Nhức nhối người tâm thần gây án

Chủ Nhật, 29/05/2022, 11:53

Chỉ trong vòng chưa đầy 3 ngày (từ 10 đến 12-5-2022) tại TP. Hồ Chí Minh, đã xảy ra hai vụ án mạng thảm khốc do người bị bệnh tâm thần gây ra. Tại quận 5, con trai Trần Hồ Hiếu Thịnh trong lúc lên cơn hoang tưởng đã tấn công sát hại mẹ và dì ruột.

Còn tại huyện Hóc Môn là trường hợp sử dụng hung khí tấn công người khác khi bị nhắc nhở về việc hút thuốc lá trong trạm xăng. Gần đây nhất là trường hợp chị N., tạm trú tại khu nhà trọ ở xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, do bị trầm cảm xuất phát từ mâu thuẫn vợ chồng, sáng sớm ngày 22-5, đã sát hại đứa con gái chưa đầy 1 tuổi rồi tự tử nhưng được cấp cứu kịp thời…

tt2.png -0
Lê Tiến Hạnh dùng kéo truy sát nhân viên cửa hàng xăng dầu ở huyện Hóc Môn

Những vụ án đau lòng…

Khuya ngày 10-5-2022, trực ban Công an phường 4, quận 5, TP. Hồ Chí Minh nhận tin báo về một vụ án mạng vừa xảy ra tại một ngôi nhà trên đường Trần Phú nên đã cử tổ công tác xuống ngay hiện trường. Thời điểm có mặt, tổ công tác ghi nhận thanh niên tên Trần Hồ Hiếu Thịnh, sinh năm 1989, đứng ngay cửa nhà và có biểu hiện bất thường. Bên trong nhà, hai người phụ nữ là mẹ cùng dì ruột Thịnh, một người 73 tuổi và một người 70 tuổi đang nằm bất động trên vũng máu nên lập tức thông báo cho các đơn vị chức năng đến khám nghiệm. Qua ghi nhận ban đầu cho thấy đồ đạc tại hiện trường có nhiều xô lệch, đảo lộn, qua đó cho thấy trước khi vụ án xảy ra đã có sự giằng co, xô xát, trên người nạn nhân có nhiều vết thương do vật sắc nhọn gây ra khiến hai nạn nhân bị mất máu quá nhiều dẫn đến tử vong. Đồ đạc trong nhà vẫn còn nguyên vẹn, tủ, két không bị cậy, người dân xung quanh cũng không ai nhìn thấy có người lạ mặt đột nhập vào nhà. Trước thời điểm xảy ra vụ việc có nghe tiếng la hét của 2 bà, nhưng nhiều người nghĩ đây là chuyện thường xảy ra bởi Thịnh bị bệnh tâm thần phân liệt nên không ai đến xem sao?

Nhức nhối người tâm thần gây án -0
Bác sỹ chuyên khoa 2 Trần Duy Tâm – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tâm thần thành phố Hồ Chí Minh

Qua những thông tin ban đầu có thể thấy đây không phải là vụ giết người cướp của. Nhận định có thể trong lúc bệnh tình trở nặng, trong đầu xuất hiện ảo giác, Thịnh đã gây ra vụ việc trên nên Công an quận 5 đưa đối tượng về trụ sở công an để làm rõ. Lúc đầu, Thịnh la hét, chửi bới lung tung, nhưng sau khi được cho uống thuốc, cơn ảo giác lắng xuống, Thịnh run rẩy nói rằng mình đã giết mẹ và dì.

Một vụ án khác liên quan đến người tâm thần tại huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh cũng đã gây rất nhiều hoang mang lo lắng cho người dân. Vụ việc xảy ra vào 8h00’ sáng ngày 12-5-2022 khi Lê Tiến Hạnh, sinh năm 1989, tạm trú huyện Hóc Môn cầm cây kéo nhọn chạy vào trạm xăng dầu trên đường Đặng Thúc Vịnh, xã Đông Thạnh rượt tấn công một nhân viên bơm xăng là anh D.Q.B, sinh năm 1988, ngụ địa phương khiến anh bị trọng thương, gục ngay tại chỗ phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Chưa dừng lại, Hạnh còn tiếp tục rượt đuổi những nhân viên khác cùng những người dân đến đổ xăng cho đến khi mọi người chạy hết mới tháo chạy khỏi hiện trường, nhưng bị tổ tuần tra của Công an xã Đông Thạnh cùng người dân bắt giữ.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Công an huyện Hóc Môn đã có mặt tại hiện trường, ghi nhận dấu vết, lấy lời khai của những người xung quanh. Theo ghi nhận của cơ quan Công an, tối ngày 9-5-2022, trong lúc đến đổ xăng, Hạnh luôn miệng hút thuốc nên bị nhân viên cửa hàng nhắc nhở yêu cầu phải mang ngay điếu thuốc đang cháy ra xa rồi dập tắt để tránh cháy nổ. Tuy nhiên Hạnh không những không hợp tác mà còn lớn tiếng xúc phạm, thách thức nên đã bị một số nhân viên đuổi đánh. Trở về nhà, trong đầu Hạnh cứ xuất hiện hình ảnh những nhân viên cửa hàng xăng dầu muốn truy sát mình nên đến lúc thần kinh bị kích động mạnh, đã không thể kềm chế được bản thân và lấy cây kéo nhọn trong bếp đến tìm những người này trả thù. Tuy nhiên do có những biểu hiện bất thường và người nhà cũng khai báo Hạnh đang uống thuốc điều trị bệnh tâm thần nên cơ quan Công an đã chuyển Hạnh đến cơ sở y tế tiếp tục điều trị cho đến khi ổn định mới xem xét các biện pháp xử lý.

Nhức nhối người tâm thần gây án -0
Phạm Văn Nam lái xe ô tô truy đuổi, cán chết người vừa đánh mình

Cần sự vào cuộc của cả xã hội

Theo bác sỹ chuyên khoa II, Trần Duy Tâm – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh, tình trạng rối loạn tâm thần hiện nay khá phổ biến, chiếm khoảng 10% dân số với nhiều dạng khác nhau. Ngoài những người có tiền sử bệnh lý thì nó có thể xảy ra đối với bất kỳ ai. Người bị bệnh sẽ gây triệu chứng suy giảm chức năng xã hội, mất kiểm soát hành vi, có thể dẫn đến tự sát, kéo theo nhiều người khác cùng tự sát với mình, tấn công người khác… Đặc biệt những người thân trong gia đình, những người cùng làm việc hoặc những người thường gần gũi khác phải quan tâm đến những loại có nguy cơ cao là loạn thần nội sinh, loạn thần cấp tính, loạn thần do bị dồn ép vào trạng thái mất quân bình tâm lý và trầm cảm để nhận biết và có biện pháp điều trị kịp thời nhằm tránh những hệ quả không tốt do người bệnh gây ra.

Thứ nhất là loạn thần nội sinh. Đây là loại bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn hoang tưởng mãn tính. Mặc dù trong đầu thường xuất hiện những ý tưởng không thực tế khách quan, nhưng người bệnh vẫn tin vào nó. Các chi tiết của người bệnh khi xuất hiện ảo giác thường đứng ngồi không yên, lăng xăng tìm cái gì đó, có những cử chỉ, lời nói bất thường, kỳ cục hoặc đe dọa những người thân, người xung quanh, xé quần áo, đập phá những đồ đạc, đứng trước nhà hàng xóm chửi bới cho rằng hàng xóm hay theo dõi, đổ thuốc độc vào thức ăn, dùng hung khí rình rập truy sát, ngày ngủ li bì, đêm thức.

Thứ hai là loạn thần cấp tính do stress hoặc sử dụng chất hướng thần (thường xuất hiện trong lúc sử dụng các loại ma túy, đặc biệt là ma túy đá còn tác động trên não) chi phối hành vi của người bệnh theo hướng bạo lực và thường hay tấn công người khác. Ngoài ra, một trạng thái khác của loạn thần cấp tính là đối tượng bị dồn ép đưa vào trạng thái mất quân bình tâm lý, mất bình tĩnh khi bị kích động. Người bệnh loạn thần cấp thường xuất hiện trạng thái kích động dẫn đến phản ứng bột phát đáp trả không tương xứng bằng cách tước đoạt mạng sống người khác mặc dù trước nay không có tiền sử bệnh tâm thần.

Nhức nhối người tâm thần gây án -0
Hiện trường vụ mẹ sát hại con rồi tự tử bất thành ở Hóc Môn

Thứ ba là loạn thần trầm cảm. Loại này thường xuất hiện sau khi người ta bị những sang chấn tâm lý do nhiều hoàn cảnh khác nhau như tan vỡ tình cảm yêu đương, gia đình, thất bại trong làm ăn, áp lực công việc… Người bị trầm cảm thường tỏ ra chán nản đến cùng cực, nghĩ cuộc đời này không đáng sống nên muốn tự giải thoát cho mình bằng cái chết thông qua các hành động nhảy lầu, nhảy cầu, uống thuốc trừ sâu, thuốc ngủ… Nguy hiểm hơn, có trường hợp còn xuất hiện tâm lý rằng cuộc đời này đã không đáng sống với mình thì cũng như thế đối với tất cả những người khác trong gia đình nên muốn tất cả cùng tự tử với mình.

Một loại khác là rối loạn nhân cách. Thể loại này còn gọi là loạn thần nhân cách phi xã hội. Người bệnh thường có những biểu hiện xem thường không tôn trọng luật lệ, đi ngược với luân lý của xã hội, xem thường sức khỏe của người khác, có lối sống dị biệt rất khó hòa đồng với mọi người. Dạng bệnh này, có thể chỉ vì một chuyện hết sức nhỏ, không đáng có nhưng vẫn có thể sát hại người khác.

Theo tổng hợp của bác sỹ Trần Duy Tâm, người bệnh tâm thần phân liệt mất năng lực hành vi nên khi bị người nhà hoặc những người xung quanh có hành động gây chút căng thẳng như la mắng, trách móc hoặc chỉ cần gắt gỏng một chút sẽ châm ngòi đẩy người bệnh vào trạng thái bị kích động dẫn đến những hành vi không thể lường trước được. Trường hợp bệnh này thường được điều trị bằng thuốc và người thân cũng được các bác sỹ tư vấn, hướng dẫn chăm sóc chu đáo nên rất dễ phát hiện mầm mống của hành vi cực đoan nơi người bệnh và có thể né tránh được. Chính vì vậy, người chăm sóc, người thân hoặc những người xung quanh phải luôn để ý đến người bệnh, bởi chỉ cần đôi chút lơ là, thiếu kiên nhẫn mới có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

Trường hợp Trần Hồ Hiếu Thịnh ở phường 4, quận 5, TP. Hồ Chí Minh là một ví dụ. Thịnh bị tâm thần phân liệt và được điều thường xuyên ở Bệnh viện Tâm thần TP. Hồ Chí Minh. Khi bệnh được khống chế, bác sỹ có tư vấn, hướng dẫn cho người thân trong gia đình về cách chăm sóc từ ăn uống, thuốc men cho đến liệu pháp tâm lý, nhưng vì mẹ và dì ruột đã già yếu, không cho uống thuốc đúng theo chỉ định nên mới dẫn đến việc Thịnh xuất hiện hoang tưởng trong đầu và đã ra tay sát hai cả hai người thân nhất của mình.

Đối với trường hợp loạn thần cấp tính, có thể kể đến vụ Phạm Văn Nam, sinh năm 1989 ở tỉnh Ninh Bình, khoảng 1h sáng ngày 12-5-2022, trong lúc lái xe đưa người thân đến quán nhậu ở đường Phạm Văn Đồng, TP. Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận thì bị nhóm người của Hà Xuân Hải, sinh năm 1989, ngụ địa phương chạy xe mô tô đến tấn công bằng mũ bảo hiểm, bàn, ghế lấy từ quán nhậu. Sau khi thoát được, Nam lên xe rồ máy rượt đuổi nhiều vòng xung quanh khu bờ kè và húc gây tử vong Hà Xuân Hải. Gây án xong, Nam đến cơ quan Công an đầu thú... Tương tự là trường hợp của Lê Tiến Hạnh dùng kéo rượt đâm trọng thương nhân viên cửa hàng xăng dầu ở huyện Hóc Môn cũng vào ngày 12-5-2022...

Những trường hợp như thế này hoàn toàn có thể tránh được nếu người trong cuộc, người bên cạnh biết cách xử lý kịp thời. Trường hợp Phạm Văn Nam, mặc dù những người đi cùng biết Nam đang bị kích động, phóng xe rượt đuổi những người đánh mình, nhưng những người đi cùng không cảnh giác rằng việc này có thể gây nguy hiểm chết người, không ngăn cản nên mới gây hậu quả nghiêm trọng. Đối với trường hợp của Lê Tiến Hạnh ở huyện Hóc Môn thì những nhân viên cửa hàng xăng dầu nếu ngay từ đầu khi phát hiện Hạnh hút thuốc lá gây nguy hiểm mà dùng những lời lẽ nhẹ nhàng nhắc nhở phải dập tắt thuốc lá hoặc yêu cầu ra xa khu vực nguy hiểm chứ đừng làm lớn chuyện dẫn đến ẩu đả thì Hạnh sẽ không bị kích động tình trạng loạn thần cấp tính dẫn đến trả thù không tương xứng.

Những người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, nếu phát hiện một người nào đó đột nhiên có biểu hiện lầm lũi một mình, né tránh tiếp xúc với người khác, phong cách đi xuống đột ngột, bỏ bê bản thân cũng như công việc thì động viên tư tưởng, hướng dẫn hoặc trực tiếp đưa họ đến cơ sở y tế để nhận được sự tham vấn bổ ích và điều trị kịp thời. Người bệnh cần phải được cho uống thuốc đều đặn theo toa của bác sỹ, không nên tự ý ngưng hoặc cắt giảm thuốc điều trị vì như vậy sẽ dẫn đến tình trạng mất cân bằng.

Ngoài ra, người thân, người xung quanh không nên có cử chỉ thiếu thân thiện, mà phải đồng cảm, nhẹ nhàng với người bệnh, nhưng phải hướng dẫn cho họ tự hiểu về các hành vi, hành động chứ không nên bao bọc thái quá vì nó sẽ tạo ra nếp sống không theo nề nếp, dẫn đến việc người bệnh trở nên cực đoan, có thể xuất hiện hành vi tiêu cực chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt…

Một vấn đề hết sức cần thiết là phải có sự quản lý, giám sát, điều trị người bị bệnh tâm thần một cách khoa học, chặt chẽ, gắn trách nhiệm của người thân, gia đình và tổ chức xã hội, để quản lý tốt nhất người bệnh, tránh những hậu quả đau lòng do người bệnh tâm thần gây ra.

Đức Cương
.
.
.