; nhờ bạn bè và thầy cô giúp đỡ.
Khó khăn là vậy, nhưng cô không bao giờ bỏ học, từ năm lớp 1 đến lớp 12, luôn là học sinh khá giỏi. “Từ nhỏ tôi đã có niềm đam mê với nghề giáo. Thế nhưng, cuối năm 12 tôi đăng kí học Đại học Sư phạm Huế mới biết quy định không cho phép một người khuyết tật được theo học; vả lại gia đình khó khăn nên đành gác lại ước mơ...”, cô Xinh nói.
Năm 1986, may mắn đến với cô Xinh, khi một tổ chức biết đến hoàn cảnh khó khăn, nghị lực vươn lên đạt kết quả học tập tốt nên đã cấp cho cô học bổng Tin học và Anh văn. Được gia đình ủng hộ, cô Xinh theo học một năm và thi lấy bằng khá. Nhắc đến việc mở lớp dạy học như ngày hôm nay, cô Xinh chia sẻ rằng, hằng ngày ngoài phụ giúp gia đình chăn nuôi thì cô kèm cho hai đứa cháu trong gia đình. Thấy sức học của các cháu khá lên, bạn bè đến nhà xin học.
Thế là từ vài ba em, lớp học tăng dần mấy chục em khiến cô rất bất ngờ. “Tôi nghĩ đó là cái duyên ông trời cho mình để thực hiện ước mơ làm người giáo viên. Thấy các cháu được phụ huynh đưa đến đông, tôi mua vài bộ bàn ghế, bảng cũ về dựng lên trong nhà để dạy. Tính từ năm 1990 đến nay đã gần 25 năm mở lớp, những cháu lớp đầu tiên tôi dạy chữ giờ đã đi làm rồi!”, cô Xinh vui vẻ nói.
Cô Xinh dạy chữ cho các em học sinh nghèo tại nhà. |
Hiện mỗi ngày cô Xinh dạy 3 lớp, từ 14h đến 21h. Hai môn dạy chính là Văn và Toán, từ lớp 1 đến lớp 9. Khi mới mở lớp, cô Xinh dạy miễn phí, mãi đến năm 2000, cô mới lấy học phí của phụ huynh một ít để trang trải cuộc sống; mua quà là bánh, kẹo, vở để khen tặng các em có thành tích học tập tốt. Những gia đình có hai em đi học trở lên, hay có hoàn cảnh khó khăn thì cô Xinh không lấy học phí mà còn hỗ trợ quà, tiền cho học.
Như em Phạm Thị Thanh, đang học lớp 9, có cha mất sớm, mẹ bị tai nạn lao động không có việc làm. Cô Xinh đã kèm Thanh học suốt 5 năm qua mà không lấy học phí; cô còn giúp xin việc cho mẹ em là Nguyễn Thị Sanh làm công nhân môi trường. Hay như em Phạm Văn Phước, đang học lớp 2, mồ côi cả cha lẫn mẹ, được cô Xinh coi như cháu trong nhà, không lấy học phí mà hỗ trợ sách vở, tiền cho học…
Nhận xét về việc làm của cô Xinh, ông Phạm Qua, Tổ trưởng tổ 44, phường Hòa Hiệp Nam nói: “Người dân ở xóm liền kề Xuân Thiều ai cũng quý trọng cô Xinh. Nhiều năm qua, cô Xinh không chỉ ân cần dạy học mà còn giáo dục cho các cháu điều hay lẽ phải để làm người”.