Pháo phản lực M270 - Kachiusa nhãn hiệu Mỹ

Thứ Ba, 15/12/2015, 09:38
Chậm chân hơn Liên Xô trong cuộc đua phát triển pháo phản lực thời Thế chiến II , nhưng sau đó với tiềm lực của mình, Mỹ vẫn kịp thời tạo ra cho mình một loại pháo trứ danh: M270.

M270 được phát triển trên cơ sở một xe bánh xích với tốc độ trên đất bằng lên tới 64km/h và có thể quay đầu chỉ trong vài giây. Loại pháo phản lực này có thể vận chuyển bằng máy bay vận tải C5 và tàu biển. Nó đã chứng minh sự hiệu quả của mình trong nhiều cuộc chiến tranh và hiện diện trong kho vũ khí của Mỹ và 13 đồng minh khác.

Hệ thống M270 về thực chất là một xe container chứa nhiều loại tên lửa khác nhau. Với cấu hình là pháo phản lực, một xe M270 có thể mang 12 tên lửa trong hai bộ ống phóng riêng rẽ với tầm bắn khoảng 45km. Chính những dàn phóng như thế đã được đặt biệt danh "Mưa sắt" trong chiến dịch Bão táp sa mạc khi chúng trút bão lửa xuống đầu quân đội Iraq.

Trong chương trình phát triển của mình, quân đội Mỹ từng dự định phát triển một phiên bản chống tăng tầm xa với M270. Cụ thể, một chương trình phát triển một loại tên lửa diệt tăng có tầm phóng tới 140km đã được giao cho Northrop Grumman. Tên lửa sau khi phóng sẽ lượn trên một khu vực rồi dùng cảm biến âm thanh để phát hiện mục tiêu và cảm biến hồng ngoại để dẫn đường trong pha cuối. Dự án đầy tham vọng này sau đó bị đình chỉ vào tháng 2 -2003.

Một chức năng khác được nhắc đến nhiều của M270 là bệ phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật của quân đội Mỹ (ATACMS). Trong cấu hình này, thay vì 12 đạn tên lửa nhỏ, M270 mang theo 2 tên lửa đạn đạo chiến thuật. Những tên lửa này do Lockheed Martin sản xuất với tầm phóng 165 km và đã được sử dụng lần đầu trong cuộc chiến tranh Iraq lần 1.

Đến cuộc chiến tranh Iraq lần 2 năm 2003, Lockheed Martin đã cung cấp cho quân đội Mỹ loại tên lửa chiến thuật ATACMS block 1A với cải tiến khung vỏ nhẹ hơn và bộ định vị GPS gắn trên đầu đạn có tầm bắn lên tới 300km. Điểm đáng chú ý của các tên lửa chiến thuật này là chúng có 1 đầu đạn duy nhất và trong pha cuối đầu đạn tới mục tiêu(cố định) theo phương thẳng đứng. Theo cách lý giải của Mỹ thì điều này giúp hạn chế sức phá hoại của vụ nổ sang các vụ xung quanh tránh sát thương cho dân thường.

Trong xu thế phát triển các loại pháo phản lực thông minh, mới đây Lockheed Martin đã giới thiệu loại đạn tên lửa mới hệ thống M270 có tên GMLRS. Loại đạn này trong thử nghiệm được đánh số là XM30 trang bị một bộ định vị GPS và cánh mũi để tăng độ chính xác cho đạn. Tầm phóng của loại đạn mới lên tới 70km. Kể từ năm 2005, Mỹ đã trang bị hơn 2.000 quả đạn GMLRS từ năm 2005 theo quy định của các hợp đồng LRIP I đến LRIP III với Lockheed Martin.

Bình Nguyễn
.
.
.