Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Thứ Tư, 12/04/2023, 19:58

Gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nhiều diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn gây bức xúc trong nhân dân. Có không ít người dân nhận được tin nhắn giả mạo các ngân hàng thương mại để dẫn dụ vào đường link với mục đích đánh cắp thông tin, chiếm quyền quản trị tài khoản ngân hàng của người dùng. Các ngân hàng đã phát đi những cảnh báo về các hình thức lừa đảo nhưng vẫn có không ít người dân bị "sập bẫy" và mất tiền.

Vẫn còn nhiều nạn nhân mới

Thời gian gần đây, Công an huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) tiếp nhận đơn trình báo của nhiều bị hại về việc bị các đối tượng sử dụng số điện thoại, tài khoản Zalo lạ gọi điện, nhắn tin giả danh nhân viên Ngân hàng VPBank và gửi đường link trang web giả mạo nâng hạn mức thẻ tín dụng để chiếm đoạt tiền. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Giám đốc Công an tỉnh và đồng chí Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh, Công an huyện Lộc Hà phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an tiến hành điều tra, xác minh.

Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới -0
Lực lượng chức năng làm việc với Vưu Thị Ngọc Thanh - đối tượng cầm đầu vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Căn cứ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 15 và 16/3/2023, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Hà phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, khám xét khẩn cấp và triệu tập 11 đối tượng có liên quan gồm: Nguyễn Quốc Bảo (SN 1992, trú tại xã Long Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An), Phạm Ngọc Phong (SN 1992, ở phường Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội), Phạm Minh Quỳnh (SN 1995, ttrú tại xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế), Cấn Minh Phương (SN 1993, trú tại xã Hạ Bằng, huyện Thạch Thất, Hà Nội) và 7 đối tượng khác ở các tỉnh Hà Nam, Nghệ An, Thanh Hóa. Thu giữ: 2 ôtô, 2 máy tính bàn, 1 máy tính bảng, 24 điện thoại di động cảm ứng, 7 điện thoại Nokia (là thiết bị gọi điện lừa đảo), 200 triệu đồng tiền mặt và các phương tiện, thiết bị khác liên quan đến hành vi phạm tội.

Nhóm đối tượng đã tạo ra các đường link giả mạo và dựng các cuộc gọi ảo để gửi thông tin đến những người có thông tin cá nhân của Ngân hàng VPBank, lừa những người có tài khoản ngân hàng này đăng nhập vào hệ thống và chiếm đoạt tiền. Đến nay, đã xác định được khoảng gần 700 bị hại với số tiền chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng.

Hiện nay, Cơ quan CSĐT Công an huyện Lộc Hà đã khởi tố vụ án, khởi tố và bắt tạm giam 4 bị can gồm: Phạm Minh Quỳnh, Nguyễn Quốc Bảo, Phạm Ngọc Phong, Cấn Minh Phương, tiếp tục phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đấu tranh với các đối tượng khác để mở rộng, xử lý nghiêm minh, triệt để theo quy định của pháp luật.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2022, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng triệt xóa thành công đường dây lừa đảo bằng hình thức giả danh nhân viên ngân hàng cho vay tiền qua mạng Internet, khởi tố 10 bị can về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Tĩnh phát hiện đường dây chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh nhân viên ngân hàng cho vay tiền qua mạng Internet.

Quá trình điều tra xác định: Nguyễn Khắc Mạnh (SN 2000, trú tại huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội), Nguyễn Đình Dương (SN 1999) và Bùi Văn Tiến (SN 1997) đều trú tại huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội là đối tượng cầm đầu, cấu kết với nhiều đối tượng khác trên địa bàn Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Thái Nguyên để hoạt động lừa đảo bằng hình thức cho vay tiền từ khoảng tháng 6/2022 đến nay.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh, Phòng Cảnh sát hình sự đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ, chia thành 4 mũi tấn công tại các địa điểm khác nhau thuộc TP Hà Nội, tổ chức bắt giữ, triệu tập 12 đối tượng có liên quan; thu giữ 5 bộ máy tính để bàn, 20 điện thoại di động và phong tỏa 22 tài khoản ngân hàng có liên quan.

Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới -0
Đối tượng Bùi Văn Tiến tại cơ quan Công an.

Tại Cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, do thường xuyên tiêu xài hưởng thụ nhưng không có việc làm ổn định nên Nguyễn Khắc Mạnh, Nguyễn Đình Dương, Bùi Văn Tiến nảy sinh ý định giả danh nhân viên ngân hàng lừa cho vay tiền trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo và lôi kéo đối tượng khác cùng tham gia. Để thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng sử dụng tài khoản Facebook ảo đăng bài, đăng bình luận quảng cáo, kêu gọi cho vay tiền với lãi suất thấp, không cần thế chấp tài sản, thủ tục nhanh gọn và để lại thông tin số điện thoại rác để khách hàng liên hệ qua Zalo. Khi khách hàng có nhu cầu vay tiền liên hệ, các đối tượng sẽ sử dụng điện thoại có chức năng chuyển đổi giọng nói, giả danh nhân viên ngân hàng tư vấn các gói vay, thời hạn, lãi suất, hình thức vay và đưa ra các thông tin gian dối nhằm tạo lòng tin cho người vay, đồng thời, yêu cầu người vay phải đóng các khoản phí thẩm định hồ sơ, phí bảo hiểm vay vào tài khoản ngân hàng không chính chủ do đối tượng cung cấp... Khi khách hàng đã chuyển các khoản phí nêu trên thì các đối tượng chặn thông tin liên lạc và chiếm đoạt tài sản.

Qua đấu tranh, Cơ quan công an cho biết, với thủ đoạn này, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của hàng trăm bị hại, trong đó có nhiều bị hại ở Hà Tĩnh, chiếm đoạt tổng số tiền hàng tỷ đồng.

Cũng với thủ đoạn tương tự, tháng 5/2022, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Tĩnh nhận được đơn trình báo của chị L.Q.T. (SN 1992, trú phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) về việc trong thời gian từ ngày 11 đến 17/5/2022 có nhiều số điện thoại lạ gọi giới thiệu là nhân viên Ngân hàng SHB, muốn hỗ trợ chị T. vay tiền với lãi suất thấp. Tin lời mời chào của các đối tượng, chị T. đồng ý làm thủ tục vay số tiền 30 triệu đồng. Để được vay tiền, các đối tượng yêu cầu chị T. phải nộp tiền bảo hiểm cho khoản vay trước. Số tiền bảo hiểm này theo các đối tượng thì khi giải ngân sẽ được hoàn trả. Sau đó, chị T. đã 22 lần chuyển tiền cho các đối tượng để đóng bảo hiểm khoản vay và các chi phí khác. Tổng số tiền chị T. đã chuyển khoản cho các đối tượng là 57 triệu đồng. Đến khi chị T. không còn khả năng đóng tiền tiếp, các đối tượng chặn số điện thoại, Zalo, cắt đứt liên lạc với chị.

Biết mình bị lừa, chị T. đã trình báo lực lượng chức năng. Sau khi tiếp nhận trình báo của chị T., lãnh đạo Công an TP Hà Tĩnh xác định đây là một trong những vụ lừa đảo có tổ chức, thủ đoạn tinh vi nên xác lập chuyên án, chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự vào cuộc điều tra làm rõ trong thời gian ngắn nhất. Qua một thời gian triển khai linh hoạt, đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tiếp cận, ngày 17/6/2022, Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Tĩnh phối hợp với Công an quận 8, TP Hồ Chí Minh tiến hành triệu tập, bắt giữ 10 đối tượng.

Cảnh báo phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới và tinh vi

Trước tình hình hoạt động của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông, mạng Internet, mạng xã hội diễn biến phức tạp, xảy ra trên địa bàn cả nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng với nhiều thủ đoạn hoạt động mới, tinh vi, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã cảnh báo các phương thức, thủ đoạn lừa đảo mới và tinh vi như: Sau khi Bộ Công an triển khai việc cấp tài khoản định danh điện tử, đã xuất hiện những kiểu lừa đảo với chiêu bài kiểm chứng thông tin. Thông qua việc xác định tài khoản định danh điện tử, các đối tượng tự xưng là cán bộ công an sẽ đọc chính xác tên, số định danh, ngày tháng năm sinh để yêu cầu nạn nhân thực hiện một số hoạt động như yêu cầu nạn nhân đăng nhập vào website giả mạo giao diện cơ quan nhà nước để điền thông tin cá nhân, cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP gửi về số điện thoại. Sau đó, đối tượng dùng những thông tin trên đăng nhập các ứng dụng ngân hàng online, Momo, Zalopay... của nạn nhân rồi chiếm đoạt tài sản. Giả danh các nhà mạng gọi điện thông báo số thuê bao điện thoại của bạn đã trúng thưởng tài sản có giá trị lớn, để nhận được tài sản đó phải mất phí, nếu đồng ý thì mua thẻ cào nạp vào số tài khoản mà các đối tượng lừa đảo cung cấp.

Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới -0
Các đối tượng trong đường dây lừa đảo cho vay tiền qua mạng.

Lợi dụng lòng tin của người dân, sau khi người dân đóng tiền để nhận thưởng thì các đối tượng chặn liên lạc và chiếm đoạt số tiền đó. Đối tượng giả danh là cán bộ ngân hàng gọi điện cho bị hại thông báo có người chuyển tiền vào tài khoản nhưng do bị lỗi nên chưa chuyển được hoặc thông báo phần mềm chuyển tiền Internet banking của khách hàng bị lỗi..., yêu cầu khách hàng cung cấp mã OTP để kiểm tra. Các đối tượng sử dụng thông tin bị hại cung cấp để truy cập vào tài khoản và rút tiền của bị hại. Sau khi cung cấp thông tin cá nhân cho đối tượng lừa đảo, các đối tượng sẽ chuyển tiền trong tài khoản đi để chiếm đoạt và sau đó chặn liên lạc.

Công an tỉnh Hà Tĩnh khuyến cáo lãnh đạo các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục trên địa bàn quan tâm phổ biến, quán triệt cho cán bộ, đảng viên, tuyên truyền cho quần chúng nhân dân về một số phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm. Khi phát hiện các đối tượng dùng các thủ đoạn nêu trên để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì: Tuyệt đối không thực hiện theo yêu cầu từ các cuộc gọi “lạ” tự xưng là cơ quan nhà nước, lực lượng Công an để cung cấp thông tin cá nhân. Việc cấp số định danh điện tử cần liên hệ Cơ quan công an để thực hiện theo quy trình. Tuyệt đối không được tin và làm theo hướng dẫn của các đối tượng gọi điện thông báo trúng thưởng qua mạng, yêu cầu chuyển phí để nhận phần thưởng. Nếu nhận được cuộc gọi như vậy, người dân chủ động từ chối, kịp thời báo lại cho lực lượng Công an biết để có biện pháp phòng, chống. Tuyệt đối không được cung cấp mã số thẻ và mã OTP cho các đối tượng gọi điện đến tự xưng là cán bộ ngân hàng. Khi gặp trường hợp này, người dân cần chủ động liên hệ với bộ phận chăm sóc khách hàng của ngân hàng để được tư vấn và hướng dẫn cụ thể.

Đối với trường hợp thông qua điện thoại tự xưng là cán bộ công an, tòa án yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng để phục vụ thanh tra, điều tra thì đây đều là các hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Khi gặp trường hợp này, người dân phải bình tĩnh, đến ngay Cơ quan công an nơi gần nhất để báo tin và đề nghị hỗ trợ xác minh hoặc chủ động từ chối chuyển tiền. Tuyệt đối không hoang mang lo sợ mà chuyển tiền. Để phòng tránh các thủ đoạn lừa đảo, chủ tài khoản cần đề cao cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin qua điện thoại, email hay tin nhắn, kể cả với người xưng là nhân viên ngân hàng đến giao dịch trực tiếp. Chủ tài khoản cần chủ động liên lạc với ngân hàng qua đường dây nóng được công bố chính thức hoặc đến trực tiếp trụ sở của ngân hàng để giao dịch, làm rõ thông tin. Chủ động cảnh giác với các loại tội phạm, không để trở thành nạn nhân bất đắc dĩ, mất tiền, tài sản...

Xuân Lý
.
.
.