Vụ em bé 17 tháng tuổi bị hai "ác mẫu" sát hại: Phá án sau cuộc điện thoại tình cờ

Thứ Năm, 09/03/2023, 07:05

Vụ án bé 17 tháng tuổi tử vong sau vài ngày được gửi tại nhóm trông giữ trẻ tự phát ở xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, Hà Nội mấy hôm nay dường như là câu chuyện xót xa nhất và được bàn tán nhiều nhất trên các mạng xã hội cũng như bất cứ ngõ phố nào.

Thương cháu bé và cũng buồn quá đỗi khi gia đình cháu nghèo khó, bố làm thợ xây, mẹ làm phụ hồ, cái nghèo quẩn quanh, cuộc sống mưu sinh khiến họ không có thời gian chăm chút con cái, để rồi khi con mình bị hành hạ dã man, họ cũng không đủ nhạy cảm để nhận ra mà vẫn tin vào lời hai cô trông giữ trẻ, rằng bé bị ngã.

Vụ án có lẽ sẽ mãi mãi là một bí mật được đem theo dưới nấm mồ sâu, nếu như không có sự nhạy cảm, quyết liệt của những người phá án.

Bị đánh từ ngày đầu đến lớp

Được cha mẹ gửi đến cơ sở trông trẻ của Nguyễn Thị Lành (SN 1992) và Nguyễn Thị An (SN 1993), đều trú tại tiểu khu Phú Thịnh, thị trấn Phú Minh, Phú Xuyên, TP. Hà Nội, từ ngày 23/2/2023, thì ngay trong ngày đầu tiên đến lớp, bé P.T.Đ, SN 2021, trú tại thôn Đặng Xá đã phải chịu những trận đòn oan nghiệt của cả hai "ác mẫu".

Vụ em bé 17 tháng tuổi bị hai
Cán bộ điều tra hỏi cung Nguyễn Thị Lành.

Vì chưa quen lớp nên bé Đ khóc nhiều, đã bị Lành phát liên tục vào mông, tát vào đầu nhiều lần. Đến giờ chơi của trẻ, Lành dồn các bé vào một phòng chơi nhưng bé Đ khóc không chịu vào mà chạy ra cửa đứng, Lành ra túm lấy áo bé rồi ném vào phòng trong, nơi An đang ngồi trong đó. Bé càng khóc lớn, An nổi cơn điên, trút lên cơ thể bé Đ những ngón đòn dành cho kẻ thù khiến bé Đ nằm im dưới đất. Buổi chiều, khi gia đình đến đón con, cả hai thông báo bé nghịch nên ngã, gia đình chú ý theo dõi con. Những hôm sau, gia đình vẫn đưa bé Đ. đến nhà trẻ như thường lệ. Nhưng cứ nhìn thấy hai "ác mẫu" là bé lại sợ khóc thét lên và chạy ra phía cửa đòi về nhưng gia đình không hề để ý, vẫn nghĩ bé Đ mới đi lớp nên chưa quen.

Vụ em bé 17 tháng tuổi bị hai
Nguyễn Thị An (trái) và Nguyễn Thị Lành tại cơ quan Công an.

Đỉnh điểm là ngày 26/2/2023, sau khi được gửi đến nhà trẻ, bé Đ vẫn sợ hãi khóc lóc khi thấy An và Lành. An bực mình và có hành động ác độc. Sau đó, An gọi cho mẹ bé nói là bé bị nôn 2-3 lần kèm ngất, gọi không tỉnh. Sau đó, mẹ bé Đ đã đưa bé đến trạm y tế của xã, được hỗ trợ máy thở và được trạm y tế chuyển tiếp lên Bệnh viện Nông nghiệp.

Do tình trạng của bé rất nặng nên bệnh viện đã giới thiệu và chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Nhi Trung ương để cấp cứu. Hơn 4h chiều 1/3/2023, bệnh viện tiên lượng cháu Đ không qua khỏi nên đã trao đổi để gia đình đưa cháu về nhà. Đến chiều hôm sau thì cháu tử vong.

Phá án sau cuộc điện thoại tình cờ

Ai cũng nghĩ rằng bé Đ mất là do bị ngã, do số cháu đoản mệnh, ngay chính bố mẹ cháu cũng nghĩ như thế. Nếu như không có sự nhạy cảm, bản lĩnh nghề nghiệp của Đại tá Nguyễn Tiến Tần, Trưởng Công an huyện Thường Tín, thì có lẽ cháu bé sẽ mãi mãi ra đi trong oan khuất và tội ác của hai "ác mẫu" sẽ không bao giờ được hé lộ.

Vụ em bé 17 tháng tuổi bị hai
Giờ đây Nguyễn Thị An hối hận thì đã muộn.

Chiều ngày 1/3/2023, vừa về đến sân bay Nội Bài, Đại tá Nguyễn Tiến Tần gọi điện cho một đồng chí công an viên (đã nghỉ hưu) vì trước đó hai người có cuộc hẹn ăn tối. Nhưng đồng chí công an viên bảo rằng nhà anh hôm nay có việc nên hoãn vì có đứa cháu trong họ bị ngã, gia đình đang chuẩn bị lo hậu sự. Một chút gờn gợn thoáng qua trong đầu, anh Tần liền hỏi chi tiết vụ việc, ngã như thế nào, vì sao ngã. Khi nghe đồng chí công an viên kể lại, cháu bị ngã ở lớp mầm non, tại một điểm trông giữ trẻ tự phát, sự nhạy cảm nghề nghiệp khiến anh lập tức gọi điện chỉ đạo công an xã xác minh vụ việc, đồng thời chỉ đạo anh em hình sự vào bệnh viện để tiếp cận hồ sơ bệnh án.

Khi nhìn thấy bản ảnh hai bên thái dương đều tím bầm, bé bị phù nề hai bên má, xuất huyết não bán cầu trái thì kinh nghiệm dày dạn của một người lính trưởng thành từ Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội mách bảo, đây là một vụ án chứ không phải tai nạn bình thường.

Ngay lập tức anh báo cáo lãnh đạo Công an thành phố và trực tiếp chỉ đạo anh em một mặt túc trực ở nhà bé, để thuyết phục động viên gia đình đồng ý pháp y, một mặt điều lực lượng đưa hai "cô giáo" trông trẻ lên trụ sở Công an huyện để xác minh.

Ban đầu gia đình bé Đ không hợp tác, không đồng ý pháp y vì họ tin rằng cháu bé bị ngã thật, như lời của hai cô giữ trẻ.  Ban đầu, gia đình cháu bé phản đối quyết liệt việc pháp y nhưng được sự động viên của các cán bộ Công an huyện, việc pháp y đã được thực hiện và từ đây hé lộ một sự thật đau đớn.

Chân dung hai "ác mẫu"

Suốt một ngày liền ngồi tại cơ quan Công an, cả An và Lành đều khai nhận trùng khớp một cách kỳ lạ, không hề lệch câu chữ, giờ giấc, khớp từng chi tiết nhỏ nhất như đã học thuộc lòng. Thế nhưng, sau một thời gian kiên trì, có lúc đích thân Đại tá Nguyễn Tiến Tần trực tiếp đấu tranh với hai đối tượng, những sự thật dần dần được hé lộ dù rất nhỏ và cứ thế được các anh khoét sâu khai thác.

Ban đầu, An và Lành khai nhận, ngày 23/2/2023, bé Đ khóc lóc bám theo chân An đòi bế, An đã gạt chân làm bé ngã ra nhà đập đầu xuống đất. Sau đó, Lành đã bế bé lên thì bé quấy khóc đạp chân vào bụng Lành rồi ngã xuống đất. Thế nhưng những lời khai của An và Lành hoàn toàn mâu thuẫn với kết quả nhận được từ bệnh viện. Bởi theo Đại tá Nguyễn Tiến Tần, nếu bé Đ bị ngã như lời khai của An và Lành thì phải tím bầm, xuất huyết phía sau đầu, nhưng ở đây bé lại tím và phù nề hai bên má, bên tai, xuất huyết vùng não trái. Với đầy đủ chứng cứ đấu tranh nhưng An, Lành vẫn một mực "đổ bê tông". Đến chiều tối ngày 2/3, các điều tra viên đưa An và Lành trên hai xe ô tô khác nhau xuống hiện trường để thực nghiệm điều tra.

Theo Đại tá Nguyễn Tiến Tần, đây cũng là bài học cảnh giác cho các gia đình có con gửi tư thục hoặc những cơ sở mầm non tự phát. Cơ sở trông giữ phải đủ điều kiện về an toàn PCCC, phải có camera giám sát, phải có người đại diện và giáo viên tốt nghiệp mầm non, cơ sở phải đủ điều kiện kinh doanh thì mới được mở và các gia đình mới yên tâm gửi trẻ. Cơ sở mầm non của Lành và An chưa được cấp phép, đã từng bị xử phạt hai lần nhưng vẫn lén lút hoạt động. Mỗi lần đón trẻ vào nhà là hai "ác mẫu" lại đóng cửa im ỉm cho đến lúc gia đình đến đón mới mở ra giao trẻ.

Ngồi trước chúng tôi, cả An và Lành đều khóc lóc và tỏ vẻ hoảng loạn. Dù cố gắng đến mấy thì chúng tôi cũng không nén được cảm giác uất nghẹn. Hai "ác mẫu" có cái tên rất hiền, rất lành, đều đã có gia đình và hai con nhỏ, thậm chí trên tay An còn đeo chiếc vòng có chữ “A di đà phật”, vậy mà hành động của cả hai lại nhẫn tâm, ác độc đến tột cùng. Trời Phật nào lại độ cho một kẻ ác độc như vậy.

Dưới đây là cuộc tiếp xúc ngắn của chúng tôi với Nguyễn Thị Lành:

- Năm nay em bao nhiêu tuổi rồi?

+ Em 31 ạ.

- Trước em học trường gì?

+ Em học Trung cấp Dược.

- Học Dược sao lại đi trông giữ trẻ?

+ Trước em làm công ty sau xin nghỉ. Không có việc nên em mở lớp mầm non.

- Em làm ở đấy bao lâu rồi?

+ Em làm từ 2019. Bọn em (cùng với An) mở cơ sở chung.

-Trước khi làm công việc này, em có học nghiệp vụ hoặc trang bị những kĩ năng của một cô giáo mầm non không?

+ Không ạ!

- Em có gia đình riêng chưa, có mấy con rồi?

+Dạ hai. Một đứa sinh năm 2019. Một đứa sinh năm 2021.

-Bằng tuổi bé Đ luôn hả?

+ (Im lặng)

- Công việc hàng ngày của em là gì?

+ Dạ sáng đón các bạn (các em bé) rồi nấu ăn. Cho các bạn ăn, trưa cho các bạn ngủ. Chiều trả về.

- Những công việc này có gì khó khăn với em không? Trong một số tình huống cụ thể, ví dụ như trẻ hóc dị vật, em có biết cách cấp cứu không?

+ Dạ không.

- Thế trong lớp thì bé Đ như thế nào, có nghịch không? 

+Dạ hôm thì ngoan, hôm thì bạn ấy khóc đòi về. Do mệt mỏi, bức xúc nên em mới hành động như vậy.

- So với các trẻ khác thì bé Đ có biểu hiện bất thường gì không?

+Dạ, so với các bạn khác thì bé có chậm hơn. Chưa nói được, rồi cách đi lại, cách chơi cũng chậm hơn.

- Những lần bé quấy khóc thì em đều ném bé thế à?

+ Em không ném, em chỉ đẩy ngã. Chỉ có duy nhất lần ấy là em ném thôi.

- Lý do vìsao em lại ném bé?

+ Tại bạn ấy cứ chạy ra khỏi cửa, khóc, em gọi mãi không vào. Em cũng chỉ muốn cho bạn ấy vào trong lớp. Bây giờ thì em nhận thức được hành vi của mình rồi (Òa khóc).

So với Nguyễn Thị Lành thì Nguyễn Thị An có vẻ không giữ được bình tĩnh bằng. Nhưng những lúc cần rành rọt thì cô ta nói không sai nhịp nào. An đã từng tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Trung ương và so về kĩ năng trông trẻ thì có vẻ nhỉnh hơn Lành tí chút, do trước đây đã được huấn luyện từ một người đi trước mở lớp. Cũng có hai đứa con như Lành, và cũng giống Lành ở một điểm chung là thiếu tình yêu thương con trẻ.

Khi được hỏi có muốn nói gì với gia đình nạn nhân không, Nguyễn Thị An đã nói rất tròn vành rõ chữ: "Em rất xin lỗi cháu Đ. Cháu không may đã mất, gia đình nạn nhân cũng thiệt hại nhiều, đau đớn... không thể nào tha thứ được cho bọn em. Em xin gia đình nạn nhân tha thứ cho em và gia đình em để em làm lại cuộc đời, có thể về nhà lo cho chồng và con em. Em rất xin lỗi gia đình nạn nhân vì đã gây ra vụ việc đau lòng này".

Hiền Trâm
.
.
.